Đội tuyển Việt Nam đau đầu với bài toán… chống ném biên trước Thái Lan

Thiếu Bá
Thiếu Bá
02/01/2025 05:45 GMT+7

Đội tuyển Việt Nam suýt thua với bài ném biên của Singapore. Trước đối thủ Thái Lan ở chung kết AFF Cup, đoàn quân của HLV Kim Sang-sik cần phải đề phòng đòn đánh này từ đối thủ.

Điểm yếu của đội tuyển Việt Nam, điểm mạnh của Thái Lan

Đội tuyển Việt Nam từng thành công khi chống ném biên trước Indonesia ở vòng bảng. Khi đó, chúng ta có đầy đủ sự cảnh giác trước đội bóng sở hữu cầu thủ có khả năng ném biên mạnh và nguy hiểm nhất Đông Nam Á: Pratama Arhan. Cũng khi đó, trong đội hình của đội tuyển Việt Nam có thủ môn Nguyễn Filip có lợi thế lớn về tầm vóc (cao 1,92 m), chơi bóng bổng rất giỏi.

Tuy nhiên, trước Singapore, đội bóng của HLV Kim Sang-sik suýt thua từ những tình huống ném biên như thế này trong cả 2 lượt trận bán kết. Thực tế rằng đội tuyển Việt Nam đã bị thủng lưới sau 1 tình huống ném biên của Singapore trong trận bán kết lượt về (phút 10) trên sân Việt Trì. Trong pha ném biên này, Singapore thực hiện liên tiếp 3 pha đánh đầu: lần lượt từ pha đánh đầu chuyền bóng của trung vệ Baharudin, cho đến các pha đánh đầu dứt điểm của Shawal Anuar và Faris Ramli. Các trung vệ của đội tuyển Việt Nam liên tục thua đối thủ ở cả 3 pha đánh đầu vừa nêu.

Đội tuyển Việt Nam đau đầu với bài toán… chống ném biên trước Thái Lan
- Ảnh 1.

Thái Lan rất mạnh ở khả năng chơi bóng bổng

Ảnh chụp màn hình

May cho đội tuyển Việt Nam là pha ghi bàn nói trên của Singapore không được công nhận, do Faris Ramli rơi vào thế việt vị. Tuy nhiên, đấy là tình huống mà đội tuyển Việt Nam phải cảnh giác, đồng thời may mắn không thể mãi đứng về phía các học trò của HLV Kim Sang-sik, nếu chúng ta tiếp tục thua đối phương trong các pha tranh chấp từ các tình huống ném biên.

Về phía đội tuyển Thái Lan, đội này không thường xuyên sử dụng các tình huống ném biên như cách Indonesia và Singapore vẫn thực hiện trước đội tuyển Việt Nam. Đầu tiên, Thái Lan có khá nhiều phương án tấn công, lối chơi của họ đa dạng. Họ không nhất thiết phải lặp đi lặp lại 1 kiểu hãm thành theo 1 phương án duy nhất, là ném biên mạnh vào khu vực cấm địa của đối phương.

Thứ nhì, trong các trận bán kết với Philippines, Thái Lan không sử dụng cách tấn công như thế, vì Philippines sở hữu hàng phòng ngự cao lớn (bộ tứ vệ của Philippines từng người đều cao trên dưới 1,85 m), chơi đầu giỏi.

Đội tuyển Việt Nam đau đầu với bài toán… chống ném biên trước Thái Lan
- Ảnh 2.

Đội tuyển Thái Lan có chiều cao lý tưởng

Ảnh: ngọc linh

Đội tuyển Việt Nam đau đầu với bài toán… chống ném biên trước Thái Lan
- Ảnh 3.

Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị các phương án đối đầu với Thái Lan

Ảnh: Minh Tú

Tuy nhiên, nếu Thái Lan đã phát hiện ra đội tuyển Việt Nam chống bóng bổng kém, chống các tình huống ném biên kém, họ có khả năng sẽ sử dụng cách chơi này khi đối đầu với chúng ta ở trận chung kết.

HLV Kim Sang-sik chuẩn bị sẵn phương án

Về lý thuyết, đội bóng xứ sở chùa vàng sở hữu những cá nhân lý tưởng cho các pha hãm thành từ các tình huống ném biên. Thái Lan có 2 hậu vệ cánh Nicholas Mickelson và Suphanan Bureerat giàu thể lực, có lực ném bóng mạnh. Họ có các trung vệ Pansa Hemviboon (1,90 m), Jonathan Khemdee (1,90 m), cùng trung phong Patrik Gustavsson (1,84 m) có quá nhiều lợi thế trong các pha không chiến. Thành ra, nếu Thái Lan sử dụng cách tương tự như cách Singapore từng gây khó khăn cho đội tuyển Việt Nam trong các pha ném biên, họ có thể còn nguy hiểm hơn Singapore.

Đội tuyển Việt Nam vì thế cũng phải tính trước phương án phòng ngự cho các pha bóng như thế này. Cựu đội tuyển U.23 Việt Nam, ông HLV Hoàng Anh Tuấn hiến kế: "Để chống các pha ném biên thẳng vào khu vực cấm địa, trước đây tôi thường bố trí các thủ môn đứng cao hẳn lên, chủ động nhảy lên tranh chấp các tình huống tranh bóng trên không như thế này. Các cầu thủ tấn công của đối thủ dù có cao to đến mấy cũng không thể lợi thế bằng đôi tay của các thủ môn.

Đội tuyển Việt Nam đau đầu với bài toán… chống ném biên trước Thái Lan
- Ảnh 4.

Xuân Son được chờ đợi sẽ tỏa sáng trong trận chung kết

Ảnh: Minh Tú

Ngoài ra, vấn đề chính của các đội phòng ngự ở các tình huống ném biên là vấn đề tâm lý. Các pha ném biên dù có mạnh đến mức nào đi chăng nữa cũng không thể nguy hiểm bằng các tình huống tạt bóng bằng chân từ cùng vị trí. Vả lại, các tình huống ném biên không thể nào đưa bóng sang bên kia khu vực 5 m 50 được, nên đội phòng ngự gần như có thể khoanh vùng một số điểm đến của quả bóng để khống chế".

Ở trận bán kết lượt về với Singapore tối 29.12, HLV Kim Sang-sik mấy lần định tung trung vệ Việt Anh vào sân, nhằm tận dụng ưu thế thể hình của trung vệ này (1,85 m) trong việc chống bóng bổng. Có thể đấy cũng là cách để ông Kim chuẩn bị nhân sự cho trận chung kết với Thái Lan. Tiếc rằng các chấn thương liên tiếp của 3 hậu vệ biên Văn Thanh, Xuân Mạnh và Tấn Tài khiến HLV Kim Sang-sik phá sản kế hoạch đưa Việt Anh vào sân.

Dù sao, chi tiết đấy phản ánh vị HLV người Hàn Quốc rất xem trọng khả năng tấn công bóng bổng của Thái Lan. Ông Kim sẽ tìm cách khắc chế điểm mạnh này của đối thủ.

Thăm dò ý kiến

Dự đoán Việt Nam đấu Thái Lan chung kết lượt đi AFF Cup, ngày 2.1.2025 tại Việt Trì

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Xem ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024 trực tiếp & trọn vẹn trên FPT Play, tại: http://fptplay.vn


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.