Đời thường của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam

09/02/2018 14:15 GMT+7

Một ngôi nhà ấm cúng, tràn ngập tiếng cười đùa trong trẻo của trẻ thơ và người bạn đời chính là mái ấm mới tại TP.HCM của cựu Đại sứ Mỹ tại VN Ted Osius.

Đón chúng tôi tại nhà mới thuộc khu Thảo Điền (Q.2), cựu đại sứ Ted Osius tươi cười cho biết cả gia đình vừa trải qua buổi sáng mệt đừ vì nhún bạt lò xo trong vườn, và bọn trẻ đã có được giấc ngủ trưa thật ngon. Trong quá trình phỏng vấn, tiếng trẻ con bi bô đùa giỡn không ngừng vang lên, cộng thêm tiếng nhắc khẽ các con của bạn đời Clayton Bond, tất cả đều mang đến cảm giác một gia đình thực sự. Họ vừa mới định cư tại TP.HCM khi ông Osius trở thành Phó chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).
“Nửa người Việt”
Đối với ông Osius, Việt Nam là dấu ấn sâu đậm trong suốt sự nghiệp ngoại giao kéo dài suốt 25 năm, đặc biệt là trong nhiệm kỳ đại sứ (2014 - 2017). “Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự được trở thành đại sứ tại Việt Nam. Tôi yêu quý mỗi ngày được trải qua trên mảnh đất này”, ông nói. Khi được hỏi về quan hệ Việt - Mỹ trong 3 năm qua, cựu đại sứ Mỹ nhận định hai nước đã cùng sát cánh trong các lĩnh vực như an ninh, thương mại, quan hệ nhân dân và “hầu như chắc chắn là giai đoạn thăng hoa nhất trong lịch sử quan hệ song phương” cho đến giờ phút này. Theo ông, đà tiến cho quan hệ Việt - Mỹ đến từ lãnh đạo hai nước, và rất nhiều viễn cảnh trở thành hiện thực nhờ vào quyết tâm của giới lãnh đạo Việt Nam, trong khi Washington đặc biệt muốn thúc đẩy quan hệ song phương.
Ông cựu đại sứ không tiếc lời ca ngợi lịch sử hào hùng và nền văn hóa giàu bản sắc của con cháu vua Hùng, từ nghệ thuật, âm nhạc đến văn chương. Kiến thức về văn hóa Việt của ông Osius thật sự đáng nể. Ông nhắc đến những anh hùng Việt Nam từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, từ trận Bạch Đằng với bãi cọc đến nay vẫn còn đó đến chiến thắng oanh liệt của trận Điện Biên Phủ dưới sự chỉ huy tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Cứ như thế, chẳng có điều gì dễ dàng hơn bằng việc bày tỏ lòng kính trọng trước lịch sử và văn hóa của các bạn, và càng giúp tôi gần gũi hơn với người dân Việt Nam”, cựu đại sứ cho biết. Ông kể từng được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi là “nửa người Việt”, và xem đây là lời tán dương đối với mình.
Đại sứ của những điều đầu tiên
Đối với nhiều người dân Việt Nam, có lẽ hiếm khi nào họ lại được dịp tiếp xúc gần gũi với một đại diện ngoại giao hàng đầu của Mỹ như ông Osius. Không ít lần ông vứt bộ đồ vest sang trọng, quẳng xe công vụ sang một bên, khoác lên người trang phục bình dị, đạp xe hòa cùng dòng người trên đường và sẵn sàng sà vào quán thưởng thức món ăn đường phố mà mình yêu thích. Ông cũng dẫn đầu trào lưu tạm gọi là “ngoại giao mạng xã hội” tại Việt Nam, tức dùng công cụ như Facebook để tiếp cận và tương tác trực tiếp với mọi người.
