Bên cạnh đó, các loại còi xe có âm thanh “khủng” được sử dụng tràn lan còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự.
“Còi tiếng cứu thương, cảnh sát gì cũng có”
Từ lời giới thiệu của các “tay chơi”, ngày 25.6, PV Thanh Niên đến chợ Tân Thành (Q.5, TP.HCM), và ghi nhận tình trạng mua bán các loại còi xe “khủng” diễn ra thoải mái, dễ dàng.
tin liên quan
Chịu hết nổi với ô nhiễm tiếng ồn ở TP.HCMTại TP.HCM vẫn tồn tại một thực trạng - ô nhiễm tiếng ồn - khiến giấc ngủ ngon đôi khi trở thành một ước mơ xa xỉ với nhiều gia đình.
Một phụ nữ đon đả: “Em mua cái gì? Nói đi, có đồ chị bán, không có chị chỉ chỗ bán cho”. Chúng tôi hỏi mua còi xe cứu thương, xe cảnh sát thì người này bảo: “Tưởng gì, chờ chị chút, còi tiếng cứu thương, cảnh sát gì chị cũng có”, rồi sang cửa hàng đối diện lấy về một hộp giấy cùng bịch ni lông màu đen, bên trong có một vật giống như loa dài chừng 15 cm, to hơn nắm tay người lớn.
“Loại này kêu được 4 tiếng khác nhau, giá 100.000 đồng/cái. Em gắn vào xe, đảm bảo kêu to không chịu nổi luôn!”, người phụ nữ này giới thiệu.
|
Tiếp đó, người này lấy bình ắc quy loại nhỏ ra thử cho chúng tôi xem. Nối với thân còi là bộ điều khiển có 4 nút bấm màu đỏ, trắng, xanh, vàng tương đương với 4 loại tiếng khác nhau. Bấm tới đâu, âm thanh giống như còi xe cứu thương, xe cảnh sát vang tới đó.
tin liên quan
Ông Tây đứng 4 tiếng hò hét chặn người Việt chạy xe trên vỉa hè TP.HCMCộng đồng mạng xã hội đang xôn xao trước thông tin một người đàn ông ngoại quốc đứng ra ngăn cản dòng xe leo lên vỉa hè ở trung tâm TP.HCM.
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào chợ Tân Thành. Một người đàn ông trong tiệm bán phụ tùng xe máy nhanh nhảu giới thiệu nhiều loại còi khác nhau và ra giá cho loại còi 3 tiếng (xe cấp cứu, cảnh sát 113, cảnh sát cơ động) 180.000 đồng/cái:“Hàng này là hàng Đài Loan, có 3 nút bấm khác nhau, mỗi nút là một tiếng. Cái này mà gắn vào xe máy thì đảm bảo kêu lớn lắm, nhức đầu luôn”.
Nói xong, người đàn ông vào kho, lấy ra một cái còi lớn, cắm vào bình ắc quy rồi hướng dẫn: “Có nhiều kiểu gắn lắm. Thích kín thì cắt bớt phần đầu rồi gắn vào trong hộc kín. Gắn như vậy tiếng kêu sẽ nhỏ hơn, còn nếu thích thì để hẳn bên ngoài sẽ kêu chát chúa. Nhưng tốt nhất là nên gắn trong hộc kín vì để bên ngoài công an mà thấy sẽ phạt”.
Lúc này, một người đi xe máy đến mua còi 3 tiếng rồi gắn vào xe. Người này liên tục bấm thử còi, âm thanh từ “loa” phát ra inh ỏi cả một góc đường...
Không chỉ các cửa hàng chuyên kinh doanh phụ tùng xe máy như chợ Tân Thành, Nhật Tảo mà ở một số tiệm sửa chữa xe máy cũng có bán các loại còi nói trên để phục vụ dân chơi.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, còi 3 tiếng được dân chơi ưa chuộng vì giá rẻ và khi bấm thì vang lên 3 tiếng giống còi của xe cấp cứu, cảnh sát 113, cảnh sát cơ động, nghe rất “sang chảnh”.
“Khi dùng loại còi 3 tiếng phải tháo còi cũ ra. Cái này có thể lắp song song với còi cũ của xe máy nhưng rắc rối, vướng víu. Còn còi sò là loại còi dùng cho ô tô, xe tải các loại, gắn vào âm thanh cũng to nhưng chỉ có 1 tiếng, không đã bằng còi 3 tiếng”, T.P.S (23 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), một dân chơi còi xe nói.
“Nghe còi là quíu tay chân”
Khi chúng tôi hỏi tại sao lại thích chơi loại còi này, T.P.S bảo: “Mỗi lần mình bấm còi, thấy người đi đường giật mình hoặc dạt ra cho mình chạy thì thấy thinh thích, oai oai. Nhưng bữa trước, mình đang bấm còi chạy ầm ầm thì bị CSGT bắt phạt 200.000 đồng rồi tháo còi ra luôn. Giờ mình không dùng còi 3 tiếng nữa mà dùng còi sò, khi cần thì mới bật”.
Việc các loại còi 3 tiếng, còi sò được các thanh niên thích chơi nổi sử dụng phổ biến để “thị uy” khiến nhiều người đi đường vô cùng bức xúc.
tin liên quan
Ô nhiễm tiếng ồn ở công viênXưa nay ít vào công viên để tập thể dục nên tôi cứ ngỡ công viên sẽ rất yên tĩnh vào mỗi buổi sáng. Thế nhưng thực tế rất khác!
Theo chị Thanh (23 tuổi, quê Quảng Nam), khi mới vào Sài Gòn làm việc, mỗi khi đi xe máy ra đường chị đi rất chậm và thường bị “ngộp” bởi dòng phương tiện đông đúc, nhưng ngại nhất vẫn là tiếng còi xe inh ỏi của những người trẻ tuổi. “Tôi đang chạy xe, nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu, xe cảnh sát là nép vào lề, nhưng sau đó nhìn lại thì không phải xe ưu tiên mà chỉ là xe máy bình thường. Có lần mấy đứa chạy gần rồi bấm còi rú lên inh ỏi làm tôi giật mình, tay chân quíu lại muốn lạc tay lái luôn”, chị Thanh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Nam (50 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), làm nghề xe ôm, cho biết ông thường xuyên gặp các thanh niên chạy xe máy nhưng bấm còi xe cứu thương, xe cảnh sát khiến ông rất khó chịu. “Mình đang đi bình thường nhưng nghe tiếng còi đó là hồn bay phách lạc. Có nhiều người còn gắn hẳn cái còi ra bên ngoài, chạy tới đâu là inh ỏi tới đó”, ông Nam nói.
Sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 2 triệu đồng
Theo một cán bộ thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM, việc xe máy, xe tải, ô tô tự động gắn còi ưu tiên là vi phạm lỗi thay đổi kết cấu xe. Các phương tiện vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 2 triệu đồng. "Đây là hành vi rất nguy hiểm và chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp xe tải, ô tô gắn còi ưu tiên. Đối với xe máy thì khó phát hiện hơn vì người sử dụng thường gắn kín trong xe. Tuy nhiên, trong các đợt ra quân hoặc tuần tra, nếu phát hiện trường hợp vi phạm, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm, không để tình trạng này gây nguy hiểm đến người đi đường", vị cán bộ này cho biết.
Công Nguyên
|
Bình luận (0)