Pha bấm bóng điệu nghệ qua đầu thủ môn Myanmar ở trận chung kết SEA Games 32 là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của đội tuyển nữ Việt Nam và cá nhân tiền đạo trẻ Nguyễn Thị Thanh Nhã ở giải đấu tại Campuchia.
Đó là pha lập công mà HLV Mai Đức Chung thừa nhận "không dám tin là bàn thắng" cho đến khi bóng nằm gọn trong lưới. Thanh Nhã đã có pha xử lý táo bạo đặc trưng của một cầu thủ trẻ: dám nghĩ, dám làm và không ngại những ý tưởng đột phá.
Sự táo bạo ấy của tiền đạo trẻ đang chơi cho đội Hà Nội xuất phát từ quyết định đúng đắn của HLV Mai Đức Chung 3 năm trước, khi ông đôn lứa trẻ lên đội tuyển nữ Việt Nam ngay khi đội đang còn ở trên đỉnh cao với đội hình nòng cốt đang ở độ chín. Ban huấn luyện ươm mầm cầu thủ trẻ để có giải pháp chuẩn bị cho tương lai, mà màn tỏa sáng rực rỡ của Thanh Nhã là phần thưởng xứng đáng cho việc kiên trì trồng cây để chờ ngày hái quả ngọt.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận dù đã gọi nhiều "măng non" lên đội tuyển nữ Việt Nam, nhưng HLV Mai Đức Chung chưa tìm được nhiều gương mặt trẻ tiềm năng, để lại ấn tượng đậm nét. Ở SEA Games 32, bên cạnh Thanh Nhã ghi dấu ấn, đội nữ chỉ có một tài năng trẻ khác được tin dùng ở đội hình chính là Trần Thị Hải Linh - cầu thủ vốn chơi ở vị trí tiền vệ ở CLB, nhưng được ông Chung kéo về đá trung vệ nhờ khả năng đọc tình huống và chuyền bóng.
Một tài năng khác là Ngân Thị Vạn Sự, cũng xuất phát từ đội U.19 như Thanh Nhã, lại chưa khẳng định được chỗ đứng dù đã có những bàn thắng đầu tiên cho đội nữ. Vũ Thị Hoa không được ra sân thường xuyên ở SEA Games, dù đoạt ngôi vua phá lưới giải quốc nội và giành giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2022.
Trong số những cầu thủ trẻ mà ông Chung đặt niềm tin, Nguyễn Thị Tuyết Ngân để lại nhiều tiếc nuối. Tiền đạo của đội TP.HCM dính chấn thương và bỏ lỡ những giải đấu quan trọng, gần nhất là SEA Games 32. Trong khi đó, Lương Thị Thu Thương, trung vệ trẻ đã đá cặp ăn ý với Chương Thị Kiều ở hàng phòng ngự tại SEA Games 31 và Asian Cup 2022 lại chưa lấy lại phong độ do gặp vấn đề ở đầu gối.
HLV Mai Đức Chung từng khẳng định việc đan xen cầu thủ trẻ với nhóm giàu kinh nghiệm là một nghệ thuật dụng nhân. Ông muốn tăng tính cạnh tranh để các trụ cột phải nỗ lực, đồng thời chờ đợi các cầu thủ trẻ học hỏi từ đàn chị để tiến bộ hơn. Dù vậy, ở những khoảnh khắc quan trọng, gánh vác đội tuyển vẫn là những cầu thủ quen thuộc như Thùy Trang, Tuyết Dung, Huỳnh Như,... Còn với các tài năng trẻ thì ngoại trừ Thanh Nhã, phần lớn chưa để lại ấn tượng, hoặc cũng chưa chiếm được suất đá chính trong đội hình.
So với mặt bằng Đông Nam Á, chất lượng đội hình đội tuyển nữ Việt Nam vẫn ở mức tốt, đảm bảo khả năng tiếp tục thống trị sân chơi quốc nội trong 3, 4 năm tới. Nhìn rộng sang những kình địch cùng khu vực như Philippines (phụ thuộc vào Phi kiều), Myanmar (non kinh nghiệm) hay Thái Lan (đang chuyển giao), dễ thấy đội tuyển nữ Việt Nam vẫn cân bằng và vững chãi hơn cả.
Nhưng để bước ra sân chơi châu Á, hay xa hơn là thế giới, đội tuyển nữ Việt Nam cần thêm gương mặt trẻ để vượt qua giới hạn đẳng cấp hiện tại. World Cup 2023 là sân chơi mà thầy trò ông Mai Đức Chung tham dự với tâm thế học hỏi, nhưng ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) sẽ là giải đấu vừa vặn để Việt Nam nghĩ về thành tích cao, bên cạnh vòng loại hai Olympic Paris 2024 nơi Huỳnh Như cùng đồng đội đủ khả năng tạo bất ngờ,...
Mọi cuộc chuyển giao đều cần sự kiên nhẫn. Hy vọng HLV Mai Đức Chung cùng học trò tiếp tục nỗ lực để mang tới diện mạo và niềm vui mới cho người hâm mộ.
Bình luận (0)