Trao đổi với Thanh Niên, chị Ngô Thu Trang, chủ vườn quất Xuân Lộc (P.Tứ Liên, Hà Nội), cho biết vụ tết năm nay, nhà vườn cung ứng ra thị trường gần 100 chậu “trâu vàng cõng quất” bon sai, nhưng đến ngày 19.1, vườn đã bán sạch hàng này dù vẫn còn nhiều khách gọi điện hỏi mua. Giá chậu quất thấp nhất không dưới 2 triệu đồng và cao nhất gần 10 triệu đồng, nhưng từ tháng 10 âm lịch trở đi, khách đã đến vườn đặt cây.
Theo chị Trang, vườn quất Xuân Lộc trồng quất cảnh nhiều năm nên có một lượng khách quen khá lớn, trong đó có một số rất thích chơi cây theo con giáp hàng năm. “Để đáp ứng nhu cầu này, hàng năm nhà vườn đều làm cây tạo hình theo năm con giáp, nhưng số lượng không nhiều vì chủ yếu phục vụ khách quen”, chị Trang nói.
Anh Hoàng Văn Hiệp, chủ vườn quất Bắc Hiệp, cho rằng trái ngược với không khí giao dịch ảm đạm của loại quất đất truyền thống, quất trồng trong chậu, bình, dòng sản phẩm trâu cõng quất bon sai được mua bán sôi động, đắt hàng. Vườn quất Bắc Hiệp năm nay có 60 - 70 chậu “trâu vàng cõng quất” nhưng hiện tại đã bán vãn với quá nửa số cây được khách chuyển tiền đặt cọc, nhiều khách đã lấy cây về chơi sớm.
Số quất còn lại, anh Hiệp bán túc tắc đến sát tết mà không lo ế hàng vì người đi mua cây còn nhiều. Cũng giống như vườn Xuân Lộc, sản phẩm “trâu vàng cõng quất” tại nhà vườn Bắc Hiệp có giá bán không rẻ: từ 2 - 7 triệu đồng/cây.
Đắt hàng nhờ “ăn theo” năm con giáp
Ghi nhận tại Tứ Liên - làng nghề trồng quất cảnh lớn nhất Hà Nội, xu hướng làm cây bon sai theo năm con giáp được các nhà vườn chú trọng đầu tư trong khoảng 5 - 6 năm trở lại đây. Gần như nhà vườn nào cũng chuẩn bị vài chục chậu dịp tết Nguyên đán hàng năm. Mỗi cây quất bon sai có giá bán một đến vài triệu đồng, theo các nhà vườn, họ cũng phải đầu tư, chăm sóc rất công phu.
Chị Ngô Thu Trang cho biết, để làm ra một cây quất bon sai đẹp thì phải kỹ từ khâu chọn cây. Chậu hình con giáp thường được thiết kế nhỏ gọn nên cây chọn đưa vào cũng phải chọn kỹ để có kích cỡ phù hợp, cân đối. Mỗi cây quất trước khi cho ra quả chơi tết thì phải được nuôi cấy trong chậu ít nhất 1 - 2 năm, cây càng già, càng đẹp càng có giá. “Trong quá trình nuôi cây, người trồng phải tính toán kỹ từ lượng phân, nước đưa vào chậu để cây “ăn” đủ dinh dưỡng, quả to, căng và đẹp mã”, chị Trang nói.
Trao đổi với Thanh Niên, nghệ nhân Bùi Thế Mạnh, một trong số những người đầu tiên sáng tạo dòng quất bon sai theo năm con giáp tại Tứ Liên, cho biết người trồng quất ở Tứ Liên tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật để sáng tạo ra sản phẩm đẹp mắt, độc đáo hơn phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người chơi cây dịp tết.
Chậu quất tạo hình trâu được các nhà vườn đặt tại làng nghề gốm Bát Tràng (H.Gia Lâm, Hà Nội) với loại chậu men vàng và đặt làm tại làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) với loại chậu men nâu trầm hoặc đen bóng. Chậu làm cây cũng phải tuyển chọn kỹ bởi để cả năm ngoài trời nếu màu chậu bị nhạt, hoặc biến đổi sẽ mất đi giá trị của sản phẩm. Cũng theo nghệ nhân Bùi Thế Mạnh, tùy theo gu của từng nhà vườn, họ sẽ đặt chậu theo các phong khác nhau như trâu đứng, trâu nằm hay có thêm tượng mục đồng chăn trâu thổi sáo… để chậu cây sinh động hơn.
“Quất bon sai tạo hình trên lưng trâu trước hết mang ý nghĩa tượng trưng cho sức khỏe dồi dào, vì con trâu rất mạnh mẽ, khỏe mạnh. Trong văn hóa phương tây, loài trâu tượng trưng cho sức mạnh và tài lộc. Có lẽ vì ý nghĩa như thế nên dòng sản phẩm trâu vàng cõng quất bon sai được nhiều người săn đón, tìm mua chơi tết năm nay”, ông Mạnh nói.
Bình luận (0)