Xây dựng trái phép 'bức tử' suối Cầu Quan

02/04/2019 10:11 GMT+7

Nhiều công trình trái phép mọc lên đã “bức tử” suối Cầu Quan, đoạn chảy ra xã Phước Tân, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) nhưng chính quyền không hề hay biết.

Hàng chục công trình lấn chiếm lòng suối

Suối Cầu Quan bắt nguồn từ Khu du lịch Giang Điền (H.Trảng Bom) chảy ra nhánh sông Buông (xã Phước Tân) rồi đổ ra sông Đồng Nai, lòng suối rộng khoảng 6 m (có chỗ rộng gần 10 m). Đây cũng là con suối thoát nước chính khi vào mùa mưa lũ.
Tại khu vực ấp Hưng Phước, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) nhiều công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang suối diễn ra. Đa số các công trình đều dùng đất, đá đổ xuống lòng suối để san lấp; có đoạn người dân còn đóng cả cọc bê tông làm đà chắn, xây dựng nhà ở; có công trình còn dùng cả thùng phuy sắt (loại 1.000 lít) rồi đổ xi măng, cát đá vào trong thùng thả xuống lòng suối làm móng, phía trên thùng là những đà bê tông để xây dựng tường gạch...
Anh T.H.Đ (ngụ ấp Hưng Phước, xã Phước Tân) bức xúc: “Hơn 1 năm qua, người dân phát hiện ra những trường hợp xây dựng lấn chiếm suối Cầu Quan nên đã gửi đơn đến nhiều ban ngành chính quyền địa phương nhưng chưa thấy nơi nào quan tâm phản hồi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ mất luôn suối thoát nước này. Mới đây chúng tôi đã phải nộp đơn lên UBND TP.Biên Hòa để trình báo sự việc trên”.
Còn ông N.V C (ngụ cùng ấp) cho biết, gia đình ông đã sinh sống 34 năm ở khu vực này nên rất hiểu về suối Cầu Quan. Hằng năm vào mùa mưa lũ, bà con nơi đây sống rất khổ sở, bởi nước từ đầu nguồn đổ về nhiều vì không thoát kịp ra sông Buông và sông Đồng Nai nên gây ngập nhà cửa.
“Vậy mà bây giờ tình trạng lấn chiếm xây dựng diễn ra ngày càng trầm trọng, ngăn chặn dòng chảy nên chắc chắn nước không còn đường thoát, gây ngập lụt vào mùa mưa. Người dân chúng tôi đã trình báo các cấp của chính quyền địa phương, nhưng họ vẫn phớt lờ và để tình trạng xây dựng bát nháo, bất chấp pháp luật”, ông C. gay gắt.

Sẽ cử cán bộ xuống xác minh

Ông Nguyễn Tôn Trọng, Chủ tịch UBND xã Phước Tân, cho biết chính quyền xã thường xuyên cho cán bộ đi kiểm tra và xử lý theo pháp luật những công trình xây dựng trái phép. Tuy nhiên, việc xây dựng “lụi”, xây dựng không phép trên địa bàn diễn ra rất phức tạp. Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm thì xã xử phạt và buộc tạm ngừng thi công, còn trường hợp bị lập biên bản xử phạt mà vẫn tiếp tục thi công thì xã lập hồ sơ báo cáo lên TP, sau đó TP phê duyệt kế hoạch cưỡng chế.
“Còn tình trạng xây dựng lấn chiếm ở suối Cầu Quan như người dân đang phản ánh thì chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra xác minh, sau đó sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Trọng nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, Nghị định số 43/2015 của Chính phủ quy định quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch thì khoảng cách xây dựng không nhỏ hơn 20 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung. Mục đích là để làm lối đi ven sông, trồng cây xanh, công viên…
“Trường hợp đang xây dựng không chừa hành lang an toàn theo quy định như ở suối Cầu Quan rõ ràng đã vi phạm hành lang an toàn trong việc bảo vệ sông ngòi, kênh, rạch, chưa nói đến việc lấn chiếm lòng suối để xây dựng. Như vậy cần phải xử lý để bảo vệ suối theo luật định”, ông Hưng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.