TP.HCM có ca mắc Covid-19: Nếu giãn cách xã hội thì chỉ thị 15 khác 16 thế nào?

08/02/2021 20:23 GMT+7

Chiều 8.2, Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng giãn cách xã hội tại TP.HCM theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 tại một số khu vực vì dịch Covid-19 . Vậy Chỉ thị 15 khác Chỉ thị 16 thế nào? Nhiều người dân TP.HCM cũng đang chờ đợi quyết định của lãnh đạo TP.HCM và các phương án để phòng dịch.

Tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ ngày 8.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp tại TP.HCM, Bộ Y tế thành lập bộ phận thường trực tại đây do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đảm trách để cùng TP.HCM đánh giá lại tất cả tình hình.

TP.HCM dừng karaoke, vũ trường, quán nhậu,... để phòng Covid-19 từ 12 giờ ngày 9.2

Bộ Y tế huy động tối đa lực lượng hỗ trợ TP.HCM. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng giãn cách xã hội tại TP.HCM theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 tại một số khu vực...
Thủ tướng cho phép TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn, những địa bàn còn dịch Covid-19, "được phép áp dụng biện pháp mạnh" để tránh dịch lây lan ra cộng đồng "một cách cụ thể, phù hợp".
Vậy Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 khác nhau như thế nào?
Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đều là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong những thời điểm khác nhau. Trong đó, Chỉ thị 16 là văn bản thể hiện sự quyết liệt nhất với biện pháp cách ly toàn xã hội.

CẬP NHẬT: Danh sách 33 điểm đang phong tỏa tại TP.HCM để phòng Covid-19

Cuộc sống người dân những ngày giáp Tết bị đảo lộn vì Covid-19

Ảnh: Khả Hòa

Chỉ thị 15 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 27.3.2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Chỉ thị 16 được Thủ tướng Chính phủ ngày 31.3.2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Chỉ thị 15 yêu cầu:
- Dừng các sự kiện tập trung trên 20 người 1 phòng. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện.
- Khoảng cách an toàn tối thiểu 2m
- Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Chủ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa.
- Về hoạt động vận tải: hạn chế di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Hạn chế vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP.HCM đến nơi khác.
Chỉ thị 16 yêu cầu:
- Cách ly toàn xã hội, mọi người dân phải ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Không tụ tập quá 2 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện.
- Khoảng cách an toàn tối thiểu 2m
- Vẫn tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Chỉ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa.
- Về hoạt động vận tải: dừng di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng.

Bản tin Covid-19 ngày 9.2: Dịch bệnh ở TP.HCM vẫn vô cùng phức tạp

Chiều 8.2, Sở Y tế TP.HCM cũng có báo cáo về hoạt động phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, trên địa bàn TP.HCM, hiện đã có 10 địa điểm tạm phong tỏa, gồm: toàn bộ khu vực tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Q.1 (đường Nguyễn Văn Cừ, đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Cư Trinh, đường Cống Quỳnh), với khoảng 2.000 dân. Tổ 22, khu phố 3A, P.Thạnh Lộc, Q.12, với khoảng 100 dân. Tổ 47, khu phố 4, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, với khoảng 30 dân. Quán Nam Bắc, địa chỉ: 12A1 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình. Quán Cây Bàng, địa chỉ: B68 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình. Quán gà ta Phương Nam, địa chỉ: A3 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình.
Ngoài ra, cơ quan chức năng TP.HCM cũng phong tỏa nhà một bệnh nhân Covid-19 ở đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình. Phong tỏa khu nhà trọ số 90, đường Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q.Tân Bình (liên quan đến bệnh nhân 2002). Phong tỏa khu nhà trọ, đường Nguyễn Văn Cự, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân. Chung cư Felix Homes, P.6, Q.Gò Vấp (với 300 hộ dân, 900 người).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.