Đội tuyển nữ Việt Nam vừa trở về Hà Nội sau khi kết thúc 2 trận gặp Nepal ở vòng loại thứ nhất Olympic Paris 2024. Thầy trò HLV Mai Đức Chung có 2 ngày nghỉ ngơi, quay trở lại tập luyện 4 ngày rồi lên đường sang Nhật Bản tập huấn vào ngày 17.4. Tại đây, toàn đội tập luyện, thi đấu với các CLB nữ chất lượng tại Nhật Bản trước khi sang Campuchia dự SEA Games 32.
Với đội tuyển nữ Việt Nam, chuyến tập huấn tại Nhật Bản đặc biệt quan trọng. Sau trận tranh hạng ba với Myanmar (Việt Nam thua 3-4) ở AFF Cup 2022 hồi tháng 7-2022, các học trò của HLV Mai Đức Chung đã trải qua 6 tháng liền không có giải đấu, trận đấu chính thức nào.
Trong quãng thời gian này, các thành viên đội tuyển nữ Việt Nam trở về CLB để thi đấu tại giải vô địch quốc gia và Cúp quốc gia. Trước đợt tập trung tháng 3 vừa qua để chuẩn bị cho vòng loại thứ nhất Olympic Paris 2024, các tuyển thủ nữ Việt Nam đã ra sân tại Cúp quốc gia 2023, nhờ vậy có nền tảng thể lực và cảm giác thi đấu tốt cho 2 trận đấu với Nepal vừa qua.
Tuy nhiên, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ dự một mạch 4 giải đấu quan trọng trong năm nay, bao gồm SEA Games 32, World Cup 2023, ASIAD 19 và vòng loại thứ hai Olympic Paris 2024. Các sân chơi kéo dài liên tục từ tháng 5 đến tháng 10. Có thể nói, năm 2023 là năm thi đấu vất vả và quan trọng nhất của đội tuyển nữ Việt Nam trong 5 năm qua, khi HLV Mai Đức Chung học trò thi đấu ở cả sân chơi Đông Nam Á, châu Á và thế giới.
Tại sân chơi nào, bóng đá nữ Việt Nam cũng có mục tiêu cụ thể, từ vô địch (SEA Games), nâng cao thành tích (ASIAD) đến cọ xát, tích lũy kinh nghiệm (World Cup, Olympic). Điều này đòi hỏi đội tuyển nữ cần có kế hoạch chuẩn bị bài bản và tổng thể, từ rèn thể lực, kỹ chiến thuật, đến xây dựng đội ngũ kế cận.
Nhìn trên mục tiêu và lịch trình thi đấu dày đặc, việc đội tuyển nữ Việt Nam cần thi đấu liên tục, đá với đa dạng đối thủ để nâng cao trình độ là rất cần thiết. Đội tuyển nữ Việt Nam đã tiến bộ trong những năm qua, nhưng nhìn chung trên chặng đường thành công này, đối thủ của Huỳnh Như cùng đồng đội ở các giải đấu vẫn chủ yếu ở Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, Myanmar.
Việc đá với những đội quen thuộc có thể khiến lối chơi, thậm chí cách tiếp cận của cầu thủ Việt Nam rơi vào lối mòn rập khuôn. Đơn cử như đội nữ Philippines ngay khi thay mới đội hình và cách chơi đã thắng Việt Nam tới 4 bàn không gỡ ở bán kết AFF Cup 2022.
Đội tuyển nữ Việt Nam tiến bộ, nhưng đối thủ cũng không đứng yên, mà liên tục thay đổi, dịch chuyển bằng cách thay đổi phong cách huấn luyện, nhập tịch cầu thủ. Muốn vươn lên tầm vóc mới, thầy trò ông Chung cần được va chạm với nhiều trường phái bóng đá khác nhau, từ đó rèn thêm mảng miếng thi đấu.
Ngoài ra, những trận đấu là điều kiện cần để đội tuyển nữ Việt Nam tìm ra thế hệ kế cận. Ở 2 trận gặp Nepal tại Olympic Paris 2024, HLV Mai Đức Chung đã tạo điều kiện cho một số tài năng trẻ ở cả 3 tuyến, nhưng việc chênh lệch đẳng cấp (đối thủ kém 67 bậc) và số trận thi đấu ít ỏi khiến các cầu thủ chưa có nhiều thời gian ghi dấu ấn.
HLV Mai Đức Chung cần làm dày đội hình và trao cơ hội cho thế hệ kế cận, nhưng muốn như vậy, đội tuyển nữ cần thi đấu và thi đấu liên tục để "vỡ" ra nhiều vấn đề chiến thuật và nâng cấp năng lực học trò. Chuyến tập huấn tại Nhật Bản, nền bóng đá nữ hàng đầu châu Á, có thể sẽ giúp ông Chung tìm thấy câu trả lời.
Bình luận (0)