Đời thủy thủ - Bước chân trên sóng cả: Hiểm nguy trên những hải trình

Lê Vân
Lê Vân
07/03/2024 09:00 GMT+7

Được làm trên tàu lớn trong môi trường chuyên nghiệp, đi vòng quanh thế giới, mức lương cao… nhưng các thủy thủ tàu viễn dương phải đối diện muôn trùng nguy hiểm giữa biển khơi.

Cơn ác mộng cướp biển

Trong hành trình trên các đại dương qua nhiều châu lục, các thuyền viên chia sẻ điều họ sợ hãi nhất chính là gặp phải cướp biển. Từ cuối năm 2023 đến nay, các đội tàu vận tải viễn dương đều lo lắng trước tình hình bất ổn tại biển Đỏ, nơi hải tặc đang hoành hành cùng lực lượng Houthi (Yemen). Nhiều công ty chủ tàu biển đã phải chọn đường vòng đi xa hơn để tránh qua kênh đào Suez, bất chấp chi phí vận tải bị đội lên.

Chuyện cướp biển tấn công không còn là mối lo mà đã trở thành sự thật với tàu Hoàng Sơn Sun của Việt Nam vào 13 năm trước. Chúng tôi đã gặp lại các thuyền viên đi tàu Hoàng Sơn Sun, những người từng bị cướp biển giam cầm suốt 8 tháng ở vùng biển Somalia năm 2011.

Đời thủy thủ - Bước chân trên sóng cả: Hiểm nguy trên những hải trình- Ảnh 1.

Máy trưởng Bùi Thái Hùng của tàu Hoàng Sơn Sun hiện sống tại TP.HCM

LÊ VÂN

Đối với máy trưởng Bùi Thái Hùng (70 tuổi) ở TP.HCM, ngày 17.1 hằng năm là ngày giỗ… hụt của chính mình và anh em thuyền viên tàu Hoàng Sơn Sun khi họ bị cướp biển bắt ở vùng biển Somalia. "Tôi đã nghĩ mình sẽ không quay về nhà được khi nghe cướp đòi tiền chuộc lên đến hơn 7 triệu USD", máy trưởng Bùi Thái Hùng nhớ lại. 24 thủy thủ của tàu Hoàng Sơn Sun đã bị giam cầm trong hang ổ hải tặc, nơi chúng bắt giữ rất nhiều tàu vận tải lớn của các quốc gia đi qua vùng biển Somalia.

Tôi đã nghĩ mình sẽ không quay về nhà được khi nghe cướp đòi tiền chuộc lên đến hơn 7 triệu USD.

Máy trưởng Bùi Thái Hùng, làm việc trên tàu Hoàng Sơn Sun năm 2011

Với 40 năm đi biển, ông Bùi Thái Hùng kể rằng trước đó "cướp biển" cũng chỉ là một nỗi sợ vô hình với nhiều thủy thủ viễn dương. Máy trưởng Hùng kể: "Các băng cướp biển thường hoạt động mạnh vào mùa biển yên, bởi trong mùa biển động, thuyền của chúng là thuyền nhỏ, không chịu được sóng lớn. Năm ấy có lẽ xui là tàu Hoàng Sơn Sun bị trễ khoảng 1 tháng so với lộ trình do phải neo cảng để sửa một hầm hàng bị cháy nên khi xuất hành thì rơi vào mùa biển yên. Hầu hết mọi người không ai ngờ được bọn cướp biển lại "đánh bắt xa bờ" khi tàu đã đi qua vùng biển nguy hiểm, có lẽ bọn cướp được thời tiết ủng hộ nên mới đi xa đến thế".

Trước yêu cầu đòi tiền chuộc cao ngất ngưởng của cướp biển, chủ tàu Hoàng Sơn Sun phải kéo dài thời gian thương lượng suốt gần 8 tháng mới chốt được con số 2,5 triệu USD để chuộc thuyền viên. Do đó, thuyền bộ của con tàu cũng trải qua 242 ngày sinh tử, bị giam cầm trong hang ổ hải tặc. Để đánh dấu biến cố, máy trưởng Bùi Thái Hùng đã cắt luôn bộ râu yêu thích vốn là "đặc trưng" của biệt danh "máy trưởng Hùng râu". "Cũng như tôi, nhiều anh em thủy thủ khác bị chúng tra tấn để gây áp lực đòi tiền chuộc. Chúng tôi đã trải qua những ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời mình, nhiều anh em sốc tới mức không đi biển nữa. Nhưng đa số vẫn trở lại tàu đi biển vì cuộc sống mưu sinh và bởi đó là cái nghề vận vào đời mình như cái nghiệp rồi", máy trưởng tự sự.

Đời thủy thủ - Bước chân trên sóng cả: Hiểm nguy trên những hải trình- Ảnh 2.

Các thủy thủ tàu Hoàng Sơn Sun đứng trên boong tàu chờ giải cứu trong ngày cuối cùng bị giam cầm

NVCC

Đời thủy thủ - Bước chân trên sóng cả: Hiểm nguy trên những hải trình- Ảnh 3.

