Không giống như cuộc đua tranh kịch tính ở phân khúc SUV đô thị hay sedan hạng B… xe bán tải tại Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây được xem là "sàn diễn" của Ford Ranger dù vẫn còn đó hơn 5 cái tên tham gia cạnh tranh miếng bánh thị phần.
Tuy nhiên, cứ mỗi tháng bán hàng trôi qua những nội dung ví von kiểu "Ford Ranger thống trị phân khúc xe bán tải"; "Ranger lại làm vua" hay "Doanh số bán Ford Ranger gấp 2 - 3 lần các đối thủ cộng lại"… vẫn cứ lặp đi lặp lại. Bởi, "soi" vào báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), vị trí dẫn đầu cuộc đua doanh số phân khúc xe bán tải tại Việt Nam không phải cái tên nào khác ngoài Ford Ranger. Cho dù thị trường có biến động ra sao, phần lớn miếng bánh thị phần mỗi tháng ở phân khúc xe bán tải cũng thuộc về Ranger.
Đơn cử như năm 2023 - thời điểm sức mua trên thị trường ô tô suy yếu trầm trọng, doanh số bán hàng của toàn thị trường cũng như nhiều thương hiệu ô tô sụt giảm đến gần 50%, Ford Ranger vẫn dẫn đầu doanh số phân khúc xe bán tải. Cụ thể, năm ngoái toàn phân khúc xe bán tải tại Việt Nam bán ra tổng cộng 20.122 xe, riêng Ford Ranger chiếm tới hơn 16.000 xe, tương đương khoảng 80% thị phần phân khúc xe bán tải.
Bước sang năm 2024, sau khi quý 1/2024 khép lại vị trí đầu bảng doanh số phân khúc xe bán tải như "thói quen" vẫn thuộc về Ford Ranger. Hơn 3.500 chiếc Ranger trong tổng số 4.078 xe bán tải tiêu thụ trên thị trường sau quý 1/2024 là minh chứng rõ nhất cho sự áp đảo của Ford Ranger ở phân khúc này.
Không thể phủ nhận, những thay đổi về chiến lược của Tập đoàn Ford cũng như nỗ lực của Ford Việt Nam đã góp phần tăng lực cho Ranger có được vị thế dẫn đầu phân khúc xe bán tải tại thị trường Việt Nam. Hãng xe Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu, sở thích khách hàng để có những thay đổi phù hợp, kịp thời… giúp Ford Ranger duy trì sức hút. Đơn cử như việc đưa thế hệ mới của Ranger về lắp ráp tại Việt Nam để chủ động nguồn cung, đồng thời liên tục bổ sung các phiên bản mới để mẫu xe này có nhiều lựa chọn phù hợp với mỗi nhóm khách hàng khác nhau.
Thế nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế, sự "suy yếu" của các đối thủ cạnh tranh như Toyota Hilux, Mitsubishi Triton… đã góp phần "dâng" phần lớn miếng bánh thị phần xe bán tải tại Việt Nam cho Ford Ranger.
Đầu tiên, khi Việt Nam áp dụng chuẩn khí thải mới với ô tô động cơ dầu diesel, Ford đã rất linh hoạt, kịp thời để thay đổi giúp Ranger đáp ứng tiêu chí này. Trong khi đó, Toyota Hilux phải tạm dừng phân phối để có những hiệu chỉnh phù hợp cho động cơ trang bị trên Hilux.
Xe bán tải tại Việt Nam: Ford Ranger vẫn là "chân ái"
Thứ hai, xét về danh mục phiên bản cho khách hàng lựa chọn, các đối thủ ở phân khúc này thật sự không có cửa với Ranger. Bởi ngoài phiên bản đậm chất chơi như Ranger Raptor, mẫu xe này còn có ít nhất 6 phiên bản khác lắp ráp tại Việt Nam. Mới đây, Ford Ranger còn được bổ sung thêm bản Stormtrak nhập khẩu từ Thái Lan. Trong khi đó, Toyota Hilux sau một năm trở lại Việt Nam chỉ có đúng một sự lựa chọn. Mitsubishi Triton đến nay cũng chỉ có 3 phiên bản.
Thứ ba, về tốc độ cập nhật, cải tiến sản phẩm Ford cũng nhanh chân và toàn diện hơn về những thay đổi áp dụng với Ranger. Trong khi Toyota Hilux, Mitsubishi Triton chỉ là những lần nâng cấp nhỏ giọt một số chi tiết, tính năng. Mazda BT-50, Isuzu D-Max thì quá chậm về việc làm mới mẫu mã, công nghệ.
Thứ tư, về thương hiệu và hệ thống bán hàng cũng như chất lượng hậu mãi không thể phủ nhận những mẫu xe Nhật như Toyota, Isuzu, Mitsubishi … đều có kinh nghiệm và thế mạnh về giá trị thương hiệu không hề kém cạnh Ford. Toyota Hilux, Isuzu D-Max thậm chí là những mẫu xe bán chạy hàng đầu trong khu vực cũng như ở thị trường Thái Lan, tuy nhiên sự hờ hững của hai thương hiệu này ở phân khúc bán tải tại thị trường Việt Nam trong những năm qua ít nhiều khiến Hilux, D-Max mất đi sức hút cũng như vị thế. Trong khi đó, Mazda BT-50, Mitsubishi Triton từng có những chính sách ưu đãi để tạo lợi thế cạnh tranh về giá nhưng trong mắt khách hàng mua bán tải những mẫu xe này vẫn kém sức hút so với Ford Ranger.
Bình luận (0)