Theo trung tá Khổng Ngọc Oanh, Trưởng phòng P6/C45 (Bộ Công an) tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Năm 2016, cơ quan công an đã phát hiện 1.641 vụ gồm 1.807 đối tượng, xâm hại 1.627 em. Trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 1.248 vụ, chiếm 76,5% số vụ xâm hại trẻ em nói chung. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, cơ quan công an phát hiện 696 vụ với 716 đối tượng, xâm hại 710 em. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 43 vụ (7%), 56 đối tượng (8 vụ) và 22 nạn nhân (3%). Nhiều nạn nhân là trẻ em dưới 10 tuổi, còn quá non nớt, không có khả năng tự vệ, dễ dàng bị đối tượng lợi dụng dụ dỗ, cưỡng bức xâm hại.
Ông Khổng Ngọc Oanh cho biết: “Đối tượng phạm tội ở nhiều độ tuổi khác nhau, tập trung chủ yếu từ 17 - 40 tuổi, ngoài ra nhiều vụ đối tượng trên 50 tuổi, cá biệt có một số vụ trên 70 tuổi. Về nghề nghiệp, chủ yếu là lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp, nghề không ổn định; lười lao động, ham mê rượu chè, đàn đúm, có lối sống lệch chuẩn, bệnh hoạn, biến thái. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em thường là người thân, quen với nạn nhân. Một số đối tượng thường lợi dụng nghề nghiệp để xâm hại tình dục trẻ em như giáo viên, nhân viên y tế, người có chức trách bảo trợ, nuôi dưỡng, chữa bệnh… hoặc có kiến thức, kỹ năng trong môi trường mạng…”
Nên hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống 16 tuổi
Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA, trên thực tế, con số này trẻ em bị xâm hại tình dục còn lớn hơn nhiều vì nhiều lý do và hiện vẫn không có số liệu quốc gia một cách chính thức. “Điều đáng báo động là, chỉ có 10 vụ được xét xử. Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, thì số trẻ em gái ở độ tuổi 12 - 15 chiếm tới 57,46%, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%. Trước thực trạng này, trong tháng 3.2017, Liên hiệp quốc ra thông cáo bày tỏ lo ngại nghiêm trọng trước cường độ của các vụ xâm hại trẻ em ở Việt Nam”, bà Vân Anh nói.
Một trong những nguyên nhân các vụ xâm hại tình dục trẻ em không được đưa ra xét xử là do còn thiếu thiếu chứng cứ và quy định pháp luật. Ông Hoàng Ngọc Tuyên, Vụ trưởng Vụ pháp chế và Quản lý khoa học (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) cho biết, trong thực tiễn giải quyết các vụ án, ngoài những vướng mắc xoay xung quanh việc do người bị hại tố giác muộn, khó thu thập chứng cứ kịp thời, không đủ căn cứ xử lý còn do nhận thức khác nhau về các quy định pháp luật, dẫn đến đánh giá tính chất vụ án của các cơ quan tố tụng không thống nhất trong việc cấu thành tội phạm, chẳng hạn như tội dâm ô trẻ em. Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, ông Tuyên kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự nêu rõ những khái niệm chưa rõ ràng và quy định theo hướng mở rộng nguyên tắc xác định chứng cứ, cách thức thu thập chứng cứ đối với loại tội phạm này để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. “Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất khái niệm “dâm ô” để khắc phục vướng mắc đang tồn tại giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong xác định tội danh Dâm ô đối với trẻ em”, ông Tuyên kiến nghị.
Luật sư Ngô Anh Tuấn phân tích: “Tội dâm ô theo Bộ luật hình sự 2015 chỉ áp dụng cho người đủ 18 tuổi; điều đó khiến cho người đủ 16 tới dưới 18 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự với tội này. Trong khi, người đủ 16 tới dưới 18 tuổi, đang tuổi mới lớn, rất tò mò, manh động nên dễ phạm tội. Người phạm tội “lách luật”, đưa trách nhiệm cho người đủ 16 tới dưới 18 tuổi chịu trách nhiệm để không bị xử lý. Vì vậy, hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này đối với người từ 16 tuổi là hợp lý”.
Theo số liệu của Viện kiểm sát, năm 2014 cả nước xảy ra 1.544 vụ xâm hại tình dục trẻ em và có 1.594 trẻ em bị xâm hại. Năm 2015 xảy ra 1.360 vụ và có 1.371 trẻ em bị xâm hại tình dục. Năm 2016, xảy ra 1.248 vụ và có 1.211 trẻ em bị xâm hại tình dục. Một số địa phương xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục nghiêm trọng trong năm 2016 là: Đồng Nai (78 em); Cà Mau (60 em); An Giang (55 em); Kiên Giang (55 em); Tây Ninh (49 em); Gia Lai (40 em); đặc biệt có vụ xâm hại tình dục 23 trẻ em ở tỉnh Lào Cai; địa bàn một số tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nam bộ có tình hình xâm hại tình dục trẻ em xảy ra phức tạp.
|
Bình luận (0)