Mới đây, mạng xã hội “dậy sóng” với những bình luận về quá trình lấy huyết heo mất vệ sinh ở các lò mổ. Các bài đăng này đều nhận được lượt tương tác “khủng” từ phía cộng đồng mạng. Thực hư của vụ việc này ra sao?
|
Nhiều người đọc xong hoảng sợ
Theo tìm hiểu, thông tin trên xuất phát từ một tài khoản Facebook của chị Trần Thị T.M (28 tuổi, ngụ Hà Nội), được đăng tải ngày 24.2. Theo bài đăng, chủ tài khoản chia sẻ: “Không dám ăn tiết lợn nữa mất. Ăn tiết luộc chấm mắm chua ngọt hay bột canh đỉnh mà, nhưng đọc xong bài này nghỉ khỏe luôn. Chưa bao giờ ước mình được mù chữ như bây giờ”. Kèm theo đó là ảnh minh họa về một tô tiết canh cùng hàng chục ảnh chụp màn hình những bình luận tiết lộ “thâm cung bí sử” về quá trình lấy tiết dơ bẩn, kém vệ sinh.
Trả lời PV Thanh Niên, người này cho biết những thông tin được chia sẻ là do chị chụp màn hình từ một hội nhóm về ẩm thực trên Facebook. “Mình rất thích ăn tiết canh, đọc mà mình thấy hoang mang không biết có thật không nên đăng lên để hỏi ý kiến mọi người. Dưới bài viết của mình, có 70% là mọi người nhắc nhở bạn bè mình, 20% đồng ý với những thông tin mình chia sẻ, còn lại là phản đối”, chị T.M nói thêm.
|
“Hồi nhỏ dưới quê đi ăn cháo nhiều người thích ăn huyết nên kêu nhiều hơn phèo. Có ông kia cắn miền huyết và cục phân lợn còn nằm ở giữa. Từ đó đến nay gần 10 năm mỗi lẫn ăn gì có huyết, kể cả huyết vịt hay huyết gà tôi toàn lấy muỗng cắt rồi cho nhỏ lại xem có gì trong đó không mới dám ăn”, bình luận của Gia Bảo được nhiều người quan tâm.
T.M cũng chia sẻ ý kiến của nickname Đỗ Khôi Nguyên: “Anh tôi từng làm lò mổ và anh kêu tôi đừng bao giờ ăn huyết heo. Trong lúc mổ, heo được treo ngược xuống nên phân và nước tiểu sẽ chảy theo trong lúc lây tiết luôn, chưa tính nước dãi”.
|
Chỉ sau vài ngày, bài viết của chị Mai nhận hơn 3.000 lượt like, 17.000 bình luận và gần 9.000 lượt chia sẻ. Đa phần đều là những phản hồi mang tính hoang mang, lo lắng, nhắc nhở nhau không ăn huyết heo. “Quá kinh khủng, cũng may là đó giờ chưa bao giờ ăn tiết canh”, “Thực hư vụ này ra sao vậy, có ai giải thích với vì đó giờ ăn mình cũng thấy bình thường. Tiết canh là món yêu thích mình ăn đó giờ”… nhiều người hoang mang trước thông tin trên.
Trong khi chính người đăng cũng chỉ mong muốn tìm hiểu sự thật của sự việc nên chia sẻ như trên.
|
Những người mổ heo lên tiếng
Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến cho rằng thông tin trên là không có căn cứ, mọi người không nên hoang mang.
Kết nối với ông B.N (ngụ Đồng Nai) là người có hơn 10 năm làm việc trong các lò mổ cho biết những thông tin trên là lời đồn thổi không đúng sự thật. Ông B.N cho biết ban đầu, ông làm lò mổ của mẹ ruột ở Đồng Nai với quy mô nhỏ, mỗi đêm làm chừng 4 - 5 con. Sau đó, ông làm chủ lò mổ tập trung công nghiệp. Lò mổ của ông được được cấp giấy phép hoạt động và nội quy nhập xuất, giết mổ, tiêu thụ và quy mô của lò. Tuy nhiên, hiện tại ông B.N không còn làm tại lò mổ nữa do gặp nhiều khó khăn.
“Từ 22 tuổi tôi đã bắt đầu làm cho các lò mổ, từ lò mổ truyền thống làm một đêm 3, 4 con lợn đến lò công nghiệp làm 300 – 400 con, chưa bao giờ tôi bắt gặp sự việc trên. Làm vớ vẩn, không vệ sinh là lò bị dẹp ngay chứ không đùa đâu. Chỉ những cơ sở không được cấp phép, cơ sở lấy tiết chui thì có thể diễn ra tình trạng mất vệ sinh thôi”, ông N. nói.
Theo ông, để lấy tiết heo các lò mổ phải lùa chúng ra một khung chuồng riêng rồi chích điện cho heo chết hẳn. “Sau đó, heo được đưa ra bể chọt tiết và quá trình lấy rất vệ sinh, phân nước tiểu ở đâu ra mà lọt vào. Sau khi lấy tiết, làm sạch lông, lợn được treo ngược lên để mổ và lấy nội tạng ra. Quá trình mổ này dùng băng chuyền cách đất nên sạch sẽ”, người này nói thêm.
|
Chị Trần Phượng (28 tuổi, ngụ Kiên Giang) kể ngày trước nhà mình gần một lò mổ heo và chị từng chứng kiến quá trình lấy huyết. “Sau khi tắm sạch sẽ cho heo xong, người ta treo ngược lên, chích cho heo ngất đi rồi thọc huyết. Mình thấy huyết chảy ra bình thường và không có gì mất vệ sinh cả. Mình cũng thường qua đó mua huyết chưng về ăn, nếu mất vệ sinh chắc nhiều người đã bị ngộ độc từ lâu rồi”, chị Phượng kể.
Một số tài khoản mạng xã hội cũng cho biết thông tin trên là không có cơ sở. “Tùy chỗ thôi chứ đâu phải chỗ nào cũng vậy. Gần nhà mình có cô chú kia toàn mổ heo nhà vườn không hóa chất, làm cũng sạch chứ đâu như mọi người nói”, chị Nguyễn Thị Bích Hiền bình luận.
Ý kiến của nickname Chính Quốc được nhiều người đồng tình: “Nhà tôi 17 năm làm nghề mổ heo đây. Mổ heo là cả một quy trình, khi thọc huyết thân heo được nằm trên cao một chỗ riêng, cổ và đầu được nghiêng và kéo xuống để chọc. Một giọt nước còn không vào được chứ nói gì phân với nước tiểu”.
Bình luận (0)