Đối thoại các vấn đề 'nóng' của giáo dục

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
18/12/2018 08:01 GMT+7

Những vấn đề 'nóng' trong ngành giáo dục - đào tạo thời gian gần đây như điều chỉnh thi trung học phổ thông quốc gia, đổi mới chương trình, vi phạm đạo đức nhà giáo, áp lực với giáo viên... được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp trực tiếp tại Yên Bái vào hôm qua.

Vì sao điểm thi chiếm 70% tỷ lệ xét tốt nghiệp ?

Thi đua dạy tốt, học tốt nhưng phải tốt thật chứ không phải áp lực theo hướng xấu. Cuộc thi không thiết thực, “diễn”
là chính thì rất phản cảm
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bà Nguyễn Thị Tình, Hiệu trưởng Trường THPT Trạm Tấu, cho rằng 5 điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia không tác động nhiều đến thí sinh. Tuy nhiên, điều chỉnh điểm thi chiếm 70% trong tỷ lệ xét tốt nghiệp, theo bà Tình sẽ tác động không nhỏ tới học sinh (HS) các tỉnh miền núi. “Cần có lộ trình. Năm 2019 điểm xét tốt nghiệp nên 60 - 40, năm sau điều chỉnh giảm dần”, bà Tình đề nghị.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ khó khăn của các tỉnh miền núi, nhưng ông khẳng định các chuyên gia đã tham mưu rất kỹ cho Bộ về lộ trình giảm tỷ lệ lấy kết quả học tập vào xét tốt nghiệp. Năm 2018 là 50% - 50%. Năm 2019 là 70% - 30%, vì xuất phát từ việc đảm bảo tính thiết thực, ý nghĩa của kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng. Nếu để tỷ lệ đánh giá quá trình học tập trong bối cảnh hiện nay đôi khi có sự du di nên chất lượng đôi khi chưa phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông.
[VIDEO] Vụ gian lận điểm thi tai tiếng ở Hà Giang - Video tư liệu
Có một vấn đề mà HS, giáo viên (GV) có thể yên tâm là đề thi bám sát chuẩn tốt nghiệp THPT nên tất cả HS chỉ cần đáp ứng được yêu cầu cơ bản của phổ thông là tốt nghiệp. Đương nhiên có sự phân hóa nhất định. Khoảng 20% để làm cơ sở đánh giá HS chất lượng cao hơn và làm cơ sở cho các trường ĐH tuyển sinh.
Ông Nhạ cũng tiếp tục khẳng định: Mục đích của kỳ thi là phục vụ chủ yếu đánh giá chất lượng phổ thông. Năm 2019, các khâu tổ chức kỳ thi được rà soát nghiêm túc, đảm bảo sự công bằng, khách quan. Làm sao kết quả kỳ thi phản ánh được đúng chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia và kỳ thi cũng giảm được áp lực tốn kém cho gia đình, phụ huynh.

