Đối thủ cực mạnh
Đội tuyển Việt Nam đã khởi đầu tốt dưới thời HLV Philippe Troussier, khi lần lượt đánh bại các đội Hồng Kông (1-0), Syria (1-0) và Palestine (2-0). Toàn thắng 3 trận, ghi 4 bàn và sạch lưới, chiến lược gia người Pháp trở thành một trong những HLV khởi đầu tốt nhất trên cương vị dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.
Bên cạnh kết quả khả quan, đội tuyển Việt Nam cũng đang dần hình thành lối chơi mới. Ý tưởng kiểm soát bóng mà ông Troussier đặt ra được thực hiện ngay từ khâu triển khai bóng ở hàng thủ, các cầu thủ chạy cánh di chuyển linh hoạt sâu xuống biên nhằm kéo giãn hàng phòng ngự đối thủ, hay các tiền vệ, tiền đạo phối hợp đập nhả một chạm khá ăn ý.
Sự xuất hiện nhiều hơn của những đường chuyền ngắn trên phần sân đối thủ, các cầu thủ hoán đổi vị trí liên tục, có tư duy tìm kiếm khoảng trống để xâm nhập,... cho thấy sự chuyển dịch về tư duy của đội tuyển Việt Nam.
Đánh giá sức mạnh các đối thủ của đội tuyển Việt Nam trong tháng 10.2023: Trung Quốc, Uzbekistan, Hàn Quốc
Dù chưa thoát khỏi khuôn khổ lối chơi phản công, tận dụng những đường chuyền xuyên tuyến chớp nhoáng dưới thời HLV Park Hang-seo, nhưng đội tuyển Việt Nam về cơ bản đã có diện mạo mới. Việc cầm bóng tự tin để triển khai lối đá, kiên trì phối hợp tìm khoảng trống (tuy chưa hiệu quả), hay có những miếng phối hợp bóng ngắn đa dạng từ trung lộ đến biên là những bước tiến đáng khích lệ mà thầy trò ông Troussier đang thực hiện từng ngày.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận ở những trận giao hữu đã qua, bên cạnh ưu thế sân nhà, đội tuyển Việt Nam cũng gặp những đội ở trình độ không vượt trội. Đội Hồng Kông luôn ở "cửa dưới", Syria mới thay HLV và mang tới đội hình trẻ, còn Palestine chưa từng nằm trong nhóm hàng đầu Tây Á.
Gặp những đội dưới cơ và ngang tầm, đội tuyển Việt Nam có thể kiểm soát bóng vượt trội và triển khai tấn công tương đối thoải mái. Nhưng, những cuộc so tài trong tháng 10 sẽ rất khác. Ngoài đội Trung Quốc là đối thủ "ngang phân", Uzbekistan và Hàn Quốc đều là những thế lực ở đẳng cấp cao hơn hẳn, sở hữu lối chơi tấn công với cường độ ấn tượng.
Trong khi Uzbekistan tấn công rất nhuyễn nhờ dàn cầu thủ nhanh, khỏe và phối hợp ngắn cực tốt, Hàn Quốc lại chơi trực diện, tấn công bóng bổng hay bóng sệt đều nguy hiểm nhờ những cầu thủ có bộ kỹ năng toàn diện như Son Heung-min (Tottenham), Hwang Hee-chan (Wolverhampton) hay Lee Kang-in (Paris Saint-Germain).
Sức tấn công cực mạnh cùng khả năng kiểm soát bóng điêu luyện của Hàn Quốc, Uzbekistan sẽ là bài kiểm tra nặng ký với đội tuyển Việt Nam. Từ trước đến nay, khi gặp những đội hàng đầu châu Á như Ả Rập Xê Út, Nhật Bản, Úc,... Quang Hải cùng đồng đội thường chơi phòng ngự phản công.
Trước đối thủ quá mạnh, vế phản công rất khó thực hiện, mà các cầu thủ có xu hướng lùi về rất sâu để hạn chế bàn thua. Sẽ rất mạo hiểm nếu chơi đôi công, bởi khoảng trống sau lưng mở ra, tạo điều kiện cho đối thủ khai thác. Ngoài ra, trình độ kỹ chiến thuật của cầu thủ Việt Nam thua kém đối thủ, nên phòng ngự lùi sâu có lẽ là lựa chọn khả dĩ nhất.
Tìm đấu pháp phù hợp
HLV Troussier đã khẳng định quan điểm chiến thuật, rằng "đấu với Lào sẽ khác đấu với Brazil, do đó cần linh hoạt tùy theo đối thủ". Trước đối thủ mạnh, đội tuyển Việt Nam vẫn sẽ chơi kiểm soát, nhưng cụm từ "kiểm soát" ở đây cần hiểu rằng chỉ là tiêu chí hướng tới.
Tức là khi có bóng, cầu thủ sẽ cố gắng kiểm soát nhịp độ, triển khai bóng tuần tự để phá vỡ áp lực của đối thủ. Các pha tấn công cũng sẽ được thực hiện bài bản, có tính toán, thay vì chuyền dài hay tạt cánh thuần túy.
Còn khi không có bóng, đội tuyển Việt Nam phải kiểm soát được không gian, không thể chỉ lùi về chống đỡ bằng số đông, mà biết cách pressing hiệu quả, gây áp lực phù hợp ở từng khu vực, vừa hạn chế được sức mạnh, vừa giữ được quyền chủ động để tổ chức phản đòn ngay khi giành lại bóng.
Ông Troussier cũng nhấn mạnh, đội tuyển Việt Nam cần thu hẹp cách biệt về tỷ lệ kiểm soát khi gặp các đội mạnh, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả với từng ấy thời lượng cầm bóng.
Suy cho cùng, tầm nhìn của HLV Troussier cũng giống HLV Park, đó là lựa chọn định hướng phù hợp với năng lực cầu thủ và tối ưu những lợi thế có được trong đấu pháp. Dù vậy, HLV Troussier yêu cầu sự chủ động cao hơn, muốn học trò phải phối hợp nhuyễn, chịu áp lực lớn hơn, đồng thời tự tin cầm bóng trước đối thủ mạnh.
Lối chơi này đòi hỏi bề dày bản lĩnh cũng như sự tiến bộ vượt bậc của từng cầu thủ về tư duy chiến thuật lẫn kỹ năng chơi bóng. Đó là những yếu tố mà ông Troussier tin rằng có thể cải thiện thông qua tập luyện, thi đấu.
3 trận đấu ở tháng 10 sẽ là thước đo cho hiệu quả của triết lý kiểm soát, trước khi "Phù thủy trắng" có góc nhìn toàn cảnh về năng lực đội tuyển Việt Nam và hoàn thiện đấu pháp cho vòng loại World Cup 2026.
Bình luận (0)