Máy trưởng "Hùng râu" (hàng đứng, thứ sáu từ trái qua) cùng các thuyền viên ngày được giải cứu

NVCC

Rủi ro khó lường

Với hợp đồng đi biển kéo dài từ 4 - 5 tháng hoặc 9 -10 tháng, các thủy thủ phải sống trên tàu nhiều hơn ở nhà. Những mối lo sóng gió, biển động, bệnh tật giữa biển với họ trở thành điều bình thường. "Lên tàu là phải thích nghi, ban đầu mình không ăn uống gì được khi sóng gió cấp 12 - 13. Có khi qua Đại Tây Dương gặp những cơn bão lớn, đồ đạc trên tàu bị xáo trộn, anh em không ăn uống nổi nhưng vẫn phải giữ vững vị trí vận hành buồng máy - trái tim của con tàu", máy trưởng Nguyễn Sỹ Thành, 49 tuổi, làm việc trên tàu Lady Rosalia thuộc Công ty cổ phần vận tải biển Nhật Việt (TP.HCM), chia sẻ.

Nhưng còn có một nỗi lo vô hình mà dù ở vị trí nào các thủy thủ cũng luôn phải đối diện khi đi làm trên biển là gia đình ở nhà. Thuyền phó 2 tàu Lady Rosalia Đoàn Văn Dũng (31 tuổi) tâm sự: "Mình lấy vợ được mấy năm rồi nhưng chưa có em bé. Có người còn nói đi tàu hóa chất thì khó sinh con nên vợ cũng lo lắm. Rồi vợ ở nhà quanh năm chờ chồng đi biển biền biệt, còn mình thì ở tàu lại lo vợ ở nhà lúc đau ốm không có ai".

Đời thủy thủ - Bước chân trên sóng cả: Hiểm nguy trên những hải trình- Ảnh 4.

Máy trưởng Nguyễn Sỹ Thành tàu Lady Rosalia (thứ 2 từ phải qua) cùng các thủy thủ kiểm tra hệ thống phòng cháy trên tàu

Ngọc Dương

Đời thủy thủ - Bước chân trên sóng cả: Hiểm nguy trên những hải trình- Ảnh 5.

Các thủy thủ làm việc trên tàu chở hóa chất lỏng

Ngọc Dương

Đời thủy thủ - Bước chân trên sóng cả: Hiểm nguy trên những hải trình- Ảnh 6.

Làm việc trong khoang máy với tiếng ồn lớn và nhiệt độ cao

Ngọc Dương

Phạm Ngô Tấn Khoa, hiện tại là thuyền phó 3 công tác trên tàu Lady Rosalia, kể lại: "Hành trình đáng nhớ nhất với mình là 14 ngày trên biển từ Indonesia đến Nhật Bản vào tháng 12.2023. Đó không chỉ là hải trình thông thường mà còn là thử thách lớn đối với sức khỏe và tinh thần của thủy thủ. Sức mạnh của gió mùa Đông Bắc tăng cường liên tục, gió giật cấp 7 - 8 đã biến chuyến đi ngắn ngủi thành quá dài trên biển. Sóng gió không ngừng khiến tàu rung lắc, đặt ra thách thức cho sự ổn định của thân tàu. Hành trình ngang qua khu vực các đảo vắng của Indonesia với tình hình an ninh phức tạp cũng làm cho anh em chúng tôi không được yên giấc. Đối mặt với thử thách khó khăn là thế, sự chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình là rất quan trọng. Qua khó khăn càng làm tăng thêm sự vững vàng cho người thủy thủ".

Dù vậy, theo anh Khoa, mức lương hấp dẫn của nghề nghiệp có thể giúp anh san sẻ, chăm sóc gia đình và tạo tiền đề để xây dựng gia đình nhỏ của mình. Cùng với đó là được đi nhiều nơi tiếp xúc được với nhiều nền văn hóa và phong cách làm việc của nhiều quốc gia giúp anh được biết nhiều hơn, tích lũy thêm cho mình những kinh nghiệm sống. (còn tiếp)

Từ ngày cướp biển Somalia tấn công và cướp được tàu Hoàng Sơn Sun vào ngày 17.1.2011, đến ngày cướp nhận tiền chuộc và giải phóng tàu 15.9.2011 là 242 ngày. Sáu ngày tiếp theo, 24 thủy thủ đưa tàu từ vùng bờ biển Somalia đến cảng an toàn gần nhất là cảng Salalah của Oman để trở về Việt Nam trong sự chào đón của tất cả mọi người. Nhiều người trong số đó đã và đang tiếp tục đi biển trên những con tàu khác hay quay lại làm việc trên chính con tàu đã từng bị cướp. Chúng tôi không phải là những người hùng, nhưng chúng tôi luôn có khát vọng sống mãnh liệt, sống để trở về trọn vẹn và cuối cùng mọi cố gắng đã được đền đáp.

Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng kể về biến cố năm 2011 của tàu Hoàng Sơn Sun

Một thủy thủ có nhiều năm đi tàu đa quốc tịch kể lại: "Rủi ro với nghề đi biển ngoài sóng gió, cướp biển… là tai nạn. Có lần mình đang trả hàng ở cầu cảng thì nhìn thấy một anh thủy thủ tử vong, nổi trên mặt nước do bị ngã khi leo thang lên tàu. Một tai nạn khác mà mình biết là có thuyền viên bị ngạt khí độc trong hầm hàng. Vì vậy, quy định trên tàu luôn rất nghiêm ngặt như cấm bia rượu, đánh bài… Bởi những rủi ro trên mỗi hải trình rất khó lường nên đã lên tàu là phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của công ty.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.