‘Thoát’ trắng tay, tôi chuyển sang… ‘dư nợ’ vì bitcoin, cho thuê xe, thẻ

23/12/2018 14:02 GMT+7

Làm tất cả những gì cần thiết để thoát khỏi tình trạng thiếu hụt, thế nhưng rốt cuộc hốt phải nợ nần... Đó là tình cảnh khá phổ biến của nhiều gia đình trong năm 2018 khi xoay quanh bitcoin, cho thuê xe và các loại thẻ.

Năm 2018 sắp kết thúc, cũng là lúc vợ chồng chị Hoàng Thị Th. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tổng kết lại một năm vật vờ, dính toàn những cú lừa “thiên niên kỷ”. Đầu tiên là việc tậu xế hộp, để gửi vào một công ty chuyên huy động xe nhàn rỗi của người khác làm dịch vụ cho thuê xe hơi tự lái ở Q. Gò Vấp.

Xoay cách gỡ gạc là lúc “bẫy” giăng ra

Nhận được đúng 2 tháng tiền cho thuê xe từ công ty này, tức khoảng 30 triệu đồng, sau đó mọi thứ chấm hết với vợ chồng chị. Kể từ giám đốc, cho đến nhân viên và cả trụ sở bề thế của công ty này đã “biến mất trong 60 giây”. Điều đau đớn hơn cho hàng chục nạn nhân như chị, những chiếc ô tô mới cáu đời 2016, 2017 của họ cũng hoàn toàn mất hút theo giám đốc “lừa”.
Bao nhiêu tiền dành dụm đổ vào chiếc xe trị giá hơn tỷ đồng giờ đã “không cánh bay”, cộng với thời điểm sau Tết âm lịch 2018, thị trường vật liệu xây dựng tăng vọt theo cơn sốt bất động sản. Tất cả đã khiến công việc kinh doanh mặt hàng này lâu nay của vợ chồng chị Th. gặp không ít khó khăn.
Và họ bắt đầu nghĩ về tình hình tài chính của mình một cách “nghiêm túc” khác nhau. Trong sự buồn rầu, anh lao vào “mùa hè nước Nga” với đủ 64 trận World Cup không thiếu trận nào. Mỗi trận anh “nằm” ít nhất hai kèo banh - tiền, tài - xỉu. Còn chị cũng lao vào cơn sốt đào tiền ảo với ma trận hàng chục kho bitcoin nhan nhản trên mạng.
Hậu quả sau mùa banh mà nước Pháp lên ngôi, bao nhiêu tiền bạc còn lại anh đã dâng cho nhà cái, để rồi trở thành nạn nhân của “tín dụng đen” với số nợ nần chồng chất hơn 600 triệu đồng.
Thua keo này, bày keo khác... cứ thế rồi nhiều cặp vợ chồng "ngụp lặn" trong nợ nần Ảnh minh họa: Shutterstock
Trong lúc anh phải tạm thời lánh đi khỏi địa phương, chị Th. lại hay tin nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào một công ty tiền ảo đã không thể liên lạc được với tổng giám đốc vào cuối tháng 7/2018 vừa qua.
Như đã nói trước đó, mờ mắt vì lãi suất khủng, trong lúc túng quẫn muốn gỡ vốn nhanh sau những cú sốc kéo dài từ đầu năm, chị Th. đã “té” luôn 12.000 USD để mua hàng chục “máy đào” với hy vọng sau 12 tháng, “hợp tác xã” tiền ảo sẽ trả lại vốn và lãi 300% mức đầu tư ban đầu.
Chưa kể, khi giới đầu tư còn đang truy tìm “ông chủ ảo” của công ty tiền ảo nói trên thì tiếp tục có tin ban giám đốc một công ty tiền ảo khác cũng đã “ra nước ngoài phát triển thị trường”. Tin này cũng là tin sét đánh với gia đình chị Th. khi chị cũng đổ vào đây ngót nghét 7.000 USD.

Vì sao nhiều người cứ mãi “ngụp lặn” trong nợ?

