Thơm béo bánh rây ở miền Tây

24/05/2020 20:36 GMT+7

Đây là loại bánh đặc trưng của người dân tộc Khmer, có mặt rất nhiều ở các tỉnh như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang…

Vào những ngày lễ hội thì bánh rây (còn gọi là bánh Om Chiết) luôn có mặt trong các mâm lễ vật dâng lên tổ tiên, ông bà. Đây còn là một trong các món bánh được nhiều nghệ nhân biểu diễn trong các lễ hội bánh dân gian Nam bộ tổ chức ở các địa phương. Nguyên liệu để chế biến gồm: gạo nếp, lá dứa, dừa nạo, đậu phộng, đường cát và bánh tráng giấy.
Trước tiên, vo gạo nếp thật sạch rồi đem phơi cho ráo nước, sau đó trộn đều với lá dứa cho có màu xanh và mùi thơm rồi phơi khô. Kế tiếp hòa nước lã vào cùng bột gạo lá dứa đánh đều lên rồi đem rây để lấy bột phía dưới (vì vậy bánh này được gọi là bánh rây). Công đoạn tiếp đến là cho dừa nạo, đậu phộng đã rang chín giã nhuyễn, đường cát vào chảo và trộn đều.
Lúc này, cần chỉnh lửa thật nhỏ và trộn đến lúc đường cát chảy ra và ngấm vào dừa, đậu phộng. Tiếp theo, cho bột gạo lá dứa vào rây, phía dưới là chảo hỗn hợp đường, đậu, dừa và rây đều cho bột rơi xuống, kết dính lại thành dạng cái bánh hình chảo, bên dưới lót bánh tráng giấy, sau đó dùng tay để gấp chiếc bánh lại để có hình bán nguyệt đẹp mắt. Còn gì thú vị hơn khi thưởng thức bánh rây thơm béo mùi lá dứa với một bình trà nóng đậm dưới ánh trăng thôn dã.
Tuy cầu kỳ nhưng bánh rây có giá bán rất bình dân từ 3.000 đến 5.000 đồng/cái tùy kích thước lớn hay bé và tùy tay nghề của người chế biến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.