Nhường suất về cho người khác
2 năm trước, chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi, quê ở H.Thạch Hà, Hà Tĩnh) gửi lại 2 đứa con (12 tuổi và 8 tuổi) cho bà dì ở quê, khăn gói cùng đứa con út vào TP.HCM làm công nhân dệt nhuộm. Chị cùng chồng thuê phòng trọ ở H.Bình Chánh với giá 1 triệu đồng/tháng để có chỗ ăn ở, đi làm kiếm tiền nuôi con.
3 tháng trở lại đây, dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, vợ chồng chị mất việc. Dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống của chị đầy khó khăn.
“Tôi muốn về quê lắm nhưng đợt vừa rồi nhường suất về cho những người khó khăn hơn mình. Giờ hai vợ chồng cứ ngồi ở cửa nhìn ra, không có việc làm. Giờ nếu có thức ăn thì nấu thêm cơm còn không cứ mì gói qua ngày”, chị Hà chia sẻ.
|
Trước đây, cuộc sống vợ chồng chị vẫn ổn. Chị đi làm lương 6 triệu đồng/tháng, đủ trả tiền trọ, ăn uống và tiết kiệm gửi về nuôi con ở quê. Dịch bệnh bùng phát, không có tiền nên cuộc sống thiếu thốn mọi mặt.
“Giờ ở đây họ phát phiếu đi chợ, 2 lần/tuần nhưng không có tiền lấy gì đi chợ được. Tội cho bé út 3 tuổi ăn theo mẹ nên lấy đâu được đủ đầy, ngày có hộp sữa là may rồi. Thời gian tới tiếp tục giãn cách tôi cũng đang đau đầu”, chị Hà nói.
Chị Hà cho biết, bữa giờ thức ăn của vợ chồng chị chủ yếu là trứng. Không còn cách nào khác, chị đành gồng mình vượt qua. “Người ta nói ăn trứng cao lớn đâu không biết nhưng giờ đó là thức ăn dễ dàng với sức mình. Trứng chiên, trứng luộc cứ thay đổi nhau. Sống qua ngày đoạn tháng, đến đâu hay đến đó chứ không biết làm thế nào nữa. Tôi cùng chồng bế đứa con út vào Sài Gòn với mong muốn cuộc sống đỡ hơn nhưng không ngờ dịch bệnh bùng phát khiến cả gia đình điêu đứng. May thay, chủ trọ cũng đang giảm cho được một ít nên vợ chồng cứ bám trụ lẫn nhau đợi hết dịch xem thế nào”, chị Hà tâm tình.
|
Đồng lương ít ỏi nuôi 4 miệng ăn
Chị Võ Thị Phượng (32 tuổi, cùng quê chị Hà) may mắn hơn chút khi chồng vẫn có tiền lương hỗ trợ từ nghề tài xế để chống chọi qua mùa dịch. Chị Phượng làm tạp vụ cho một trường mầm non ở Q.Tân Bình. Dịch bệnh bùng phát, chị không đi làm được nên đồng lương ít ỏi từ chồng phải nuôi 4 miệng ăn giữa thời khốn khó.
“Bữa giờ 3 mẹ con (con 7 tuổi và 3 tuổi) cứ chờ chút tiền lương hỗ trợ từ chồng vì tôi không đi làm được. Mùa dịch khó khăn để lo cho con đủ đầy như trước là điều xa xỉ. Giờ cũng phải trụ lại chứ biết sao giờ, về quê cũng không được. May thay đợt trước bà nội gửi cho ít gạo nên vẫn còn, hàng xóm thỉnh thoảng cho ít rau, cố cho con có tí thịt, tí cá chứ để hai đứa ăn mì tôm nhiều cũng xót”, chị Phượng cho biết.
Chị Phượng thuê trọ giá gần 2 triệu đồng/tháng. Chị tính chờ dịch bệnh ổn định sẽ đi làm trở lại. Ít nhất 2 tuần tới khi thành phố chưa hết giãn cách, chị buộc phải sống qua ngày vì không còn cách nào khác.
“Bữa mới đóng tiền trọ, nhà chủ giảm cho được 200.000 đồng. Nếu khó khăn quá tôi đang tính trả phòng trọ rồi xin ở đâu đó chứ làm sao mà trụ nổi. Cả nhà chờ vào chút tiền lương tài xế từ chồng. Giữa mùa dịch, hàng xóm cũng thương người cho cái này người cho cái kia”, chị buồn bã.
Vì đang là sinh viên nên Lê Thị Thúy (22 tuổi, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM) được bố mẹ chu cấp để sống qua mùa dịch. Tuy nhiên, ở quê nhà Hà Tĩnh, bố mẹ cô cũng phải bán từng con gà, con vịt, xoay đủ kiểu mới có tiền gửi vào cho con.
|
Trước đây, Thúy đi làm thêm ở các nhà hàng, tiệc cưới để có thêm khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Dù không nhiều nhưng cũng đỡ đần bố mẹ chút ít. Hiện giờ, không về quê được, Thúy đành ở lại phòng trọ chờ dịch bệnh lắng xuống.
“Hôm trước nghe bà chủ báo được giảm 100.000 đồng mình ứa nước mắt luôn. Bố mẹ làm nông vất vả ở quê cũng phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm gửi vào cho mình. Thương lắm, nghĩ đến bố mẹ lại thấy xót nên cứ tiết kiệm, ăn tạm mì gói được ngày nào hay ngày đó. Nếu dịch bệnh cứ kéo dài thế này chắc mình không trụ được vì chi phí sinh hoạt, tiền trọ”, Thúy nói.
Với những người cùng khổ như chị Hà, chị Phượng mong muốn lớn nhất của họ ở thời điểm hiện tại là có miếng ăn, chỗ ở trong thời gian tới. Hi vọng, các chủ trọ sẽ san sẻ tình yêu thương giảm ít tiền thuê phòng để họ có thể tiếp tục cuộc sống, có thêm động lực bám trụ lại Sài Gòn. Gánh nặng về “cơm áo gạo tiền” với những người tha hương chưa bao giờ nhẹ nhàng. Giữa mùa dịch bệnh, hi vọng họ nhận được nhiều sự giúp đỡ để cuộc sống vượt qua được cơn khốn khó này.
Bình luận (0)