Gần một tháng nay, gia đình anh Phạm Văn Bông (trú ở thôn Hà Tràng Đông, xã Đông Hải, H.Tiên Yên) như ngồi trên đống lửa khi tôm bị nhiễm bệnh chết trắng đầm. Trong số 13 đầm có tới 10 đầm có tôm bị chết khi nuôi được khoảng một tháng.
“Giờ đang bước vào vụ tôm xuân - hè, chỉ khoảng một tháng nữa là có thể thu hoạch thì tôm lại lăn ra chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng”, anh Bông than thở. Hiện tượng tôm chết xuất hiện lác đác từ đầu tháng 5 vừa qua, lúc đầu chỉ có vài hộ sau đó lây lan rộng ra 14 hộ trong thôn Hà Tràng Đông.
Theo thống kê của UBND xã Đông Hải, diện tích nuôi tôm của xã là hơn 100 ha nhưng hiện diện tích có tôm nhiễm bệnh chết là hơn 30 ha, của 52 hộ dân ở các thôn: Hà Tràng Đông, Cái Khánh, Khe Cạn. Hầu hết tôm chết đang nuôi được 25 - 40 ngày.
Tại xã Đông Ngũ, H.Tiên Yên gia đình anh Đặng Văn Minh (trú ở thôn Xán Xế Đông) cũng lo lắng khi có 2 trong số 4 đầm có tôm bị chết, thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
“Vào cuối tháng 4, nhà tôi vay mượn ngân hàng, người thân được tổng hơn 400 triệu đồng để đầu tư nuôi hơn 50 vạn con tôm giống với tổng diện tích hơn 8.000 m2. Đến giữa tháng 5 thì tôm bắt đầu bị dịch chết”. Toàn xã Đông Ngũ hiện có hơn 40 hộ nuôi tôm chịu chung số phận tôm chết.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT H.Tiên Yên, trong tổng số diện tích hơn 900 ha đầm nuôi tôm, có gần 39 ha đầm có tôm chết. Ngoài xã Đông Hải bị thiệt hại nặng nhất, còn có xã Đông Ngũ có gần 8 ha đầm nuôi có tôm chết và rải rác ở xã Hải Lạng. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, có những ngày mưa lớn kéo dài làm cho lượng nước ngọt trong đầm lớn, ảnh hưởng đến môi trường nước, khiến tôm yếu, dễ mắc bệnh.
Qua kiểm tra, xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh đã xác định nguyên nhân tôm chết là do bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Hơn 10 tấn Chlorine đã được phát cho các hộ nuôi tôm để xử lý diệt khuẩn trong nước, phòng chống dịch bệnh vào tháng 4 vừa qua.
Để hạn chế tình trạng tôm chết hàng loạt như hiện nay, cơ quan chức năng đã khuyến cáo bà con nông dân không nên tiếp tục xuống giống, nên ủi và phơi đầm, kiểm tra môi trường nước bên ngoài trước khi lấy vào ao nuôi, tuân thủ theo lịch thời vụ của địa phương.
Tuy nhiên, hiện một số hộ nuôi tôm xử lý đầm nuôi chưa kịp thời, hoặc xử lý chưa triệt để đã vội thả tôm giống lại ngay, khiến dịch bệnh có thể bùng phát, nguy cơ lây lan ra diện rộng.
Bình luận (0)