Ông thường xuyên cập nhật mọi thứ lên “tường” của mình, từ những đề tài vĩ mô như tình hình chính trị thế giới, hoạt động của phái bộ ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, nỗ lực cứu môi trường tự nhiên, đến những chuyện đời thường như đố vui về thói quen dùng smartphone của người dân Việt, món ăn các vùng miền... Và điều mà ông thấy thích thú nhất khi dùng Facebook ở Việt Nam chính là ngay lập tức nhận được phản hồi từ cộng đồng mạng. “Tôi cố gắng hiểu được mọi người đang quan tâm đến điều gì và cho rằng có thể học hỏi nhiều từ sự tương tác với mọi người trên Facebook hơn là tôi muốn”, ông cho biết. Trong 3 năm qua, ông hình thành thói quen mỗi ngày lướt “phây” xem lời bình. “Tôi đọc được tiếng Việt đấy”, dù không được 100% nhưng hiểu được “phần lớn”, ông nói bằng tiếng Việt. Sau đó ông còn “biểu diễn” đọc lưu loát nhiều từ trên ấn phẩm xuân của Thanh Niên mà chúng tôi mang đến tặng.
Hãy thoải mái là chính mình
Nhiều lần trong câu chuyện, cựu đại sứ luôn nhắc đến người bạn đời Clayton, cựu viên chức ngoại giao Mỹ. Hai ông Osius và Clayton là gia đình đại sứ đồng tính công khai đầu tiên tại Việt Nam và góp phần không nhỏ trong nỗ lực vận động vì quyền lợi của những người LGBT+. Cùng với con trai Tabo và con gái Lucy, hai ông đã tạo nên một gia đình đầm ấm và xóa tan mọi ngờ vực về hôn nhân đồng tính, mang lại nguồn cảm hứng và lòng can đảm cho những người khác. Như bất cứ cuộc hôn nhân nào, sự đồng điệu đến từ khả năng thấu hiểu lẫn nhau, và để làm được điều đó họ luôn trò chuyện và chia sẻ quan điểm mỗi ngày.
Ông Clayton thừa nhận đã gặp nhiều thách thức khi mới đến Việt Nam, vì “chẳng biết gì nhiều về Việt Nam như Ted”. Thế nhưng, mọi thứ đều có thể thu xếp được để “Ted theo đuổi điều mình muốn”. “Tôi cứ hỏi anh ấy liệu đây có còn là giấc mơ của anh không?”, và sau mỗi câu trả lời, họ lại tiếp tục cùng nhau bước lên phía trước. Ngoài việc hết sức ủng hộ bạn đời theo đuổi con đường ngoại giao, ông Clayton cũng tiết lộ điều có ý nghĩa nhất đối với bản thân khi sống tại Việt Nam là ủng hộ con người hãy sống thật với bản thân mình, bất chấp khuynh hướng giới tính.
Khác với 3 năm trước, gia đình họ dường như đã bén rễ tại Việt Nam. Bé Lucy đã có thể nói tiếng Việt trong nhà trẻ. Ông Clayton cho hay đã tìm được một quán phở rất hợp khẩu vị. Về phần mình, ông Osius tiết lộ cách đây hơn 1 năm đã nhận được lời đề nghị từ FUV. Bên cạnh vị trí phó chủ tịch, ông cũng sẽ tham gia ban giảng huấn và đang cân nhắc các môn liên quan đến các thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt, từ thay đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh thực phẩm, dịch bệnh… Ông mong đợi FUV chứng tỏ lợi thế của mình trong nỗ lực gia tăng nội lực của ngành giáo dục Việt Nam. 
Ký ức khó quên
Ba năm không phải là thời gian dài, nhưng đối với người mê Việt Nam như ông Osius cũng đã đủ chất chứa nhiều kỷ niệm sâu đậm. Có một lần trên đường đạp xe đến Quảng Trị, đi ngang qua cây cầu từng là giới tuyến chia cắt hai miền nam bắc, ông thật sự xúc động khi được những cựu chiến binh Việt Nam chào đón một cách thân tình. Cứ như thể trước đây chẳng hề có bom đạn, hận thù, chia rẽ. Đại sứ cũng kể lại thời khắc rung động khi được đặt chân xuống hang Sơn Đoòng hồi năm ngoái. Cùng một số ít người khác, ông Osius cảm thấy choáng ngợp trước những hình ảnh tuyệt vời trải ra trước mắt khi bước chân vào hang động lớn nhất thế giới. “Đó quả là một tuyệt tác mà tạo hóa trao tặng”, ông tấm tắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.