Đã có một thời gian nhiều chục năm người ta ít nhắc đến Hàn Mặc Tử, hoặc có nhắc đến cũng chĩ là để nói đến một “hiện tượng”, một “vấn đề” Hàn Mặc Tử (!) hay để chứng minh cho một trường phái thơ suy đồi, thơ siêu thực, tượng trưng… gì đó, người ta mới có dịp lôi thơ của Hàn ra để bình phẩm.
Có lẽ một phần cũng tại cái danh “thi sĩ của đạo quân Thánh giá” mà thơ Hàn Mặc Tử mới thêm phần rắc rối như vậy. Mặc dù có làm thơ “điên loạn”, thơ quằn quại, khao khát yêu đương… Nhưng đời thực của Hàn thì lại rất bình lặng, cũng chẳng yêu đương cuồng nhiệt bao giờ, kể cả khi đã lâm bệnh hiểm nghèo, Hàn Mặc Tử cũng vẫn giữ một tâm trạng tĩnh lặng (tất nhiên có đau đớn và chịu đựng một cách thầm kín, không bao giờ muốn làm buồn lòng người thân và anh em bè bạn).
Dăm ba năm trở lại đây, thơ Hàn Mặc Tử đã được chú ý đặc biệt. Thái độ đánh giá thơ ông đã có phần công bằng và khách quan hơn. Thơ ông được in lại thành tuyển tập, đã được in tải rất nhiều lần trên nhiều tờ báo. Hàn Mặc Tử đã được xếp vào một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học Việt Nam và cũng được thế giới đánh giá cao. Đó là điều chính đáng.
Thế nhưng gần đây, chúng ta thật đau lòng khi phải chứng kiến một Hàn Mặc Tử rất “Đông Juăng” trên sân khấu cải lương bằng những mối tình tay ba tay tư rất lâm ly, bi lụy. Không hiểu người ta đã cố tình bịa đặt về cuộc đời Hàn Mặc Tử hay vô tình “đem râu nọ cắm cằm bà kia” một cách tùy tiện như vậy.
Cũng gần đây, khi bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” được đưa vào giảng dạy ở chương trình PTTH, Hàn Mặc Tử liền bị một số nhà giáo phang cho những đòn chí mạng bằng những bài báo nặng chất bình giảng theo kiểu… bói voi (!). Nằm dưới suối vàng chắc thi sĩ họ Hàn cũng không thể yên lòng.
Lại nói về phần mộ của Hàn Mặc Tử ở Gành Ráng (Qui Nhơn). Có thể có sự nhầm lẫn nào đó khi cải táng từ Qui Hòa ra Gành Ráng, nhưng thôi, chuyện này rồi sẽ hạ hồi phân giải. Chỉ nói rằng, người yêu thơ vẫn đến Gành Ráng để thăm viếng ngôi mộ của nhà thơ kính mến, thì cứ xem như phần hồn của nhà thơ đã được toại nguyện rồi. Chỉ tiếc rằng, phần mộ này vẫn nằm trong khu vực quân sự, nên thỉnh thoảng khách yêu thơ đến thăm viếng vẫn vẫn bị gây khó dễ, phiền hà. Tồi tệ hơn, dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi, một số người tự mệnh danh Văn Nghệ định tổ chức kinh doanh ngôi mộ, bằng cách bán vé cho khách du xuân muốn lên thăm viếng ngôi mộ nhà thơ. Thật hết chỗ nói. Khi một vài tờ báo có uy tín đưa tin mộ Hàn Mặc Tử đã được trùng tu, sửa sang lại… ai cũng mừng. Thế nhưng cho đến hôm nay (6/1990) ngôi mộ vẫn còn nguyên trạng như cũ, thậm chí còn bị nứt nẻ sụp lở thêm, và càng ngày càng hư hỏng nặng. Một chuyện gần đây nhất, không biết nên cười hay nên khóc. Có một vị ở Qui Nhơn tự xưng là “thày học” của Hàn Mặc Tử (vị này năm nay mới 72 tuổi, kém Hàn Mặc Tử 6 tuổi) đã gửi đơn thư kiện từ tỉnh đến trung ương về việc tại sao báo chí bây giờ đề cao thơ Hàn Mặc Tử đến thế ? Theo vị này thì Hàn Mặc Tử chưa hề có công với cách mạng (!) nên không được xây mồ đắp tượng khang trang. Thơ Hàn Mặc Tử không có giá trị gì cả, không nên khen ngợi, đề cao nữa… Và một vị khác đã vội vàng “lệnh miệng” cho các cơ quan báo chí, văn hóa văn nghệ ở tỉnh, từ nay trở đi phải xem xét lại trường hợp Hàn Mặc Tử, không được quá đề cao, vì đây là một nhà thơ “có vấn đề” (!?). Hỡi ôi, đến cơ sự này thì chẳng còn biết “ăn làm sao, nói làm sao bây giờ”. Chỉ còn đúng dăm tháng nữa là giỗ tròn 50 năm nhà thơ tài hoa bạc mệnh này. Buồn thay !
Qui Nhơn, tháng 6/1990
Đào Quốc Toàn
(Báo Thanh Niên 5/8/1990)
Bình luận (0)