Đối thoại với Thủ tướng: Người trẻ mong muốn gì?

11/12/2012 11:16 GMT+7

Nhiều người trẻ tỏ ra háo hức, chờ đợi cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X.

Họ kỳ vọng thông qua đối thoại những vấn đề nóng, dân sinh của giới trẻ sẽ được phân tích, mổ xẻ và có các giải pháp khả thi, nhằm tạo bệ phóng cho người trẻ cống hiến xây dựng đất nước.

Cần cầu nối lý thuyết và thực tế

Nỗ lực học tập và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, Mai Đăng Khoa (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đạt được nhiều thành tích như: danh hiệu Sinh viên 5 tốt (cấp ĐHQG Hà Nội 2011), danh hiệu Thanh niên Thủ đô tiêu biểu 2011, Giải thưởng Sao Tháng Giêng 2012… Nhưng, năm nay chuẩn bị ra trường, Khoa vẫn băn khoăn về cơ hội việc làm.

 
Nhiều tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ sẽ được gửi tới Thủ tướng tại cuộc đối thoại -  Ảnh: Mai Xuân Tùng.

“Trong những điều kiện nhà tuyển dụng cần như kinh nghiệm thực tế, kỹ năng trong công việc… , nhiều sinh viên còn yếu, thậm chí là không có” - Khoa nói.

Chương trình đối thoại với người đứng đầu Chính phủ là cơ hội để người trẻ đề đạt tâm tư, nguyện vọng. Khoa mong muốn: “Nhà trường, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội cần tạo điều kiện để sinh viên vừa vững kiến thức chuyên môn vừa có kỹ năng để đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng, nâng cao cơ hội việc làm. Chúng tôi rất mong cuộc đối thoại sẽ phản ánh nguyện vọng này và là cầu nối để đưa thông tin đến được ngành giáo dục, các tổ chức, doanh nghiệp, tạo chuyển biến trên thực tế, qua đó khỏa lấp sự thiếu hụt kỹ năng cho sinh viên hiện nay”.

 
Ngô Thị Hằng Nga, sinh viên Đại học Văn hóa, Hoa khôi cuộc thi Hoa khôi Sinh viên - Imiss Thăng Long 2012.

Khoa cũng mong muốn kiến nghị với Thủ tướng và Bộ Giáo dục Đào tạo quan tâm vấn đề dạy và học ngoại ngữ. Thực tế, nhiều sinh viên được học tiếng Anh từ tiểu học cho tới đại học nhưng vẫn không sử dụng thành thạo. Kiến thức ngoại ngữ ở trường chưa đảm bảo yêu cầu công việc, trong khi chi phí học tại các trung tâm bên ngoài lại khá cao.

Định hướng thẩm mỹ và giáo dục nhân cách

Vấn đề “bản lĩnh” và “lòng yêu thương” trong giới trẻ được nhiều sinh viên, thanh niên quan tâm. Hiện một bộ phận giới trẻ tỏ ra thờ ơ trước nhiều vấn đề trong cuộc sống; thiếu bản lĩnh khi tiếp thu những giá trị ảo, văn hóa ngoại dẫn đến văn hóa thần tượng lệch lạc…

Mong muốn “Chính phủ quan tâm hơn nữa vấn đề định hướng giá trị thẩm mỹ và giáo dục nhân cách cho giới trẻ”, Đăng Khoa đề xuất: Nên đưa các giá trị văn hoá nghệ thuật dân tộc, những kiến thức về thẩm mỹ cơ bản… vào những bài học từ cấp tiểu học đến đại học.

 
Ai cũng muốn có chính sách tốt, mức đãi ngộ cao, được coi trọng và làm đúng năng lực, nhưng tất cả những thứ đó rất khó đạt được cùng lúc. Khi về nước, tôi chỉ mong ít tai nạn giao thông, thủ tục bớt rườm rà…”. 

Huỳnh Ngọc Tiên, nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc

Quan tâm vấn đề này, Ngô Thị Hằng Nga (Đại học Văn hóa, Hoa khôi cuộc thi Hoa khôi Sinh viên - Imiss Thăng Long 2012), cho rằng, “lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ quan tâm tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động văn hóa mang tính quốc gia.

Qua đó, có cơ hội hoàn thiện bản thân, khẳng định mình trước bạn bè trong nước và quốc tế”.

Từ thực tế bản thân, năng nổ tham gia các hoạt động Đoàn, Hội và từng là bí thư của lớp, ủy viên BCH Hội Sinh viên trường ĐH Văn hóa, Nga cho hay cô được trang bị nhiều kỹ năng mềm, hiểu biết về cuộc sống, văn hóa của đồng bào miền núi; cũng như cơ hội phát huy khả năng ca hát, văn nghệ…

Tăng tiền hỗ trợ cho sinh viên nghèo

Đây là chia sẻ của Ngô Kiến Đức (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng như nhiều sinh viên khác. Tiền học phí, trang trải cuộc sống của Đức trông cậy vỏn vẹn vào lương hưu của ông ngoại.

