Tay đấm Minh Thành con lúc trẻ - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Trong đời võ của mình, Minh Thành con không thể nào quên được tay đấm Chomchary - huy chương bạc châu Á, người Campuchia. Theo ông, đây là đối thủ đáng gờm với ông thời đó.
Trận thượng đài được mong đợi và người mà ông chọn chính là nhà vô địch Chomchary đã diễn ra. Bắt đầu vào trận, đối thủ chẳng phải hạng “hữu danh vô thực”, nhập cuộc mạnh mẽ và đầy khôn ngoan. Với phương pháp di chuyển nhanh, đối phương đã khiến võ sĩ Việt gặp không ít khó khăn. Hai bên ăn miếng trả miếng liên tục. Tình hình càng bất lợi do không khí nghẹt thở từ sức ép của cổ động viên nước bạn. Trẻ tuổi, nhưng với tinh thần “thép”, Minh Thành con không nao núng, mà vẫn bình tĩnh chống đỡ. Có phần nôn nóng do đối thủ lì đòn và hóa giải hầu hết độc chiêu của mình, Chomchary bắt đầu để hở sườn. Chỉ đợi có thế, tay đấm Minh Thành con từ chủ động phòng ngự đột ngột phản công. Hơi bất ngờ, đối phương dính đòn đau và ngã xuống sàn. Tiếng la vang rền khắp các khán đài “Việt Nam Việt Nam”. Lẽ ra ông đã được xử thắng, nhưng trọng tài đã kéo dài thời gian đếm để đối thủ gượng dậy và khi kết thúc trận đấu, trọng tài nước bạn xử hòa. Võ sư Minh Thành an ủi con: “Đấu ở nước ngoài mà họ cho hòa vậy là thắng rồi đó!”. Ông vui mừng, vì khẳng định được tên tuổi, nhưng niềm phấn khởi lớn nhất là đã được mọi người công nhận tài năng.
Năm 1974, cơ hội lại đến khi Thái Lan tổ chức giải quyền Anh King Cup. Thế nhưng, do ông đã có huy chương đồng SEAP Games nên không được tham gia. Cùng năm đó, diễn ra giải vô địch châu Á tại Teheran (Iran), Phan Văn Quyền được chọn tham dự. Mọi công tác chuẩn bị đã xong, ông rất háo hức trước trận đấu lớn. Nhưng rồi biến động thời cuộc đã làm cho những hoạt động thể thao bị gác lại. Không gặp thời, Minh Thành con lần nữa lỗi hẹn với khát khao chinh phục thử thách mới. Không ngờ đó cũng là thời kỳ đỉnh cao của ông trước khi bước vào giai đoạn gian nan kéo dài đến 35 năm…
Năm 1978, sau khi đi thanh niên xung phong về, Minh Thành con lấy vợ rồi dắt dìu nhau đi kinh tế mới. Dù khó khăn nhưng ông vẫn thường xuyên về TP.HCM thăm cha, nhân tiện dợt thêm tay nghề. Mặc dù khi đó, quyền Anh chưa được Nhà nước thuận cho tổ chức giải đấu nhưng những trận đấu mang tính thể thao vẫn diễn ra. Số tiền ít ỏi có được trong các trận đánh đài không đủ để đảm bảo cuộc sống. Võ sư Minh Thành con kể: “Khi đó chúng tôi không được phép thượng đài, nhưng tôi vẫn không bỏ được niềm say mê quyền Anh. Nghĩ trong lòng, mình tập thể thao, rèn luyện sức khỏe thì có sao đâu, nên tôi vẫn miệt mài dấn thân cho niềm vui này. Phải nói rằng gia đình đã hy sinh rất nhiều cho con đường mà tôi đã chọn khi đó”.
Năm 2003, cú sốc lớn đến với ông khi người cha, người thầy Minh Thành qua đời. Nỗi đau chưa nguôi thì đến lượt người vợ hiền sau cơn bạo bệnh cũng bỏ ông ra đi. Tưởng chừng như chỉ còn biết sống cho hết ngày dài và sẽ treo găng vĩnh viễn vì không còn động lực để phấn đấu. Nhưng trong lúc đó thì cơ hội lại tới với ông. HLV đội boxing TP.HCM Phan Văn Mười đề nghị anh trai mình về lại TP.HCM, cùng chung sức vực dậy phong trào. Những tháng đầu huấn luyện không lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng vị võ sư vẫn hạnh phúc. Được ban huấn luyện tạo điều kiện về sống ngay tại nhà tập luyện Phú Thọ, võ sư như trẻ hẳn. Đoàn boxing thành phố chỉ yêu cầu đứng lớp 1 buổi/ngày nhưng ông không chịu, cứ bám trụ lớp học, ân cần hướng dẫn từng chút cho học trò. Em nào ông cũng yêu cầu phải thông suốt những kỹ năng cơ bản thì mới lĩnh hội được tuyệt kỹ, và chỉ ra điểm yếu cùng cách khắc phục của từng người. Ông nói về công việc của mình “nhìn bề ngoài, cứ ngỡ quyền anh là phải tập trung vào lực đấm, sự nhanh nhẹn nhưng đây là môn võ lấy sự mềm mại uyển chuyển làm tinh cốt, luyện quyền anh cũng tựa như tập thái cực quyền vậy. Khi đứng lớp bao giờ tôi cũng nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần cho các em khi ra đòn không chỉ dùng sức của cánh tay mà phải vận lực cả thân người”.
Hiện nay, Minh Thành con là cánh tay phải của HLV trưởng đội boxing TP Vương Thành Vinh, cùng nhiều võ sư khác đang chung tay vực dậy phong trào boxing thành phố. Không chỉ chịu trách nhiệm huấn luyện đội tuyển chuyên nghiệp vào buổi sáng, ông còn dành thời gian đứng lớp cho các em phong trào vào buổi chiều, mục đích để tìm kiếm những em có đam mê và năng khiếu quyền Anh bổ sung vào đội tuyển thành phố.
Sau khi nghe tin võ sư Minh Thành con “tái xuất”, không ít đội tuyển boxing các tỉnh đã mời ông về huấn luyện với chế độ đãi ngộ đặc biệt. Thế nhưng, ông chỉ mỉm cười cám ơn tấm lòng của họ, và chia sẻ rằng ông đang có một công việc rất hạnh phúc. Minh Thành con vẫn còn muốn tiếp tục tận tâm tận lực cống hiến cho phong trào quyền Anh TP.HCM.
Công Sơn - Hồng Sĩ
Bình luận (0)