Được đồng tổ chức bởi Học viện Ngoại giao và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (Đức), đối thoại gồm 4 phiên thảo luận về các nội dung: Đảm bảo các tuyến hành lang đường biển trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược trên biển ở thế giới và khu vực gia tăng; Cảng biển thông minh bền vững - xu thế không đảo ngược trong nền kinh tế xanh; Kết nối hạ tầng trên biển trong thời đại công nghệ số hóa; Tìm kiếm những sáng kiến kết nối các hành lang xanh trên không gian biển.
Trong bài phát biểu khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao tính thời sự của chủ đề đối thoại lần này, đặt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thay đổi nhanh chóng, trong đó xu hướng phân cực, phân cảnh ngày càng gia tăng. Bất cứ sự vụ nào trên biển cũng có thể tác động tới các quốc gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Toàn bộ các chủ đề của cuộc đối thoại nhận được sự thảo luận sôi nổi của các học giả, tiến đến phác thảo bức tranh toàn diện về "kết nối hàng hải", không chỉ từ góc độ an ninh, địa chính trị mà còn từ những góc độ chuyên ngành như vận tải biển, thông tin liên lạc, môi trường sinh thái biển, năng lượng tái tạo… Trong đó, bên cạnh các nhân tố thuận lợi, ngày càng có nhiều thách thức nổi lên cản trở kết nối hàng hải như biến đổi khí hậu, nạn đánh cá trái phép, tình hình xung đột tại một số tuyến hàng hải huyết mạch hoặc nguy cơ tấn công trên không gian mạng... Nhiều chuyên gia nhận định, trong kỷ nguyên chuyển đổi công nghệ số, đảm bảo an ninh các tuyến cáp ngầm dưới biển và các cơ sở hạ tầng trên biển đóng vai trò rất quan trọng.
Về kết nối cảng biển, nhiều chuyên gia đánh giá cảng thông minh là mô hình để phục vụ phát triển bền vững, nằm trong tổng thể hệ thống kết nối xanh toàn cầu. Hiện nay, Đông Nam Á được đánh giá là khu vực có hệ thống cảng biển năng động nhất, và các nhân tố đảm bảo thành công của mô hình cảng biển thông minh như yếu tố công nghệ, dữ liệu.
Bên cạnh đó, nhiều học giả chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn từ các nước; thảo luận và đề xuất các sáng kiến, ý tưởng nhằm đảm bảo an ninh và kết nối hàng hải, đặt trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng xanh và xu hướng giảm thiểu khí thải carbon. Có ý kiến cho rằng các quốc gia cần tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức an ninh trên không gian biển, trong đó phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
Bình luận (0)