Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga nhằm giải quyết khủng hoảng liên quan Ukraine diễn ra ngày 10.1 tại Geneva (Thụy Sĩ), sau khi các quan chức hai bên có bữa ăn tối làm việc kéo dài hơn 2 giờ, trong loạt đối thoại nhằm nỗ lực xuống thang căng thẳng.
Phái đoàn Mỹ, Nga tham dự đối thoại vào ngày 10.1 |
Reuters |
Khó khăn, phức tạp
Sau bữa ăn tối làm việc, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay ông đã có cuộc trao trao đổi “phức tạp nhưng giống như chuyện làm ăn” với người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman.
“Cuộc đối thoại là khó khăn, không thể dễ dàng được”, ông phát biểu với truyền thông Nga, dù cho biết ông “chưa bao giờ mất lạc quan”. Nhà ngoại giao Nga đã so sánh tình hình căng thẳng hiện nay với khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi thế giới đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Về phía Mỹ, Thứ trưởng Sherman nhấn mạnh “cam kết của Mỹ về các nguyên tắc quốc tế đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự tự do chọn lựa liên minh của các nước có chủ quyền”, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Nga ngừng gây hấn để chọn lựa con đường ngoại giao, trong khi Nga - hiện đối diện nhiều áp lực phải rút quân khỏi khu vực gần biên giới Ukraine - đã đề nghị nhiều dàn xếp về an ninh với phương Tây. “Một con đường là đối thoại, ngoại giao nhằm cố gắng giải quyết một số bất đồng. Con đường khác là đối đầu và hậu quả lớn đối với Nga nếu nước này tiếp tục gây hấn với Ukraine”, theo Đài CNN dẫn lời Ngoại trưởng Blinken.
Nga úp mở khả năng triển khai tên lửa tầm trung đối đầu NATO |
Từ cuối năm 2021, Nga được cho là đã tập trung hàng chục ngàn binh sĩ gần biên giới Ukraine và muốn NATO đảm bảo sẽ không mở rộng về phía đông, không để Ukraine gia nhập. Phương Tây lo ngại Nga tấn công Ukraine, trong khi Moscow cáo buộc NATO gây phức tạp tình hình.
Tiếp tục giằng co
Ngoại trưởng Blinken cho rằng kết quả tích cực của đối thoại sẽ lệ thuộc một phần vào việc Nga sẵn sàng dừng tư thế gây hấn mà ông ví như “một không khí leo thang với khẩu súng kề vào đầu Ukraine”.
“Nếu thực sự muốn có tiến triển, chúng ta phải thấy được sự xuống thang”, ông nhấn mạnh và cảnh báo Nga có thể đối diện hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, tài chính, cũng như NATO hầu như chắc chắn phải củng cố vị trí gần Nga và tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ryabkov cảnh báo rằng Mỹ cũng như NATO có thể đối diện tình hình an ninh tồi tệ hơn nếu không quan tâm đến đối thoại với Nga về những đảm bảo an ninh. Ông nhấn mạnh rằng phương Tây cần xem xét vấn đề Ukraine không được gia nhập NATO, theo Reuters. Sau đối thoại Mỹ - Nga tại Geneva, Hội đồng Nga - NATO sẽ đối thoại vào ngày 12.1, trước khi Mỹ và Nga tiếp tục hội đàm bên lề hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) vào ngày 13.1. Trước diễn biến căng thẳng trên, Ngoại trưởng Blinken dự báo khó có đột phá trong tuần đàm phán quan trọng này. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho rằng đối thoại trong tuần có thể chưa giải quyết mọi vấn đề, nhưng giúp mở đường tránh xung đột.
Ukraine thử thêm kênh ngoại giao
Theo tờ The New York Times ngày 10.1, trong khi Mỹ cùng NATO đối thoại với Nga trong tuần này, chính phủ Ukraine vẫn đang theo đuổi đàm phán riêng với Moscow. Một phái đoàn của Ukraine sẽ tham gia vòng đàm phán thứ 3 với sự ủng hộ của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).
Bên cạnh đó, Ukraine có một kế hoạch ngoại giao riêng với Nga vào cuối tháng 12.2021 được tờ Kommersant mới đây đưa tin chi tiết. Kế hoạch này bắt đầu bằng 3 bước xây dựng lòng tin là ngừng bắn, trao đổi tù nhân và mở các điểm di chuyển cho dân thường tại tuyến đầu của khu vực xung đột đông Ukraine.
Bình luận (0)