Đôi tay đep

05/11/2011 16:38 GMT+7

Không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi một câu chuyện cổ Trung Quốc. Chẳng rõ thực hư thế nào, nhưng câu chuyện có nội dung thế này.

Kinh Kha là một thích khách nổi tiếng của nước Ngụy. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, là tay đâm thuê chém mướn thạo nghề và rất được tín nhiệm. Với tham vọng thống nhất sáu nước hòng bá chủ thiên hạ, Thái tử Đan nước Yên đã thuê Kinh Kha giết vua nước Tần là Doanh Chính, tức Tần Thủy Hoàng. Tiếc rằng lúc này Kinh Kha đang có ý giải nghệ nên không mấy mặn mà với số tiền công lớn khách hàng đề nghị được trả.

Để mua chuộc, Thái tử Đan cho mở yến tiệc suốt ngày đêm với đủ các thức ngon vật lạ và vô số mỹ nữ luôn mua vui bên cạnh. Một tối nọ, khi tư lự nghe một nữ nhạc công chơi đàn, Kinh Kha vô tình thốt lên lời khen nàng có đôi tay đẹp. Sáng hôm sau, Kinh Kha thấy người của Thái tử Đan mang đến một hộp quà phủ lụa đỏ. Mở ra thì thấy bên trong là đôi tay thon nhỏ của cô gái chơi đàn tội nghiệp. Hắn, tên đâm thuê chém mướn không ghê tay ấy, sững sờ xúc động, cho chôn cất đôi tay cẩn thận rồi lên đường đi tới nước Tần. Nhưng hắn cố tình không giết Doanh Chính, và đã phải đem mạng sống của mình trả giá cho việc này.

Câu chuyện chỉ có thế, nhưng nó gây ấn tượng đủ mạnh để chúng ta thấm thía hết thân phận bèo bọt của người dân bình thường, cũng như sự độc ác vô liêm sỉ của những kẻ cầm quyền.

Nó cũng làm tôi nhớ lại chuyện "Cậu Trời" Đặng Mậu Tôn, em trai Đặng Thị Huệ ngày xưa. Mỗi lần ra đường, gặp cô gái nào xinh đẹp, hắn liền sai lính chặn lại để hãm hiếp ngay tại chỗ. Gần đây thôi, chính xác là vào nửa đầu của thế kỷ hai mươi này, ở Liên Xô cũng có một "Cậu Trời" tương tự. Đó là Bêria, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô cũ. Nếu không kịp thời bị ngăn chặn, hắn đã có thể leo lên chức vụ cao hơn ở đất nước rộng lớn, hùng mạnh này. Có điều, khác Cậu Trời, hắn không công khai hiếp người trên đường phố, mà thích ai thì bắt về nhà, và sau khi thỏa mãn thú tính, hắn cho ném những người phụ nữ xấu số ấy vào một bồn tắm bằng đá hoa cương khổng lồ chứa axít để làm "bốc hơi" xác họ. Việc này kéo dài hàng chục năm không ai biết, hoặc biết nhưng không ai dám nói. Nạn nhân của hắn vượt xa con số hai trăm.

Lịch sử thế giới xưa nay không hiếm những chuyện như thế. Cả những chuyện đã biết và những chuyện chưa biết.

Tôi là một phần rất nhỏ của số đông những con người bình thường. Hơn thế lại là nhà văn, nghĩa là chẳng khác mấy so với cô gái đã chơi đàn cho Kinh Kha nghe. Tất nhiên tôi không muốn làm nạn nhân của người khác, nhưng cũng chẳng bao giờ muốn làm kẻ có quyền sinh quyền sát. Để khỏi bị chặt tay hoặc phải chặt tay ai đó.

David

Từ một tảng đá lớn ngẫu nhiên có ở sân nhà thờ Dôme, thành phố Florence, trong bốn năm Michelangelo đã làm nên bức tượng David tuyệt đẹp.

Làm thế nào? Thật đơn giản: nhà điêu khắc thiên tài lấy chiếc đục sắt bình thường, chiếc búa cũng bình thường, và rồi hết ngày này sang ngày khác, hết mẩu này đến mẩu khác, ông bóc đi các chỗ thừa, để lộ dần dần, có thể lúc đầu là vầng trán, đôi mắt, đôi tay, rồi đến thân người, đôi chân... Cho đến một hôm, không còn gì nữa ngoài một chàng trai bằng đá, cao hơn năm mét, với các đường nét hài hòa, khỏe mạnh và có ma lực hấp dẫn đủ biến tác giả của nó, một thanh niên hai mươi tư tuổi mới vào nghề, thành một trong ba người khổng lồ của nghệ thuật Ý thời Phục hưng.

Thật khó tin rằng từ một tảng đá thô và xấu xí có thể làm nên một bức tượng vĩ đại như thế. Cũng thật khó tin một cơ thể sống, hoàn hảo, khỏe mạnh như David đã bị giam trong tảng đá kia hàng triệu hay thậm chí hàng chục triệu năm trước khi được Michelangelo giải thoát, đưa về với cuộc sống.

Trái đất có nhiều, rất nhiều núi đá, nghĩa là trái đất còn nhiều, rất nhiều những David bị giam cầm, ngột ngạt. Và đang chờ người đến giải phóng.

Ai sẽ làm điều đó?

Mona Lisa

Về nụ cười bí hiểm của nàng Mona Lisa trong tranh Leonardo da Vinci đã có hàng đống sách được viết. Suốt bốn, năm thế kỷ nay biết bao giấy mực, công sức và thời gian đã phí tổn vì nó.