Đức thuộc diện được vay Ngân hàng Chính sách Xã hội, mỗi năm được 10 triệu đồng. Nhưng theo Đức tính thì số tiền trên chỉ hỗ trợ được phần nào các khoản chi phí theo học trên Hà Nội. Năm nay, khi chờ làm xong giấy chứng nhận sinh viên của trường thì đã qua đợt vay vốn ở quê, nên Đức không có tiền.

“Hy vọng các thủ tục, giấy tờ liên quan việc vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ giảm bớt, tạo thuận lợi cho sinh viên tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, tôi cũng muốn các bạn sinh viên nghèo như tôi, có thể được ưu tiên vay nhiều hơn số tiền 1 triệu động/tháng và được ưu tiên giảm lãi suất, thời gian vay tăng lên”, cậu học trò nghèo mong muốn.

Về nước và cống hiến

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, nhiều bạn trẻ đang du học và làm việc tại các nước phát triển đều có nguyện vọng trở về cống hiến cho đất nước, tuy nhiên họ vẫn băn khoăn vì có nhiều thứ đang là “rào cản”.

 
Mai Đăng Khoa (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) .

“Thật khó để so sánh điều kiện học tập và làm việc ở Việt Nam bây giờ với Nhật Bản và các nước phát triển trên thế giới”, Đỗ Văn Đăng, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Đại học Osaka tâm sự.

Theo Đăng, đó chính là nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng một bộ phận tài năng trẻ trong nước chọn con đường du học, sau đó làm việc ở nước ngoài mà không trở về Việt Nam.

“Thực ra, lương không phải là điều quyết định ở Nhật. Có nhiều thứ khác khiến bạn sẵn sàng làm việc qua đêm ở các phòng thí nghiệm. Còn ở Việt Nam, thường chỉ chờ hết giờ làm việc là về. Khác biệt lớn nhất có lẽ là ở con người”, Đăng cho biết thêm.

 
Đỗ Văn Đăng - du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Giống như Đăng, Huỳnh Ngọc Tiên, một nghiên cứu sinh Việt Nam tại đại học Ulsan (Hàn Quốc) cũng có suy nghĩ tương tự. Tiên nhận định, ở đâu điều kiện học tập và làm việc tốt hơn, nơi đó sẽ thu hút được tài năng về làm việc.
“Ở Hàn Quốc, máy móc luôn được ưu tiên đầu tư, vì việc nghiên cứu khoa học rất cạnh tranh. Nếu không có máy móc thì không thể có kết quả được”, Tiên nói.

Đăng và Tiên đang ấp ủ kế hoạch trở về quê hương. Đăng dự định, sau khi học xong sẽ trở về Việt Nam làm giảng viên đại học. Đăng cho rằng, chính sách thu hút nhân tài của Việt Nam chưa thật sự phù hợp.

Điều đó dẫn đến việc một số trí thức trẻ về nước nhưng không phát triển được vì điều kiện cơ sở vật chất không tương xứng. “Được biết, hiện nay nhà nước đang chủ trương xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm ngang tầm khu vực. Mình hy vọng dự án đó sẽ thành công để thu hút nhân tài Việt Nam trở về nước cống hiến”.

Với Tiên, khi về nước, anh mong muốn nhà nước tạo một môi trường nghiên cứu bền vững, lành mạnh hơn để những ai cống hiến thực sự phải được hưởng những quyền lợi xứng đáng.

“Ai cũng muốn có chính sách tốt, mức đãi ngộ cao, được coi trọng và làm đúng năng lực, nhưng tất cả những thứ đó rất khó để đạt được cùng lúc. Khi về nước, tôi chỉ mong ít tai nạn giao thông, thủ tục bớt rườm rà…”.

Nguyễn Thành Nhân, chàng trai trẻ Việt Nam đang làm việc ở Google cũng đang ấp ủ kế hoạch trở về Việt Nam. Nhân cho biết, trong năm 2013 sẽ về làm việc tại Việt Nam một tháng.

“Hy vọng mình sẽ tìm được một môi trường tốt nhất để làm việc. Nếu thuận lợi, mình sẽ chuyển về làm việc lâu dài trên quê hương”, Nhân nói.

* Những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và cả những đề đạt chính sách sẽ được giới trẻ gửi tới cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu ĐH Đoàn X, dự kiến diễn ra sáng 14-12-2012, sẽ được Tiền Phong trích đăng ở số báo tới.

* Mai Đăng Khoa, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, thực tế, nhiều sinh viên được học tiếng Anh từ tiểu học cho tới đại học nhưng vẫn không sử dụng thành thạo. Kiến thức ngoại ngữ ở trường chưa đảm bảo yêu cầu công việc, trong khi chi phí học tại các trung tâm bên ngoài lại khá cao.

Theo Mai Xuân Tùng - Trường Phong/ Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.