Vợ chồng bán vé số khắp Sài Gòn ước mơ 2 con bại não được đi học

19/01/2018 12:12 GMT+7

Ngày chị Loan sinh được hai đứa con trai kháu khỉnh, ai nấy đều hạnh phúc. Vậy nhưng đến 1 năm, hai con vẫn không biết bò nên vợ chồng chị đưa con vào bệnh viện khám thì mới phát hiện cả hai đều bị bại não.

Hình ảnh chị Lê Thị Kim Loan hàng ngày đẩy hai con trai sinh đôi trên một chiếc xe lăn đến Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM đã trở nên quen thuộc với những người ở đoạn đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3).
Hai con chị Loan là cháu Trần Gia Huy và Trần Gia Hoàng (7 tuổi). Cả hai có khuôn mặt sáng sủa và cử chỉ nhanh nhẹn nhưng đi đâu cũng phải có mẹ đẩy bằng xe lăn.
Video: Cha mẹ bán vé số khắp Sài Gòn nuôi hai con bị bại não
Bán vé số kiếm tiền chữa bệnh cho con
Chị Loan và chồng là anh Trần Kim Trúc cùng quê Phú Yên. Ngày trẻ, anh chị theo hàng xóm vào TP.HCM bán vé số nên gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng. Đến ngày gần sinh, chị Loan mới trở về quê để nhờ cha mẹ chăm sóc sau khi sinh, còn anh Trúc vẫn tiếp tục ở lại TP mưu sinh.
Khi mang bầu được 8 tháng, chị Loan trở dạ rồi sinh luôn. Chị Loan kể, lúc sinh hai đứa nhỏ bị nhau thai quấn cổ nhưng không nguy kịch mà vẫn hồng hào, kháu khỉnh. Hai bên nội, ngoại ai nấy đều vui mừng.
Gia Huy không thể tự đi đứng được nên từ sáng thứ 2 đến sáng thứ 6 sẽ được bác sĩ tập vật lý trị liệu Ảnh: Vũ Phượng
“Định bụng là đến khi con lớn một chút thì tôi gửi cháu cho ông bà rồi quay lại Sài Gòn để bán vé số. Nhưng đến khi 1 tuổi cháu vẫn chưa biết bò, cũng không nói được. Tôi mới đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM khám. Bác sĩ kết luận hai cháu bị bại não, liệt tứ chi. Nghe vậy, vợ chồng tôi suy sụp nhưng bác sĩ nói gì cũng làm theo. Cứ 1 tháng tôi lại đưa con đi tái khám 1 lần”, chị nhớ lại.
Tiền bán vé số của chồng và tiền dành dụm bấy lâu của hai vợ chồng chẳng đủ để lo tiền xe đều đặn mỗi tháng 1 lần từ Phú Yên vào TP.HCM nên chị đưa luôn hai con vào để vợ chồng cùng chăm sóc và tiện việc điều trị cho con.
Chị Loan luôn dìu dắt từng bước đi cho con và mong ước một ngày con được đến trường Ảnh: Vũ Phượng
Hiện vợ chồng chị đang ở trọ cùng gần 20 người cùng quê Phú Yên vào bán vé số tại một con hẻm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Từ thứ hai đến thứ sáu, anh Trúc đạp xe đi bán vé số, còn chị đưa hai con đến Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng để bác sĩ tập vật lý trị liệu. Cuối tuần chị mới lấy vé số rồi đẩy hai con đi bán quanh công viên Tao Đàn.
Anh Trúc bị cụt một đoạn tay từ ngày còn trai tráng làm ở lò gạch. Hiện anh là lao động chính của cả gia đình Ảnh: Vũ Phượng
Ước mong cho con đi học
Một ngày đi bán vé số từ sáng sớm đến tận khuya nhưng anh Trúc chỉ bán được khoảng 300 vé, mỗi vé lời 1.000 đồng. Hai đứa nhỏ lại thường lên cơn sốt nên số tiền lời ít ỏi nhiều khi chẳng đủ để mua thuốc cho con.
Anh Trúc tâm sự: “Từ khi đưa con vô đây, ai chỉ bác sĩ nào hay thầy thuốc nào giỏi, vợ chồng tôi cũng ráng đưa con đến khám bệnh và xin thuốc. Có bác sĩ thấy hoàn cảnh tôi khó khăn cũng bớt tiền nên tôi mới chạy chữa được cho con đến bây giờ chứ không thì cũng chẳng biết phải nhờ vả ai. Cha mẹ hai bên cũng già, anh chị ở quê hoàn cảnh còn khó khăn hơn tôi ở đây đi bán vé số”.
Gia Huy và Gia Hoàng có gương mặt sáng sủa, nghe lời cha mẹ và hiểu được những gì người lớn nói. Tuy nhiên, chân của em Huy đi không được, em Hoàng đi chập chững hơn thì mắt lại yếu. Tay của hai em cũng không cứng cáp nên một số sinh hoạt cá nhân phải có mẹ giúp đỡ.
Chiều nào Gia Huy cũng đứng ngay mép cửa nhìn về phía các bạn đang chơi đùa ngoài đường  Ảnh: Vũ Phượng
Mỗi buổi chiều, Gia Huy đứng ngay mép cửa nhìn ra các bạn chơi bên ngoài với đôi mắt u buồn. Ai đi qua cũng chọc vài câu cho em cười, em cười đó nhưng rồi lại ủ rũ vịn đôi tay run rẩy vào tường để bước từng bước đi.
Trong giây phút đó tôi cảm nhận được rằng Gia Huy đang tự nỗ lực vượt qua chính mình để bước đi và em cũng khao khát được như những đứa trẻ bình thường kia… Chị Loan nhìn con vậy cũng ứa nước mắt rồi nghẹn ngào: “Giờ tôi chỉ mong hai con đi lại được và được đến trường để biết chữ. Tôi thì sẽ đi bán vé số mỗi ngày giống chồng để lo thuốc men cho con”.
Không ai được chọn số mệnh hay cơ thể của mình khi sinh ra nhưng ai cũng có quyền ước mơ về một tương lai tươi sáng, một cuộc sống bình yên cho mình, cho người thân của mình. Và vợ chồng chị Loan, anh Trúc cũng vậy, anh chị dù có vất vả mưu sinh nắng mưa trên đường phố thế nào nhưng đổi lại tất cả, anh chị chỉ mong con có thể như bạn bè đồng trang lứa, bước đi trên đôi chân của mình và được đến trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.