Căng thẳng bao trùm đối thoại Mỹ - Nga

10/01/2022 07:15 GMT+7

Trước thềm đối thoại an ninh Mỹ - Nga, chính quyền Moscow khẳng định Nga sẽ không cúi đầu trước sức ép của Mỹ, trong khi Washington đưa ra những điểm “không thể bàn cãi”.

Ngày 10.1, đại diện Mỹ - Nga chính thức bước vào cuộc đàm phán liên quan dự thảo an ninh do Nga đề xuất tại Geneva (Thụy Sĩ). Trưởng đoàn đàm phán của Nga là Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov, trong khi người đồng cấp Wendy Sherman đại diện phía Mỹ tham dự. Chưa đầy một ngày trước đối thoại, ông Ryabkov nhấn mạnh Nga “vô cùng thất vọng” trước những tín hiệu từ Mỹ và NATO.

Khả năng và bất đồng

Ngày 8.1, Mỹ tổ chức cuộc họp báo đặc biệt qua điện thoại, theo đó cung cấp thông tin liên quan về cuộc đối thoại an ninh Mỹ - Nga cho báo giới. Tại họp báo, một quan chức Mỹ đề cập những khía cạnh mà song phương có thể đạt được, cũng như nhấn mạnh các vấn đề “không thể bàn cãi”.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và người đồng cấp Nga Sergei Rybakov

Reuters

“Nga nói rằng họ cảm thấy bị đe dọa trước viễn cảnh Mỹ đưa các hệ thống tên lửa tấn công đến Ukraine. Như Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Washington chưa có ý định làm điều đó. Vì thế, đây là một trong những lĩnh vực chúng tôi có thể đạt được nhất trí nếu Nga sẵn sàng đưa ra cam kết tương tự”, theo Hãng thông tấn TASS dẫn lời quan chức trên.

Bên cạnh đó, Điện Kremlin muốn thảo luận tương lai của một số tổ hợp tên lửa cụ thể ở châu Âu, theo khuôn khổ của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung song phương (INF). “Chúng tôi cũng sẵn sàng thảo luận khả năng này”, ông bổ sung. Một lĩnh vực tiềm năng khác là viễn cảnh giới hạn các cuộc diễn tập quân sự. Theo quan chức Mỹ, song phương có thể bàn về việc thu hẹp quy mô và phạm vi, bao gồm hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược sát biên giới hai nước, cũng như các cuộc tập trận trên bộ.

Ngoại trưởng Nga cảnh báo lập trường "gây hấn" của phương Tây liên quan Ukraine

Quan chức trên cũng đề cập những điều khoản trên dự thảo an ninh của Nga mà Mỹ sẽ không bao giờ đồng ý. Thứ nhất là giới hạn số thành viên gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). “Theo quan điểm của NATO, chúng tôi xem đây là cánh cửa mở, và Nga hoặc bất kỳ nước nào khác cũng không thể buộc cánh cửa này đóng lại”, ông khẳng định. Và Mỹ sẽ không đàm phán về vấn đề binh lực của nước này tại Đông Âu vì đây là vấn đề không thể bàn cãi.

Trước đó cùng ngày, ông John Kirby, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho hay nước này sẽ không cân nhắc khả năng giảm quân số hoặc thay đổi vị trí đồn trú trong cuộc họp với Nga tại Geneva.

Sự thất vọng của Nga

Hôm qua, Hãng Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Nga Ryabkov nhấn mạnh Moscow sẽ không cúi đầu trước sức ép của Mỹ. Nga cũng không bao giờ nhượng bộ trước bất kỳ yêu sách nào của phương Tây trên bàn đàm phán.

“Các thông tin đó phản ứng sự thiếu hiểu biết về những gì Nga đang cần. Chúng tôi cần sự đảm bảo ràng buộc bằng pháp lý, rằng NATO sẽ không tiếp tục mở rộng sang hướng đông”, ông Ryabkov giải thích. Bên cạnh đó, Mỹ liên tục buộc Nga phải đơn phương nhượng bộ khiến Moscow không hề lạc quan về những cuộc đối thoại tại Geneva.

Nhà ngoại giao Nga cho biết mục tiêu chính của Moscow tại Geneva là NATO sẽ không tiếp tục “đông tiến”, cũng như không triển khai vũ khí, khí tài gần biên giới Nga. “Không may là chúng tôi chỉ nghe được những đồn đoán liên quan đến Nga cần phải làm thế này, thế kia”, ông Ryabkov cho biết. Thứ trưởng Nga cảnh báo nước này sẽ chuyển sang phương án quân sự nếu không đạt được tiến triển trên bàn đàm phán.

Sau cuộc họp Mỹ - Nga ngày 10.1, Hội đồng Nga - NATO sẽ đối thoại vào ngày 12.1 ở Brussels (Bỉ). Ngày kế tiếp, Mỹ và Nga sẽ tiếp tục hội đàm bên lề Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna (Áo).

NATO không rút cam kết cho Ukraine gia nhập dù Nga kêu gọi

Các phương án của Mỹ và NATO

Mỹ cảnh báo nếu Nga có hành động quân sự đối với Ukraine, phương Tây sẽ đáp trả bằng các biện pháp cấm vận kinh tế lẫn ngoại giao. Bên cạnh đó, Mỹ và đồng minh sẽ thực hiện các động thái củng cố lực lượng tại lãnh thổ đồng minh, tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Phương Tây cũng thảo luận khả năng kiểm soát hoạt động xuất khẩu hàng hóa điện tử và công nghệ nhạy cảm đối với Nga nếu nước này đưa quân vào Ukraine, theo Hãng Bloomberg. Đại diện của chính quyền Washington nhấn mạnh “mọi công cụ (đối phó Nga) đều được đưa ra trên bàn đàm phán”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.