Triều cường kỷ lục khiến người Cần Thơ phải bơi xuồng xuống phố là do đâu?

Hai ngày trước, lần đầu tiên triều cường đạt kỷ lục ở Cần Thơ. Triều cường kỷ lục khiến người Cần Thơ phải chèo cả xuồng xuống phố gây nhiều thắc mắc về nguyên nhân. Câu trả lời do đâu vì sao đã được giải đáp bởi bài viết dưới đây của ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ.

Nguyên nhân gây ngập nghiêm trọng ở Cần Thơ ngoài yếu tố khí tượng, thủy văn và hải văn còn do ảnh hưởng bởi sự sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long; sản xuất lúa vụ ba và sự phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

Theo dõi diễn biến lũ trên sông Cửu Long, triều cường và ngập lụt ở Cần Thơ trong tháng 10.2018, có thể xác định được những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ngập lụt nghiêm trọng tại Cần Thơ.

[VIDEO] Triều cường lịch sử, nội ô Cần Thơ “chìm” trong nước

Về thủy triều và lũ thượng nguồn, mực nước tại các trạm thượng nguồn, mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc đang xuống vẫn ở mức cao hơn báo động (BĐ) 1 (Tân Châu: 3.63cm, Châu đốc: 3.45m ngày 09.10.2018); vùng đồng bằng Nam Bộ chịu ảnh hưởng của kỳ triều cường bắt đầu từ ngày 4.10 và đạt đỉnh vào ngày 10.10 đã có tác động đến mực nước lớn lịch sử tại Cần Thơ. Từ ngày 11.10, mực nước trên các điểm đo ở trên vẫn tiếp tục xu hướng giảm chậm.

Phụ huynh chống xuồng trên đường để đón con đi học về ĐÌNH TUYỂN
Xuồng máy, xe cộ cùng đi trên đường KIM HÀ
Ở vùng ven thành phố, người dân cho trẻ ngồi vào thau để đưa đến lớp ĐÌNH TUYỂN
Chiếc xuồng máy xuất hiện trên phố ở quận Ninh Kiều, Cần ThơQUÁCH ÁNH

Ngoài ra theo số liệu quan trắc gió tại các trạm ven biển và ngoài đảo cho thấy gió mùa Đông Bắc đã tác động mạnh từ ngày 6.10 cho đến nay.

Theo đó, tại trạm DKI-7: Sóng đo được tại trạm từ ngày 7-9/10 độ cao sóng đạt 2.5m. Tốc độ gió lớn nhất ngày tại DKI-7 dao động từ 11-13m/s, hướng chủ đạo NE, ENE.

Tại trạm Côn Đảo:  Sóng đo được từ 0.50 – 0.75m, tốc độ gió lớn nhất ngày tại Côn Đảo dao động từ 8-10m/s, hướng chủ đạo ENE. Các trạm trong đất liền tốc độ gió dao động từ 4-6m/s, có nơi giật trên 7m/s.

Tác động của gió mùa Đông Bắc làm mức độ ảnh hưởng của thủy triều tăng thêm.

[VIDEO] Cuộc sống khốn khổ ngày vỡ đê của người dân Cần Thơ

Về sản xuất nông nghiệp, vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) rộng gần 489.000 hecta thuộc địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Theo thống kê của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam thì năm 2016 đã có tới 60.000 hecta lúa vụ ba với cao trình bao đê trên 3 mét, với xu thế tiếp tục tăng diện tích sản xuất lúa vụ ba như vậy thì vùng vùng trữ nước ở TGLX sẽ giảm đi và độ sâu ngập ở các vùng trũng thấp khác sẽ tăng lên, trong đó có thành phố Cần Thơ. 

Về phát triển đô thị, những năm gần đây ở thành phố Cần Thơ, tốc độ phát triển về hạ tầng cơ sở rất nhanh, quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển mạnh các khu công nghiệp, nhưng hệ thống tiêu thoát nước của thành phố chưa thật hoàn chỉnh và đồng bộ, do đó khi có triều cường mạnh cũng là một nguyên nhân gây ngập úng vùng trũng thấp.

Về sụt lún của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, kết quả quan trắc lún ở một số thành phố lớn và ĐBSCL năm 2015 đã phát hiện hơn 70% số điểm mốc độ cao bị lún từ 5cm trở lên so với năm 2005.

Trong số đó, số mốc bị lún trên 10 cm chiếm hơn 20%. Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam khẳng định, ĐBSCL từ một khu vực ổn định đã rơi vào tình trạng sụt lún nhanh chóng chỉ trong vòng 25 năm. Tốc độ sụt lún cao hơn nhiều so với tốc độ mực nước biển dâng (chỉ vài milimet mỗi năm). Thêm vào đó việc sử dụng nước ngầm quá mức đang đẩy nhanh quá trình lún ở TP Cần Thơ và Vĩnh Long. Theo số liệu thống kê mực nước tại trạm thủy văn Cần Thơ trong giai đoạn 2000-2017, mực nước cao nhất năm có xu thế tăng 1,28cm/năm, mực nước trung bình năm có xu thế tăng 0,44cm/năm.

Như vậy, mực nước đạt lịch sử xảy ra tại Cần Thơ và Mỹ Thuận do tổ hợp các nguyên nhân sau: Nước lũ thượng nguồn lớn; Triều Biển Đông mạnh và đúng đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch; Tác động thêm của gió mùa Đông Bắc làm thủy triều lấn sâu vào các sông.

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân trên, có thể nói Trạm Cần Thơ và Mỹ Thuận đạt mực nước lịch sử là nơi giáp nước của dòng chảy thượng nguồn cao và dòng triều mạnh từ Biển Đông.

Như vậy, nguyên nhân gây ngập nghiêm trọng ở Cần Thơ, ngoài nguyên nhân do các yếu tố khí tượng, thủy văn và hải văn thì sơ bộ có thể nhận thấy các nhân tố gây nên hiện tượng này là sự kết hợp của:

1.Sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long

2.Phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa vụ ba

3.Phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

Ngoài ra còn có tác động từ các nguyên nhân khác như mức độ đô thị hóa, phát triển khu công nghiệp, việc sử dụng nước ngầm quá mức đang đẩy nhanh quá trình sụt lún. Hệ thống đê bao ở vùng ĐBSCL ngày càng hoàn thiện làm suy giảm vùng trữ nước và làm gia tăng mức độ nước dâng do truyền lũ và truyền triều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.