Đổi thay trên vành đai trắng

03/04/2013 09:42 GMT+7

Nằm về phía hạ nguồn nơi hợp lưu giữa hai con sông Thạch Hãn và Sông Hiếu, Cửa Việt - mảnh đất bên cửa biển một thời từng có vị thế trọng yếu, là điểm quyết chiến khốc liệt nhất giữa ta và địch trên chiến trường Bình Trị Thiên.

Chỉ trong vòng chưa tới chục năm kể từ ngày có quyết định thành lập thị trấn Cửa Việt, vùng đất này đã phát triển nhanh chóng, dáng dấp của một thành phố biển đang dần hiện hữu từng ngày.

“Cửa Việt bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Được sự quan tâm của các cấp cũng như nội lực vươn lên của người dân, vùng cửa biển này đang từng ngày thay da đổi thịt”, ông Nguyễn Trường Kì, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt nói. Cách đây không lâu, tại cuộc hội thảo về chiến thắng Cửa Việt 1973 khẳng định mảnh đất này từng là nơi hứng chịu hàng vạn tấn bom pháo của Mỹ dội vào từ hạm đội 7 đóng ngoài biển Đông dội vào. Ðại tá Ðoàn Văn Mạnh, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Ðặc công Hải quân 126 dự hội thảo nhớ lại, suốt quãng thời gian 7 năm kiên cường bám trụ trên chiến trường Cửa Việt: “Chiến trường Cửa Việt lúc đó ác liệt lắm. Cả làng cả bãi không một bóng cây, suốt ngày máy bay gầm rú, quần thảo trên đầu...”. Bốn mươi năm sau trên tọa độ chết ấy, những con người tóc điểm hoa sương thuộc lính đặc công nước 126 từng một thời vào sinh ra tử gặp nhau rưng rưng nước mắt. Nơi đồng đội nằm lại đã được phủ những bóng cây xanh mát - niềm an ủi cho những người cùng chung chiến hào, ăn sương nằm đất ngày trở lại chiến trường xưa.

Cửa Việt là vùng biển bãi ngang. Nói đến bãi ngang người ta nghĩ ngay đến cái sự nghèo, nhà cửa tạm bợ, thuyền bè nhỏ bé. Sau chiến tranh, bà con chỉ có hai bàn tay trắng, nhà cửa tan hoang. Tứ bề chỉ có cát và phi lao cằn cỗi. Với niềm tin “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, họ cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Thống kê của UBND thị trấn Cửa Việt, toàn thị trấn có 159 chiếc thuyền với tổng công suất hơn 11.000 CV. Trong đó tàu có công suất lớn (90CV trở lên) có đến 61 chiếc. Đặc biệt đầu năm 2012, bà con đầu tư thêm 6 chiếc tàu làm nghề lưới bùng nhùng có giá trị kinh tế cao. Tổng sản lượng cả năm ước đạt gần 50 tỉ đồng. Không chỉ thế, 10 nằm lại đây, nghề mở lò hấp sấy cá giúp hàng trăm hộ gia đình có thu nhập cao.

Đổi thay trên vành đai trắng
Những mùa cá bội thu mang lại ấm no cho người dân Cửa Việt - Ảnh: T.K

Cửa Việt bây giờ không còn dấu tích hố bom mảnh đạn. Bên con đường xuyên Á thảm nhựa phẳng phiu, nhà cửa kiên cố, nhà cao tầng mọc lên san sát. Ông Nguyễn Trường Kỳ cho biết thêm: Cửa Việt có lợi thế của một điểm du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Người dân 17 tỉnh vùng Đông - Bắc Thái Lan muốn về vùng biển phía Nam nước này để tắm biển thì phải đi hơn 1000km, trong khi đó nếu về biển Cửa Việt theo đường xuyên Á thì chỉ mất chưa tới 1/3 chặng đường. Nhận thấy lợi thế đó, Cửa Việt đã được quy hoạch thành khu dịch vụ du lịch rộng cả trăm ha đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, tuyến đường quốc phòng nối liền từ Vĩnh Linh đến Thừa Thiên Huế đã được thông thương. Một cây cầu nối đôi bờ nối hai huyện Triệu Phong và Gio Linh với tổng kinh phí đầu tư trên 300 tỉ đồng đã hợp long đưa vào sử dụng. Cảng Cửa Việt (thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) cũng đang trong giai đoạn đầu tư cho tàu có tải trọng đến 10 ngàn tấn; thu nhập đầu người bình quân từ 8 đến 12 triệu đồng... Những con số học vốn mang bản chất khô khan trở thành biết nói trước nỗ lực vươn lên không mỏi mệt của những người dân lao động chân chính.

Muốn kinh tế phát triển bền vững, ai cũng biết việc đầu tiên là phải đầu tư cho giáo dục. Về Cửa Việt bây giờ, không thấy ai nhắc đến chuyện con cái trở thành tay săn cá giỏi nữa. Đi đâu cũng nghe “Con bác năm nay thi đại học chưa? Đỗ trường nào?”. “Điểm trắng” giáo dục một thuở ở miệt biển này đã được tô lên những sắc màu tươi mới của những ngôi trường khang trang. Kết quả lên lớp thường niên xấp xỉ 99%; khá giỏi trên 70%. Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1.100% trẻ trong độ tuổi được đến trường. Tỷ lệ bỏ học giữa chừng được hạn chế tối đa.

Trong câu chuyện với tôi, ông Nguyễn Trường Kỳ không giấu được niềm vui về sự đổi thay trên mảnh đất một thời từng nhìn tứ bề chỉ thấy toàn cát trắng quê ông. Ngược thời gian trở lề thời nhà Lý từ thế kỷ XI, Cửa Việt từng được xem là điểm nhấn quan trọng trong quá trình giao thương hàng hóa bằng đường biển. Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn cũng từng nói, từ thế kỷ 17-18, tàu thuyền trong và ngoài nước tấp nập ra vào Cửa Việt trao đổi hàng hoá, rồi lên thương cảng ở Mái Xá (Gio Mai), Phó Hội, Hà Tây (Triệu An) tạo ra một khu buôn bán sầm uất cho người Việt... Sự tấp nập đó được duy trì nối tiếp cho đến trước ngày thực dân Pháp nổ súng xâm lược.

Sự hồi sinh của Cửa Việt dẫu có hơi muộn màng do chiến tranh tàn khốc. Dẫu sự tấp nập khi xưa ở chốn thương cảng này vẫn chưa thể trở lại thời hoàng kim, nhưng người Cửa Việt vẫn miệt mài lao động với niềm tin cùng các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, sẽ để đủ dồn nội lực trở thành thành phố phía hạ nguồn nay mai!

THỤY KHUÊ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.