Có người nói: Nàng đang cười những cái yếu, cái không hoàn thiện của loài người.

Nếu quả đúng nàng đang cười chúng ta, thì theo tôi, cái đáng cười hơn cả là giữa cuộc sống sôi động, bừa bộn những việc lớn và cấp thiết đang chờ làm, thế mà suốt bốn, năm trăm năm nay chúng ta đã để hao tổn chừng ấy giấy mực, chừng ấy công sức và chừng ấy thời gian cho một nụ cười, hay chính xác hơn, nửa nụ cười.

Mà lại trên tranh vẽ.

A Phòng Cung

Suốt mấy chục năm Tần Thủy Hoàng bắt bảy mươi vạn người Trung Hoa dựng một lâu đài bằng gỗ khổng lồ ở Hàm Dương bên bờ sông Vị, gọi là A Phòng Cung. Một công trình kiến trúc thuộc loại có một không hai thời cổ đại - chỉ riêng tầng trên của nó đã có thể chứa được mười vạn người.

Thật vĩ đại! Thật nặng nề! - cái nặng của sự sáng tạo.

Sau này, khi đánh đổ nhà Tần, Hạng Vũ cho phóng lửa đốt cháy toàn bộ A Phòng Cung. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, phải mất ba tháng mới cháy hết.

Thật ghê gớm! Thật nặng nề! - cái nặng của sự hủy diệt.

Và hai cái nặng ấy treo ở hai đầu chiếc đòn gánh đè lên vai bảy mươi vạn người đã dựng nên A Phòng Cung, những người không được sử dụng và cũng không phóng lửa đốt nó.

Về nghệ thuật - 1

Yehudi Menuhin là nghệ sĩ violon hàng đầu thế giới. Ông luôn cảm thấy băn khoăn khi nhiều người than phiền không mua được vé vào các phòng hòa nhạc lớn để nghe ông biểu diễn.

Một hôm, nghe kể lại, ông cải trang thành ông già nghèo khổ rồi mang đàn ra Times Square, quảng trường chính và cũng đông người qua lại nhất ở thành phố New York.

Ông để chiếc mũ nhàu nát trước mặt, bắt đầu đàn. Ông chọn những bài nổi tiếng nhất, quen thuộc nhất và đàn một cách say sưa như những lần trình diễn trước công chúng. Có điều lần này không có ánh sáng rực rỡ của phòng hòa nhạc thượng lưu và những lời tán dương nồng nhiệt của người giới thiệu. Có lẽ vì thiếu những cái ấy hoặc vì những lý do khác mà suốt ba giờ liền chẳng ai lắng nghe hoặc chú ý đến ông, trừ một số rất ít người dừng lại mấy giây, tò mò nhìn hoặc ném cho ông vài đồng xu.

Trời đang chuyển sang đông khá lạnh, và do yếu tim sẵn, ông đã ngất xỉu trong lúc chơi đàn. Cảnh sát đưa ông vào bệnh viện cấp cứu, cho thông báo ai là người nhà của một ông già Yehudi Menuhin nào đó hãy tới bệnh viện để thanh toán viện phí và đưa ông về.

Lần ấy ông ốm khá nặng. Đó là cái giá ông phải trả cho ý định kiểm tra trình độ thưởng thức nghệ thuật của người đời. Sau đó ông lại tiếp tục biểu diễn ở các phòng hòa nhạc danh tiếng của chính cái thành phố New York ấy và cho chính những con người đã thờ ơ đi qua ông trong suốt ba giờ khi ông chơi đàn ở quảng trường Times. Cũng như trước, ông lại tiếp tục được nghe những lời than phiền về việc khó mua vé các buổi ông biểu diễn.

Tất nhiên có sự khác nhau giữa ông già nghèo khổ mà ông cải trang và nghệ sĩ bậc thầy Yehudi Menuhin, một người New York chính gốc (sinh năm 1916 và hiện còn sống) nhưng mang quốc tịch và tước hiệu quý tộc Anh cùng vô số phần thưởng cao quý của nhiều nước khác. Nhưng tiếng đàn của ông thì chỉ một.

Câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng đôi khi giá trị một tác phẩm nghệ thuật ở chính cái tên con người tạo ra nó chứ không phải ở bản thân tác phẩm ấy?

Về nghệ thuật - 2

Có một chi tiết người đời ít biết về Tần Thủy Hoàng, tên bạo chúa thời Trung Hoa cổ đại từng ra lệnh đốt sách và chôn sống các nhà nho. Đó là việc hắn, một kẻ căm ghét văn hóa như vậy, lại cũng rất yêu âm nhạc.

Cao Tiệm Ly thổi sáo rất hay, đến mức mặc dù biết ông là người của nhóm định giết hắn không thành và đáng lẽ phải bị xử trảm như nhiều người khác, Tần Thủy Hoàng vẫn cho ông sống để hằng ngày thổi sáo hắn nghe. Có điều, đề phòng bất trắc, hắn chọc mù cả hai mắt ông. Hắn không ngờ người nghệ sĩ mù ấy vẫn nuôi chí căm thù, và đã lén đổ chì vào ống sáo chờ dịp đánh vào đầu, giết hắn.

Nếu Tần Thủy Hoàng không lâm bệnh chết đột ngột, rất có thể sứ mạng giết hắn, kẻ hủy diệt văn hóa, sẽ được trao cho người sáng tạo văn hóa là Cao Tiệm Ly.

Ở đây có hai điều đáng suy ngẫm: Một tên bạo chúa biết yêu âm nhạc, và một nghệ sĩ có ý định giết người…

Tản văn của Thái Bá Tân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.