Hàng thủ mong manh
Đội tuyển Việt Nam đã thắng CLB Nam Định với tỷ số 3-2 trong trận đấu tập ngày 9.10, để tạm khép lại chuỗi 3 trận thua liên tục dưới thời HLV Kim Sang-sik.
Màn thể hiện tốt của các sao trẻ như Nguyễn Thái Sơn, Bùi Vĩ Hào với 3 bàn thắng giúp nhà cầm quân người Hàn Quốc có thêm lựa chọn. Tuy nhiên, ngược lại với tín hiệu vui từ hàng công, là sự mong manh đáng báo động ở hàng thủ.
Đội tuyển Việt Nam nhận 2 bàn thua trước Nam Định, qua đó nối dài chuỗi trận thủng lưới từ khi HLV Kim Sang-sik nắm quyền lên con số 5. Nếu tính cả giai đoạn HLV Philippe Troussier còn nắm quyền, lần gần nhất đội tuyển Việt Nam sạch lưới là... 1 năm trước, trong trận thắng 2-0 trước Philippines ở vòng loại World Cup 2026 diễn ra vào tháng 11.2023.
Từ sau trận thắng Philippines năm ngoái cho đến nay, các thủ môn Nguyễn Filip và Đặng Văn Lâm đã thay nhau vào lưới nhặt bóng tới 27 lần trong 10 trận gần nhất. Còn riêng dưới thời HLV Kim Sang-sik, số bàn thua là 12 bàn sau 5 trận. Trong đó, chưa trận đấu nào đội tuyển Việt Nam phải nhận dưới 2 bàn thua.
Hàng thủ đội tuyển Việt Nam không chỉ yếu kém trên số liệu. Màn thể hiện của các cầu thủ cũng đáng báo động, với những bàn thua đến từ nhiều kịch bản khác nhau: sút xa, phối hợp trung lộ, bóng bổng, phản công và sai lầm cá nhân. Trong đó, các bàn thua bóng bổng xuất hiện nhiều hơn cả. 5 trong số 12 bàn thua đội tuyển Việt Nam phải nhận thời HLV Kim Sang-sik xuất phát từ các tình huống lật cánh đánh đầu.
Ở trận gặp Nam Định ngày 9.10, hàng thủ của ông Kim hoàn toàn mất phương hướng, khi đối thủ tung ra 7 ngoại binh cùng 1 cầu thủ nhập tịch, để liên tục "không kích" cầu môn Văn Lâm và Nguyễn Filip. Trước những ngoại binh cơ bắp và tranh chấp ấn tượng, các hậu vệ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong khâu bọc lót, kèm người.
2 bàn thua đội tuyển Việt Nam phải nhận ở trận này đều đến từ bóng bổng. Tấm khiên kiên cố thời HLV Park Hang-seo đã đổ vỡ, buộc ông Kim phải đóng vai "thợ hàn" để sửa chữa.
Cần sớm vá lỗ thủng
Chuyện gì đã xảy ra với hàng phòng ngự từng thiết lập nhiều cột mốc, thống kê ấn tượng khi HLV Park Hang-seo còn nắm quyền?
Trước tiên, các hậu vệ đã sa sút phong độ. Trong tay HLV Kim Sang-sik là những hậu vệ trẻ tiềm năng như Nguyễn Thanh Bình và Bùi Hoàng Việt Anh, nhưng cần thời gian tích lũy kinh nghiệm và "độ lạnh" để đạt đến đẳng cấp đàn anh. Trong khi đó, Giáp Tuấn Dương còn quá trẻ. Anh có kỹ năng, sức mạnh và tốc độ, nhưng bị HLV Alexandre Polking nhận định rằng chơi "cậy sức", đôi khi quyết liệt thái quá.
Thủ quân Quế Ngọc Hải mới trở lại sau chấn thương, còn Nguyễn Thành Chung tuy chất lượng, nhưng số lần khoác áo tuyển trong 1 năm qua là không nhiều. Cả hai đã khẳng định năng lực, song cần thời gian để hòa nhập trở lại với nhịp thi đấu đỉnh cao, đặc biệt trong các trận đấu quốc tế với cường độ, áp lực lớn hơn nhiều so với V-League.
Ở hai biên, HLV Kim Sang-sik cũng thiếu phương án tin cậy. Phan Tuấn Tài, Nguyễn Phong Hồng Duy (trái) hay Vũ Văn Thanh, Phạm Xuân Mạnh (phải) đều chưa hỗ trợ phòng ngự ổn định.
Lý do thứ hai, là bộ khung phòng ngự đội tuyển Việt Nam thay đổi liên tục theo từng trận. Các cầu thủ thay nhau đá chính, ngồi dự bị, phải luân chuyển nhiều vị trí dẫn đến mất ổn định. Trong hầu hết bàn thua, hậu vệ Việt Nam đã liên lạc và bọc lót không tốt, để khoảng trống mênh mông cho đối thủ tận dụng.
Cuối cùng, đội tuyển Việt Nam đã chơi theo hướng chủ động hơn. Các hậu vệ phải kiểm soát bóng, thực hiện nhiều đường chuyền có độ rủi ro cao để triển khai lối chơi. Hàng thủ cũng được đẩy lên cao hơn, đồng nghĩa sau lưng hậu vệ là khoảng trống vời vợi.
Dường như, các hậu vệ Việt Nam chưa thích nghi với cách đá này. Thói quen đá phòng ngự lùi sâu, "bo kín" vòng cấm vẫn tồn tại ở nhiều cầu thủ. Khi buộc phải đẩy cao đội hình, hàng thủ mất kiểm soát, từ đó mắc sai lầm thường xuyên hơn.
Khi lối chơi mới chưa mang lại ưu điểm cụ thể, mà nhược điểm cứ xuất hiện ngày một nhiều, HLV Kim Sang-sik cần tính toán kỹ. Ở AFF Cup 2024, không được có chỗ cho sai lầm nếu đội tuyển Việt Nam muốn tối thiểu vào chung kết.
Bình luận (0)