Diện mạo chưa hoàn chỉnh
HLV Kim Sang-sik có khởi đầu tròn trịa cùng đội tuyển Việt Nam, khi cùng học trò thắng Philippines và thua Iraq với thế trận chấp nhận được. Trong bối cảnh đội bóng của ông Kim Sang-sik đang xuống sức do mật độ thi đấu khắc nghiệt, đá được như vậy là thành công.
Tuy nhiên xét về đường dài, đội tuyển Việt Nam còn nhiều cái thiếu. Một trong số đó là khả năng phòng ngự. Thông số 5 bàn thua sau 2 trận chỉ là bề nổi, khi các học trò của HLV Kim Sang-sik bộc lộ nhiều vấn đề hơn thế.
Hàng thủ dễ tổn thương ở các pha chống phản công (trận gặp Philippines), hay đuối sức trong các pha đeo bám, đấu tay đôi, phối hợp bọc lót để ngăn chặn các pha xâm nhập trung lộ (trận gặp Iraq).
Điểm dễ thấy trong cách dùng người của HLV Kim Sang-sik ở hàng phòng ngự là trọng dụng các cựu binh - vốn là những người đã quen với sơ đồ 3-4-3 quen thuộc dưới thời HLV Troussier và Park Hang-seo. Đỗ Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình... đều được tin dùng.
Đây đều là những nhân tố đã tạo nên hàng phòng ngự chắc chắn mang thương hiệu Park Hang-seo, phá vỡ các kỷ lục phòng ngự ở AFF Cup (3 giải đấu liền sạch lưới ở vòng bảng, lọt vào chung kết với thành tích sạch lưới năm 2022) hay chỉ để thủng lưới 4 bàn sau 8 trận ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022.
Bài toán cho HLV Kim Sang-sik sau vòng loại World Cup
Khối phòng ngự trứ danh đã đưa đội bóng của ông Park bay cao, đạt nhiều thành tựu. Song dưới thời HLV Troussier và giai đoạn đầu ông Kim Sang-sik huấn luyện, sự chắc chắn gần như không còn.
Bên cạnh chiến thuật, yếu tố chủ chốt khiến hàng thủ đội tuyển Việt Nam lỏng lẻo nằm ở phong độ trụ cột. HLV Park Hang-seo từng phân tích: các hệ thống phòng ngự đều vận hành dựa trên khả năng phối hợp ăn ý giữa các hậu vệ, dù vậy ở sơ đồ 3 trung vệ, các cầu thủ cần có thể lực, sức mạnh để tranh chấp trực diện nhiều hơn là sơ đồ 4 hậu vệ.
Ở giai đoạn đỉnh cao, Duy Mạnh, Tiến Dũng hay Việt Anh đều đủ tố chất vận hành sơ đồ này, song khi các hậu vệ bắt đầu suy giảm phong độ, vấn đề đã lộ ra. Duy Mạnh vật lộn với chấn thương, chỉ vừa mới trở lại. Việt Anh sa sút ở CLB Công an Hà Nội, mắc nhiều sai lầm. Tiến Dũng, Thanh Bình chỉ chơi ở mức vừa phải trong màu áo CLB Thể Công Viettel.
HLV Kim Sang-sik 'đào vàng'
Nếu hàng công là nơi đội tuyển Việt Nam liên tục chào đón nhân tố mới, tuyến phòng ngự nhiều năm qua lại là chuyện của những "người cũ".
Cả HLV Park Hang-seo và Troussier đều chọn một bộ khung phòng ngự rồi tin tưởng đến cùng. Ông Park đã thành công khi dàn hậu vệ chơi ấn tượng. Còn với HLV Troussier, vấn đề chiến thuật cộng với hậu vệ sa sút khiến đội tuyển Việt Nam tụt lùi.
Chưa biết HLV Kim Sang-sik sẽ đi con đường nào, nhưng thay đổi là điều khó tránh. Đội tuyển Việt Nam cần thêm làn gió mới ở hàng thủ, với những hậu vệ để tăng cường năng lực cạnh tranh. Nếu như vị trí thủ môn đang là cuộc đua không khoan nhượng giữa Nguyễn Filip và Đặng Văn Lâm, hàng thủ cũng cần sự ganh đua quyết liệt tương tự.
Một trong những gương mặt tiềm năng là Trần Đình Trọng. Cầu thủ sinh năm 1997 đã chơi 17 trận mùa này, góp công lớn giúp CLB Bình Định đứng nhì bảng. Đình Trọng chủ yếu chơi tiền vệ phòng ngự, nhưng anh từng là trung vệ thép nhờ khả năng đọc tình huống, kèm người và bọc lót tốt. Khả năng chỉ huy hàng thủ và lối chơi thông minh của Đình Trọng là "chất keo" HLV Kim Sang-sik có thể cân nhắc để xây nền cho hàng phòng ngự.
Nguyễn Thành Chung, hậu vệ dày dạn của CLB Hà Nội, cũng là phương án tiềm năng, với khả năng không chiến và đọc tình huống tốt. CLB Hải Phòng cũng sở hữu một trung vệ tốt, đó là Đặng Văn Tới với 19 trận ra sân, cùng đội nhà đang đứng trong tốp 4.
Chuyện các đội V-League ưa dùng tiền đạo ngoại có thể khiến các chân sút nội bị thu hẹp đất diễn. Tuy nhiên với các trung vệ nội, đó lại là cơ hội vàng để được trau dồi nhờ đối đầu liên tục với các ngoại binh nhanh, khỏe. Bóng đá Việt Nam đã sản sinh ra nhiều trung vệ giỏi trong 5 năm qua. Nếu ông Kim mở rộng vùng lựa chọn, hàng thủ đội tuyển sẽ có thêm "bột" để gột nên "hồ".
Bình luận (0)