Đổi thay vùng dân tộc thiểu số ở Đức Trọng

31/05/2019 07:00 GMT+7

Bằng nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của bà con, vùng dân tộc thiểu số ở H.Đức Trọng (Lâm Đồng) ngày càng “thay da đổi thịt”.

Việc này đã góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương này.
Theo ông K’Bửu, Phó trưởng phòng Dân tộc H.Đức Trọng, dân số toàn huyện khoảng 188.489 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 62.985 người (chiếm tỷ lệ 33,4%) thuộc 20 dân tộc anh em sinh sống xen kẽ trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện. “Dù còn những khó khăn nhất định, nhưng những năm qua, từ các chương trình đầu tư của Nhà nước như: chương trình 134, 135, 167, 30a, 755, 33 và các chính sách vay vốn, chương trình trợ giá giống cây trồng, con giống, vật tư nông nghiệp, chương trình hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo… cùng với sự nỗ lực phấn đấu của bà con mà bộ mặt nông thôn vùng DTTS đã có nhiều thay đổi; sản xuất nông nghiệp phát triển, cuộc sống của bà con đồng bào được nâng lên, đặc biệt là nhận thức của bà con đã có nhiều thay đổi rõ nét”, ông K’Bửu nói.
Có thể thấy, chuyển biến rõ nét nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Nếu như trước đây bà con hạn chế về nhận thức nên sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp, canh tác manh mún, lạc hậu, chỉ lo sao cho đủ cái ăn, cái mặc thì nay bà con đã chịu khó làm ăn, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng cao… nên đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng bền vững. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã vươn lên làm giàu, nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp điển hình đã xuất hiện như: mô hình nuôi gà trắng trong trại lạnh của ông Lục Văn Tâm (dân tộc Nùng), mô hình sản xuất rau, hoa áp dụng hệ thống tưới tự động tại thôn K'Long của hộ ông K’Rốt, hộ ông K’Ku (dân tộc Cơ Ho), hộ Ha Song (dân tộc Chil) tại thôn R’Chai 3, hộ Ya Biêng (dân tộc Chu Ru) tại thôn Chơ Rung...
Bà Phạm Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch UBND H.Đức Trọng, cho biết thêm, 5 năm qua, thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS H.Đức Trọng lần thứ II, năm 2014, công tác xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện đã đạt được những bước tiến quan trọng. Trọng tâm là nhất quán chính sách “Các DTTS huyện Đức Trọng bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” trên cơ sở nền tảng kế thừa truyền thống hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam và tỉnh nhà. “Diện mạo vùng DTTS đã có sự chuyển biến thay đổi mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng được tăng cường: các tuyến đường giao thông từ huyện xuống xã, từ xã xuống thôn được thông suốt, hệ thống điện lưới quốc gia phủ kín; trường học các cấp, trạm y tế đảm bảo phục vụ nhân dân; hệ thống nước hợp vệ sinh cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Các thiết chế văn hóa được đầu tư nhằm phục vụ nhân dân, các sinh hoạt văn hóa dân tộc được quan tâm duy trì, không còn tình trạng hộ đói; các hộ dân cơ bản đều có đầy đủ các phương tiện gia dụng cần thiết trong gia đình. Chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm nhanh, bền vững theo từng năm (giảm 4%/năm). Những thay đổi ở vùng DTTS đã góp phần lớn để Đức Trọng hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới trong năm vừa qua”, bà Thúy nhìn nhận.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ người DTTS được quan tâm. Toàn huyện hiện có 648 cán bộ là người DTTS tham gia công tác tại các cơ quan, đơn vị từ huyện đến thôn, tổ dân phố; 53 cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy Đảng, 153 người là đại biểu HĐND (cấp huyện, xã, thị trấn); có 2 cán bộ là lãnh đạo, cán bộ quản lý ở các phòng ban; tạo điều kiện cho 65 cán bộ, công chức người DTTS tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.