Lý Huỳnh (trái) và võ sĩ Lyauté Francoise - Ảnh: T.L |
Từ nhỏ, bên cạnh sự may mắn được thu nhận bởi các võ sư cội đề của võ lâm đương thời, Lý Huỳnh còn cho thấy niềm tin của các thầy đặt vào mình là không sai.
Chăm chỉ, miệt mài với chế độ luyện tập khắc nghiệt, mỗi ngày chạy bộ 10 km, người bạn thân nhất của ông lúc ấy chính là... bao cát. Ông cho biết đã là một võ sĩ thượng đài, quan trọng nhất là tập đối kháng, "uýnh" hoài thành quen. Không ít lần sưng mặt, vều môi vì dính đòn, nhưng sau mỗi lần như thế, võ sĩ này "lì" hơn và sức chịu đựng cũng tăng lên. Với nền tảng nội lực, vững như bàn thạch khi xuống tấn và sự tinh khôn, lấy nhu khắc cương của võ cổ truyền do võ sư Hai Yến truyền thụ cộng với sự nhanh nhẹn, dẻo dai, ra đòn như vũ bão của môn boxing do sư phụ Huỳnh Tiền chỉ dạy, "beo đen" lên đài và ngay lập tức giương oai.
Sự kết hợp ưu điểm của các môn võ khác nhau được lĩnh hội và biến thiên khôn lường trong bộ óc bẩm sinh của con nhà võ đã khiến cho đòn thế của đấu thủ này không theo quy luật thông thường mà luôn biến hóa. Chính điều đó khiến Lý Huỳnh xưng hùng "riêng một góc trời".
Nói về những lần thượng đài gây tiếng vang, Lý Huỳnh nhắc lại trận phải đối đầu với vô địch quyền Anh quân đội Pháp tại Việt Nam: Lyauté Francoise. Lúc đó, ai cũng ái ngại cho ông vì kém địch thủ đến 10 kg. Nhưng sự lo lắng đó đã bằng thừa khi võ sĩ Việt bình tĩnh đứng trụ 2 chân vững chắc, mắt đăm theo từng cử động nhỏ nhất của địch thủ. Lý Huỳnh suốt 3 hiệp chỉ đứng một chỗ né đòn, đợi khi đã nắm hết quy luật ra đòn của đối phương và chờ võ sĩ Pháp thấm mệt, nản chí liền tung nắm đấm thép. Võ sĩ Pháp dính đòn đau, choáng váng chưa kịp định thần thì đã bị một "cơn mưa đòn" liên tiếp giáng xuống. Như một cơn lốc, võ sĩ Việt cuốn phăng đối thủ về góc võ đài, bất động: knock-out.
Kể từ đó, tên tuổi của võ sĩ mang biệt danh "beo đen" này vang xa. Đến mức, sau này hồi tưởng lại ông mới phát hiện đối thủ của mình toàn là... nhà vô địch. Hết Lyauté Francoise, lần lượt Văn Đại - vô địch Việt Nam, Mạnh Trung Phương - vô địch miền Trung, Anh Thạch - vô địch miền Bắc đều ngã gục trước cơn cuồng phong mang tên Lý Huỳnh. Có thể nói, vào thời gian đó, võ sĩ này là ông vua không ngai của làng võ Việt Nam. Chỉ một lần duy nhất "beo đen" bị thua điểm đối thủ là trước nhà vô địch Campuchia Sóc-then.
Hỏi ông, võ sĩ trong nước nào khiến ông phải "toát mồ hôi" nhiều nhất, ông nói ngay, đó là Văn Đại. Nhà vô địch toàn quốc thời ấy là tên tuổi từng khiến bất cứ ai thượng đài cũng phải e ngại. Nhưng lá gan "beo đen" to bằng trời, luôn trong tư thế sẵn sàng xung trận. Trận đấu hòa với võ sĩ này là một kỷ niệm mà Lý Huỳnh nhớ mãi. Giằng co nhau suốt 2 hiệp đầu, ông tỏ ra có lợi thế hơn và đánh ngã đối thủ xuống sàn, máu túa ra đầy mặt. Nhưng nhà vô địch gượng dậy, giáp lá cà vào ông và sử dụng chiêu "thiết thủ công". Bị bất ngờ, Lý Huỳnh dính đòn. Nhưng sang những hiệp sau, ông rút kinh nghiệm rồi dùng quyền hóa giải độc chiêu của Văn Đại. Cuối trận, trọng tài xử hòa. Nhưng ai cũng biết, hòa nhưng ban tổ chức đã chọn "beo đen" sang Campuchia thi đấu thì coi như đã thắng. Chuyện đó đã làm chấn động làng đấm đương thời và nhờ đó tên tuổi Lý Huỳnh càng bay xa.
Theo lời kể của chính Lý Huỳnh thì đạo diễn nổi tiếng Hàn Anh Kiệt (phim Đường Sơn đại huynh) sau lần chứng kiến "beo đen" thể hiện thành công liên hoàn bát cước đã hỏi một câu đầy ẩn ý: "Dám đấu với Lý Tiểu Long không?". Ai cũng biết thời ấy, người khai sinh Triệt quyền đạo là huyền thoại võ học, là bậc đáng ngưỡng mộ đối với mọi con nhà võ. Lý Huỳnh, đang là ngôi sao trong nước, sự khích bác trên đã chạm vào lòng tự ái dân tộc. Hơn nữa, theo lời võ sư, lúc ấy ông 28 tuổi, với dòng máu nóng hừng hực chảy trong người, ông đã chẳng ngại ngần, dõng dạc thách đấu với Lý Tiểu Long. Vụ việc đã gây chấn động giới truyền thông cả ở Việt Nam lẫn Hồng Kông, nhưng chưa kịp thượng đài thì Lý Tiểu Long đã qua đời đột ngột.
Hỏi võ sư có tiếc về chuyện ấy không, ông trầm ngâm nói: "Tiếc cho mình một mà tiếc cho võ Việt mười. Ngày ấy, nếu so găng, ông không quan trọng thắng thua mà chỉ nghĩ rằng võ nước mình có cơ hội được thế giới biết đến".
Công Sơn - Hồng Sĩ
Bình luận (0)