Đời thường của một võ sư huyền thoại - Kỳ 2: Con đường khổ luyện

25/10/2011 00:22 GMT+7

Khi xem những màn biểu diễn công phu của võ sư Hà Châu, biết bao người tự hỏi làm sao một con người nhỏ bé lại có một sức mạnh phi phàm như vậy, thậm chí nhiều người còn bán tín bán nghi. Đem những điều này hỏi ông thường chỉ nhận lấy một nụ cười đôn hậu, ít khi ông đi sâu tiết lộ các “bí kíp” đã được khổ luyện như thế nào. Có một thực tế nhiều võ sư có công phu thượng thừa, nhưng rất khó tìm lời diễn đạt khi nói về nguyên lý võ công.

Khi xem những màn biểu diễn công phu của võ sư Hà Châu, biết bao người tự hỏi làm sao một con người nhỏ bé lại có một sức mạnh phi phàm như vậy, thậm chí nhiều người còn bán tín bán nghi. Đem những điều này hỏi ông thường chỉ nhận lấy một nụ cười đôn hậu, ít khi ông đi sâu tiết lộ các “bí kíp” đã được khổ luyện như thế nào. Có một thực tế nhiều võ sư có công phu thượng thừa, nhưng rất khó tìm lời diễn đạt khi nói về nguyên lý võ công.

>> Đời thường của một võ sư huyền thoại - Kỳ 1

Cho đến một lần khi luận về các phương pháp vận khí tiểu chu thiên, đại chu thiên thì thật bất ngờ như gãi đúng chỗ ngứa, ông nói luôn: “Pháp môn vô số lượng, có nhiều con đường để luyện công. Đại loại có phương pháp lấy việc luyện tinh, khí, thần làm chủ. Riêng công pháp của qua hoàn toàn thuộc ngạnh công, lấy luyện lực làm chủ. Đó là các môn thiết đầu công, thiết sa chưởng, thiết bố sam”… Để đạt được thành tựu công phu, ông cho biết đã bỏ ra mười lăm năm trời ngày đêm khổ luyện.

 
Xe lu cán qua người - Ảnh: T.L

Ông cũng nói thẳng cuộc sống bây giờ ai cũng lo toan việc mưu sinh, thời gian và tâm trí đâu mà tập luyện như ngày xưa. Nhắc lại thời còn độ tuổi thiếu niên, theo sư phụ Trình Luân vốn là chưởng môn phái Hồng Gia ở tận Hồng Kông học võ, ông nói khi ấy sợ thầy còn hơn sợ cọp. Nhất nhất những lời chỉ dạy phải tuyệt đối nghe lời, luôn khép mình theo một kỷ luật sắt. Sau mỗi buổi tập luyện đều nấu bài thuốc mật truyền dùng tẩy rửa, ngâm tẩm để tiêu độc, tráng gân, mạnh cốt. Mỗi bữa cơm bắt buộc phải ăn mấy lạng thịt bò để bồi bổ sức lực. Gia đình ông đã phải tốn một số tiền rất lớn, đúng như câu nói lưu truyền thuở xưa: “Giàu học võ, khó học văn”.

 Điều quan trọng trong luyện công là không được nôn nóng, phải tuân thủ nguyên tắc từ thấp đến cao, từ nhẹ đến nặng. Để luyện sức chịu đựng, ông luôn có các đồng môn trợ lực. Ở tư thế nằm ngửa, hít vào thật sâu và bế khí, khi ấy sẽ có hai người túc trực khiêng tảng đá mấy chục ký đặt lên bụng. Khi không chịu được nữa thì ông đập đập bàn tay ra dấu, họ nhấc tảng đá bỏ xuống. Phải kiên trì luyện sức chịu càng lâu càng tốt, rồi theo thời gian nâng dần sức nặng lên một tạ, vài tạ rồi đến con số không tưởng: hàng tấn. Sau này ông tự thiết kế và chế tạo ra cỗ máy thiên cân tạ có thể tạo nên lực ép tương đương sức nặng 15 tấn cho các học trò của mình tập luyện, nhưng luyện được như ông thì chưa thấy có ai.

Lần đầu tập cho xe cán qua người phải biết kỹ thuật lót ván cho đúng. Thanh ván gỗ cứng đặt lên vùng ngực đầu trên không vượt quá huyệt Đản trung, đầu dưới ngang đến phần trên âm bộ. Thả lỏng, nhập tĩnh xong vận khí tụ đan điền, hai tay nắm chặt thành quyền, gồng cứng tăng sức căng ở vùng ngực, bụng, lưng. Khi nội khí đã sung mãn, xe bắt đầu chạy qua bụng với tốc độ vừa phải, tuyệt đối không được cho xe dừng lại. Cứ tuần tự tập với xe một tấn, hai tấn rồi năm tấn. Đỉnh điểm là lúc ông biểu diễn tại Trà Vinh năm 1961 với xe lu mười hai  tấn cán qua người làm bao người như muốn đứng tim.

Với môn thiết đầu công thoạt nhìn ai cũng có cảm giác sợ, vì não bộ và hệ thần kinh tập trung ở đây, tập không đúng coi chừng bị “tẩu hỏa nhập ma”. Thế nhưng võ sư Hà Châu cho rằng môn này không khó luyện. Người tập sử dụng toa thuốc có 7 vị trộn vào 5 kg đậu xanh đổ vào một túi vải dài cột lại làm thành cái dược bảng. Nghiến răng, bế khí, quán tưởng đầu mình cứng như sắt thép sau đó dùng dược bảng đánh vào đỉnh đầu. Ở tầng công phu cao hơn cho thêm thiết sa (vụn sắt) vào túi vải tiếp tục tập như trên. Sau đổi qua dùng ống tre nhỏ đập vào đầu, chuyển sang dùng côn gỗ và cuối cùng sử dụng gậy sắt. Đến tầng công này coi như thiết đầu công đã luyện thành. Lúc này có thể dùng búa sắt đập vỡ ngói gạch đặt trên đầu, hoặc dùng đầu đập vỡ bia đá, húc sập cả bức tường.

Phép luyện thiết sa chưởng trước phải nắm các thủ pháp cơ bản, sau  dùng tay phát chưởng đánh vào túi thuốc. Chuyển dần từ từ qua đánh vào túi đá sỏi, đá dăm và mạt sắt. Khi tay phát chưởng vào túi mạt sắt không còn đau và cảm thấy một luồng kình lực ở lòng bàn tay là đã đạt tới tầng công. Tập các môn này nhất thiết phải dùng thuốc uống và thuốc dầm rửa tay. Bàn tay luyện thiết sa đập bể gạch đá, chặt gãy sừng bò mộng một cách dễ dàng. Nếu dùng thiết sa chưởng có thể đánh trọng thương đối thủ, vì vậy theo ông người tập võ phải có võ đức, không bao giờ vì một phút nóng giận tùy tiện sử dụng võ.

Khi bàn về chuyện học võ, võ sư Hà Châu luôn cho rằng võ học vốn mênh mông đại hải, người học phải có thầy chỉ dẫn từng bước đi, nếu không chẳng biết đâu là bến bờ. Khi luyện một môn công nào phải theo đuổi tới cùng, bất kể mưa nắng, vui buồn. Vì chỉ cần dừng lại nửa chặng đường thì mọi công sức coi như đổ sông đổ biển. Theo ông, một người học võ chân chính bắt buộc phải luyện công, vì cổ nhân đã từng đúc kết: Luyện võ bất luyện công, đáo lão nhất trường không.

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.