Thêu dệt chuyện tình công sở

Tìm kiếm trên Google cụm từ “chuyện tình công sở” sẽ thấy vô số bài viết về chủ đề này, đọc xong thấy tá hỏa!

Các bài viết xoay quanh chủ đề sếp và thư ký, sếp và nhân viên, nhân viên với nhân viên, chị có chồng với em chưa vợ, anh Sở Khanh với gái ngây thơ… Rồi chuyện “ngủ trưa thân mật”, “tình trong chuyến đi công tác”… Người đọc có cảm giác như công sở là nơi chứa chấp biết bao nhiêu là tệ nạn. Nếu vợ hoặc chồng một ai đó không làm công sở, chắc chẳng thể tin tưởng vào vợ, chồng mình.
Thực hư chuyện đó ra sao?
Nói rằng những chuyện đó không có thì không đúng nhưng đó chỉ là những chuyện không phổ biến. Khi chuyện đơn lẻ có tính cá nhân, không phổ biến được phổ quát lên thì vấn đề không còn như bản chất vốn có.
Nhiều chuyện xảy ra từ thời… cổ lỗ sĩ giờ được xới lại như mới làm cho cái nhìn về nhân viên công sở méo mó như thể họ đến công sở không làm gì khác ngoài lo chuyện cá nhân - chuyện tình.
Trước hết nói về chuyện sếp và thư ký. Thời đại bây giờ, đồ rằng, không có sếp nào dại dột để đưa bồ về làm thư ký hoặc tuyển thư ký để làm bồ. Họ thừa thông minh để biết, hàng trăm cặp mắt của nhân viên đang nhìn vào mình, vào thư ký của mình. Trong đó có một cặp mắt “dịu dàng mà không chói lóa” nhất là vợ mình, cho dù cô ấy không làm chung một nơi nhưng không có chuyện gì qua mắt được cô ấy.
Khi thư ký là bồ, sếp không còn quyền lực tuyệt đối như trước mà nó sẽ chuyển sang hoặc chia một phần cho… thư ký. Cơ quan từ đó không còn kỷ cương. Không còn kỹ cương thì thất bại. Các ông sếp thừa khôn ngoan để không đánh đổi cái ghế của mình lấy một tấm nệm di động mà ông ta cũng thừa biết tuổi thọ của mối quan hệ này, nó chỉ có giá trị lợi dụng.
Cũng tương tự như thế với mối quan hệ giữa sếp và nhân viên nữ.
Nếu có một sếp nào đó có máu háo sắc dẫn đến việc bất chấp dư luận, dùng quyền lực để ép nhân viên mình thì trong cơ quan, dù có thể không ai nói ra nhưng trong mắt họ ông ta chỉ còn là một người nộm, kiểu như con bù nhìn đuổi gà mà thôi.
Nếu có nhân viên nữa nào đó, vì mưu lợi cá nhân trong một thời điểm nào đó buông thả tình cảm “quá đà”, thì bản thân họ sẽ bị chính người lợi dụng khinh thường về phẩm hạnh. Khi đã khinh thường phẩm hạnh thì khó lòng được xếp vào những nhân viên tin cậy.
Thời nay, tôi nói thời nay, các sếp có bồ thậm chí không dại gì nhận bồ về làm chung; nếu từng làm chung mà nảy sinh tình cảm họ có thể gửi sang một đơn vị khác, vị trí có thể tốt hơn, mối quan hệ từ đó cũng “êm đẹp” hơn.
Chuyện sống và làm việc chung một cơ quan tất sẽ có trường hợp nảy sinh tình cảm, điều đó là có và là câu chuyện của con người. Nhưng nói rằng, có người có cảm tình với nhau, ví dụ như là hợp tính hợp nết rồi đi ăn chung, đi cà phê cà pháo có vẻ thân mật rồi dẫn đến “ngủ trưa thân mật” thì không công bằng với nhiều người.
Rất nhiều phụ nữ khôn ngoan, luôn ném ánh nhìn hoặc buông câu thả thính khiến khối anh “giàu trí tưởng bở”, từ đó cứ nhận vơ như thể mình đã có thể. Câu chuyện từ đó cứ đồn thổi lên là cô ấy này này nọ nọ. Những người phụ nữ này, thử lấn tới mà coi, chỉ tốn tiền cho nha sĩ.
Trong công sở, không thiếu đàn ông ga lăng. Sự ga lăng dù bất kỳ hình thức nào cũng làm cho phụ nữ xúc động. Có thể ai đó bị say nắng một lúc thì rồi họ cũng tỉnh ra, rằng thì chồng mình trước đây cũng đã từng ga lăng, chẳng qua vợ chồng sống với nhau qua thời gian thấy cái đó không còn cần thiết nữa. Và rồi họ sẽ nghĩ đến gia đình anh ta, tại sao anh bỏ bê vợ con mà ga lăng với mình?
Phụ nữ lại hay tám với nhau, chuyện gì rồi họ cũng biết hết. Họ chỉ không nói hoặc chưa nói để biến anh thành con rối mà thôi.
Những suy nghĩ trên của người viết bài này, như đã nói, nó có thể không đúng với nhiều trường hợp khác, những trường hợp cá biệt. Cuộc đời thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Nếu đàn ông, đàn bà có tình ý thì không cần phải cùng công sở, ở đâu họ cũng có thể… tình ý được.
Đừng đổ oan cho công sở!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.