Tình cảnh của vợ chồng chị Th. điển hình cho những hộ kinh doanh nhỏ lẻ vướng vào khó khăn tài chính năm qua. Và có gia đình vượt qua, có trường hợp tiếp tục mắc kẹt trong nợ nần.
Ngoài câu chuyện cho thấy nguyên nhân khách quan ở trên, theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, “căn bệnh thiếu nợ” của đại đa số “kẻ tay trắng lại hoàn trắng tay” thường vận vào bởi niềm tin lệch lạc về tài chính trong thời gian kéo dài, làm tê liệt con nợ.
Hết năm 2018 vẫn loay hoay với các phương án dành dụm, làm giàu Ảnh minh họa: Shutterstock
Thông thường khi nhận được một khoản thanh toán, ta lại sử dụng để trả nhiều hơn cho nhu cầu và cả khoản nợ của mình. Đây được xem là thói quen phổ biến của các “chúa chổm”.
Ít nhất tôi đã thực hiện việc trả tối thiểu khoản lãi, vì vậy tôi đang thực sự tiến đến trả hết nợ? Suy nghĩ “kiểu AQ” như vậy mà quên đi rằng: khoản nợ thực sự đã tăng lên vì số tiền lãi đã trả mỗi tháng nếu cộng dồn vào có khi đã nhiều hơn số vay gốc.
Ai cũng “an tâm” vay khi thoáng chút có nhu cầu bởi tin rằng mình có thể đủ khả năng để thực hiện các khoản thanh toán tối thiểu hàng tháng. Thế nhưng, có thể ngay thời điểm hiện tại, họ đủ khả năng thanh toán tối thiểu, nhưng không ngờ rằng có thể tích tắc vài tháng, thậm chí chỉ vài tuần sau, “hoàn cảnh” của họ “thay đổi” thì sao? Những chuyện “đùng” một cái xảy ra luôn không phải là hiếm trong xã hội tiền tệ hiện tại.
Do đó, người ta đã dễ dàng rơi vào “bẫy nợ thanh toán tối thiểu” mà các tổ chức tín dụng giăng ra, trước khi biết được rằng mình không còn đủ khả năng để “thanh khoản”.
Cơn nghiện mua sắm - mua tất tần tật, mua ngay cả những thứ chưa thực sự có nhu cầu - lắm khi được mặc cho lời biện hộ rất ý chí: ti vi, xe hơi, nhà cửa, kỳ nghỉ ở nơi sang trọng … sẽ có thể kích thích chúng ta làm việc hăng say hơn để trả nợ.
Hỡi ơi, thế là khi debit card (thẻ ghi nợ) đã hết, thì cứ thế ta xoay qua credit card (thẻ tín dụng). Cần nhớ rằng, việc thoát khỏi khoản nợ trước hết sẽ giúp ta tiết kiệm nhiều tiền hơn thay vì tìm “động lực” làm việc cho những cuộc mua sắm lớn đó. Chưa thấy động lực đâu, cái có thể thấy ngay sau đó là sự căng thẳng tài chính khiến con nợ stress kinh niên.
Cơn lốc mua hàng giảm giá bằng thẻ tín dụng sẽ có ngày "thổi" bay luôn cả chủ thẻ Ảnh minh họa: Shutterstock
Với credit card, có kẻ còn bị hấp dẫn bởi gói “kích cầu” của ngân hàng: cần sử dụng thẻ tín dụng để giữ xếp hạng tín dụng của mình tốt!? Thực sự, để giữ dòng tín dụng tốt cho việc xếp hạng, là trả hết số dư vào cuối mỗi tháng. Chi tiêu vào tín dụng mất nhiều thời gian để trả nợ và có nhiều cách khác tốt hơn nhằm xếp hạng tín dụng thay vì được ‘đánh giá cao” trong mắt các… chủ nợ!
Một khía cạnh khác, có người phân bua: “Tôi biết mình cần trả hết nợ nhưng đâu có tháng nào tôi dư”? Thật ra điều này mới chính là “cú hích” để bạn tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao không thử kiếm thêm thu nhập”? Có quá nhiều cách để thu thêm một khoản tiền mặt ngoài giờ làm như giao hàng, chạy Grab…?

Làm sao để sợ… nợ?

Nhiều kẻ nghĩ rằng nợ là bình thường ngày nay. Ai ai cũng nợ? Nợ là một phần của cuộc sống? Hoàn toàn sai. Bởi thực tế không phải ai cũng nợ và có nhiều người chọn cách sống mà không cần phải nợ nần.
Ngoài ra, còn có “tư tưởng” không bình thường của mấy tay cả đời “rách như tổ đĩa”. Luôn nghĩ về khoản thừa kế trong tương lai sẽ được nhận, vì vậy cho phép mình sẽ trả hết nợ. Hay, cuộc sống quá ngắn, chỉ sống một lần, và cứ thế nợ. Nhưng, điều bi hài gì sẽ xảy ra, nếu anh bạn sống đến 80, 90 hay quá cỡ 100 tuổi?
Tóm lại, cuộc sống chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều nếu không có nợ! Sự thay đổi tư duy có thể cần một thời gian rất dài, nhưng nếu không sớm nhận thức, tác động của nợ sẽ dễ dàng lẻn vào và đánh gục không những bạn mà cả gia đình.
Cách hay nhất để bắt đầu thay đổi là cứ dành 30 giây suy nghĩ về một số điều mà những người mắc nợ thường “quan niệm” và mường tượng ra bao nhiêu vấn đề do các khoản nợ có thể gây ra trong tương lai rất gần. Ta sẽ dần sợ… nợ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.