Cuộc chiến của các lằn ranh đỏ

04/01/2022 07:33 GMT+7

Trước thềm một loạt cuộc đối thoại an ninh giữa các quan chức Mỹ, Nga và đồng minh vào tuần tới, các bên liên quan vẫn tiếp tục cảnh báo sẽ có động thái cứng rắn nếu bị phá vỡ lằn ranh đỏ về vấn đề Ukraine.

Lập trường của Mỹ

Theo tờ The New York Times, các quan chức Mỹ tránh đưa ra giới hạn cuối cùng về Ukraine vì một lẽ: uy tín của Washington sẽ giảm sút nếu lằn ranh đỏ bị vượt qua mà không vấp phải phản ứng nào từ Mỹ. Tuy vậy, gần đây Mỹ đã rõ ràng hơn trong mức độ nước này sẵn sàng đáp trả trong cuộc đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Ukraine.

Các tay súng của lực lượng ly khai ở vùng Luhansk (Ukraine) ngày 24.12.2021

Reuters

AFP ngày 3.1 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trấn an người đồng cấp Volodymyr Zelensky của Ukraine rằng Washington sẽ phản ứng kiên quyết nếu Moscow có động thái xâm lược Ukraine. Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin rạng sáng 31.12.2021, ông Biden cảnh báo NATO sẽ tăng cường sự hiện diện ở châu Âu và Nga sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu nước này tấn công Ukraine.

Bên cạnh thông điệp răn đe, một quan chức Nhà Trắng cấp cao tiết lộ Tổng thống Biden còn đưa ra con đường ngoại giao. Reuters đưa tin ông Putin đã đồng ý tổ chức 3 hội nghị lớn để thảo luận về vấn đề Ukraine. Theo đó, các quan chức cấp cao Mỹ và Nga sẽ đối thoại an ninh vào ngày 9 - 10.1 tại Geneva (Thụy Sĩ). Tiếp đó là cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO ngày 12.1 và hội nghị của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 13.1.

"Tiến sĩ đấm thép" Vitaly Klitschko tập quân sự vì Ukraine "đang có chiến tranh"

Tờ Politico nhận định cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo đã mở đầu cho giai đoạn ngoại giao mới trong việc giải quyết tranh chấp.

Giới hạn của Nga

Trái với Washington, Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh lằn ranh đỏ của Nga là việc NATO kết nạp thêm các nước từng thuộc Liên Xô như Ukraine. Nga còn cụ thể hóa yêu cầu của mình bằng việc gửi đề xuất về thỏa thuận an ninh toàn diện đến Mỹ và NATO. Moscow cũng yêu cầu thỏa thuận trên phải được đưa ra dưới dạng văn bản và có tính pháp lý.

Theo dự thảo văn bản được công bố ngày 17.12.2021, Nga muốn các bên ký thỏa thuận để ngăn NATO mở rộng sang phía đông. NATO sẽ phải có sự đồng thuận của Nga trước khi đưa lực lượng sang các nước từng thuộc Liên Xô. Bên cạnh đó, NATO còn phải kiềm chế “bất kỳ hoạt động quân sự nào” ở Ukraine, Đông Âu, nam Caucasus và Trung Á. Liên minh này phải cam kết không triển khai bất kỳ tên lửa nào đủ gần để bắn trúng Nga. NATO cũng chỉ được tổ chức tập trận ở các khu vực biên giới với số lượng giới hạn theo thỏa thuận.

Ngoại trưởng Nga cảnh báo lập trường "gây hấn" của phương Tây liên quan Ukraine

Trong dự thảo thỏa thuận với Mỹ, Nga yêu cầu mỗi bên phải đưa máy bay ném bom, tàu chiến và tên lửa ra khỏi phạm vi có thể tấn công bên còn lại, đồng thời không mang vũ khí hạt nhân ra khỏi lãnh thổ nước mình. Mỹ cũng sẽ phải cam kết không thiết lập căn cứ ở bất kỳ quốc gia nào từng thuộc Liên Xô hay lập liên minh quân sự với nước đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.