Thi giáo viên “diễn” là rất phản cảm

Không dồn trường lớp, cắt giảm biên chế cơ học
Yên Bái và nhiều địa phương đang tiến hành sắp xếp lại hệ thống trường lớp nhằm giảm chỉ tiêu biên chế theo Nghị quyết 19 của Chính phủ. Báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái cho biết, sau 2 năm thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp, Yên Bái đã giảm được 127 trường, 362 điểm trường, 200 lớp học. Quy mô HS năm học này tăng trên 16.000 HS, tăng 8.558 HS bán trú. Sắp xếp, bố trí lại công tác 970 người là cán bộ quản lý, GV, nhân viên, trong đó miễn nhiệm 270 hiệu trưởng và hiệu phó… Đánh giá cao nỗ lực này của Yên Bái, nhưng ông Nhạ cũng đề nghị việc sắp xếp, dồn trường lớp cần làm thận trọng, tránh nóng vội. Không cắt giảm biên chế cơ học để xảy ra tình trạng bức xúc trong GV, HS thiếu người dạy.
Bà Nguyễn Tuấn Anh, GV Trường mầm non Hương Sen (TP.Yên Bái), cho rằng theo thông tư hiện hành, điều kiện thi GV giỏi các cấp cần có sáng kiến, đề nghị Bộ cần xem xét điều chỉnh quy định về sáng kiến kinh nghiệm của các cô giáo khi tham dự GV giỏi.
Trước đó, trao đổi riêng với ông Nhạ, một GV Trường dân tộc nội trú THCS Văn Chấn (Yên Bái), người có giải thưởng trong cuộc thi GV dạy giỏi, cũng chia sẻ cần thay đổi cách thi GV dạy giỏi như hiện nay.
Ông Nhạ chia sẻ với những khó khăn, áp lực của GV hiện nay, đồng thời khẳng định sẽ xem xét, tính toán lại thời gian lao động của GV nói chung và GV mầm non nói riêng. Quan điểm của Bộ thi đua là tốt nhưng phải tạo động lực cho thầy cô, tăng cường hậu kiểm để ghi nhận, biểu dương, tôn vinh GV thực chất hơn.
Về thi GV giỏi, ông Nhạ cho rằng đã nghe nhiều về vấn đề hình thức, nặng về “trình diễn”, chưa tạo được hiệu quả thực chất cho giáo dục, thậm chí còn có tiêu cực. “Cá nhân tôi không đồng tình về cách tổ chức thi như vậy”, ông Nhạ khẳng định và cho biết đang yêu cầu các vụ, cục rà soát để tiếp tục cắt giảm những cuộc thi hình thức, gây áp lực, không nâng cao được chất lượng cho giáo dục.
“Thi đua dạy tốt, học tốt nhưng phải tốt thật chứ không phải áp lực theo hướng xấu. Cuộc thi không thiết thực, “diễn” là chính thì rất phản cảm. Năm ngoái đã cắt một loạt các cuộc thi rồi, năm nay tiếp tục rà soát. Cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả”, ông Nhạ quả quyết.
[VIDEO] Bạn "diễn xuất" thế nào trong tiết dự giờ? - Video tư liệu

“Phòng hơn chống” vi phạm đạo đức nhà giáo

Trăn trở trước không ít vụ việc bạo hành, xâm hại HS của GV, cán bộ quản lý trong thời gian gần đây, ông Nhạ yêu cầu mỗi cơ sở giáo dục cần rà soát để phòng ngừa các biểu hiện dễ dẫn tới vi phạm đạo đức nhà giáo của mỗi cá nhân trong đơn vị mình, lấy phương châm phòng hơn chống. “Tránh để tình trạng báo chí nêu thì mới phát hiện hoặc tiến hành xem xét. Hơn ai hết, mỗi nhà trường hiểu rõ từng GV của mình để có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Ông Nhạ cho hay đã ban hành chuẩn GV mới nhấn mạnh đến phẩm chất nhà giáo. Đối với GV, vai trò quan trọng không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. “GV phải giáo dục tình thương cho các em, tình yêu cho trẻ, rèn về đạo đức lối sống kính trên nhường dưới… và như vậy thì không có máy móc nào thay thế được. Do vậy, bồi dưỡng, đào tạo lại không phải những kiến thức cao siêu mà những kỹ năng cần thiết trong môi trường sư phạm”, ông Nhạ khẳng định.
[VIDEO] Học sinh bị cô giáo và bạn học tát 231 cái: Lời những người trong cuộc - Video tư liệu

Ban hành chương trình môn học trong tháng 12

Ông Bùi Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (H.Văn Yên, Yên Bái), đề nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới từng môn học và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV, nhất là những môn mới để không gây hụt hẫng cho GV.
Ông Nhạ khẳng định đến thời điểm này chương trình giáo dục phổ thông mới các môn học đã cơ bản hoàn thành, Bộ tiếp tục làm việc với một số ban, ngành liên quan trước khi ký ban hành chính thức, cố gắng trong tháng 12 này sẽ ban hành để công bố rộng rãi tới tất cả các thầy cô và xã hội.
 
Cần xử lý nghiêm hiệu trưởng bị tố xâm phạm học sinh
Làm việc tại Trường dân tộc nội trú THCS Văn Yên (Yên Bái) ngày 17.12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói thông tin về vụ Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) bị khởi tố là tin đau lòng với ngành GD-ĐT. Đó không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm. Đây không phải là việc của một ngôi trường, một cá nhân cụ thể đó, mà còn đang là vấn đề gây bức xúc, lo lắng trong hệ thống các nhà trường nói chung, trường nội trú nói riêng.
Theo ông Nhạ, các nhà trường nói chung và trường nội trú nói riêng phải đẩy mạnh việc phòng ngừa từ gốc cho học sinh bằng cách giáo dục, trang bị kỹ năng sống và kiến thức về giới tính cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tuyết Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.