Ngày 18.1, hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần 1, khóa 10 khai mạc tại Bắc Ninh. Ngày làm việc đầu tiên, hội nghị thảo luận, góp ý vào các dự thảo đề án Giáo dục lý tưởng đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi và chương trình hành động triển khai Nghị quyết ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ 10.
Theo Bí thư Thành đoàn Hà Nội, chị Nguyễn Thị Ngà, công tác giáo dục thanh thiếu nhi của Đoàn chủ yếu làm từ một chiều. Đoàn tổ chức nhiều hoạt động, thậm chí là các đợt tuyên truyền nhưng chưa có điều tra, khảo sát cụ thể xem có bao nhiêu nội dung ấy thẩm thấu vào đời sống, thanh niên quan tâm đến nó ra sao. Chị Ngà kiến nghị: “Cán bộ Đoàn, tổ chức Đoàn nên gặp gỡ định kỳ thanh niên theo chu kỳ thời gian cố định hằng tháng, hằng quý để theo dõi, nắm bắt những xu hướng, trào lưu mới trong thanh niên. Khi đó, các nội dung công tác của Đoàn đưa ra sẽ gần gũi với đời sống”.
Góp ý vào dự thảo đề án Giáo dục lý tưởng đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, anh Lương Nguyễn Minh Triết phản ánh, trên thực tế Đoàn các cấp rất nhiệt tâm triển khai các nội dung giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi nhưng hiệu quả còn mờ nhạt. Vấn đề khó nhất là không biết lấy nguồn lực từ đâu để làm việc đó.
Công tác giáo dục của Đoàn chỉ dừng lại ở đoàn viên trong tổ chức Đoàn, đa phần là những cá nhân tích cực và vẫn có tâm lý e ngại tiếp cận với thành phần thanh thiếu niên chậm tiến. Trong chương trình công tác hằng năm, Đoàn vẫn giao chỉ tiêu kèm cặp, giúp đỡ thanh niên chậm tiến tại địa phương. Trên thực tế tiếp xúc, bản thân nhiều thanh thiếu niên chậm tiến, cá biệt rất muốn thay đổi, họ có nhu cầu đi học nghề, tìm việc làm để thoát khỏi môi trường hiện tại nhưng lại rất khó khăn về kinh tế. Đoàn thì không có nguồn lực để đáp ứng nên cán bộ được giao kèm cặp theo dõi đến với họ chỉ nói miệng không thì có giỏi đến mấy cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Chia sẻ tại hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Đắc Vinh, cho rằng công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho thanh thiếu nhi không thể có giải pháp chung và nên phát triển theo các phong trào nhánh đi vào từng đối tượng, nhóm thanh thiếu nhi, theo từng lứa tuổi cụ thể. Qua theo dõi, tổ chức Đoàn cơ sở còn hoạt động chưa hiệu quả, cán bộ chưa đáp ứng kỳ vọng nên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác rèn luyện đoàn viên cần có sự đột phá ở những năm tới. “Còn với thanh niên ngoài Đoàn, thanh niên chậm tiến nên tổ chức giáo dục thông qua các phong trào, hoạt động”, anh Vinh nhấn mạnh.
Phan Hậu
>> Giáo dục thanh niên qua mạng xã hội
>> Để giáo dục công dân thành môn chính
Bình luận (0)