Thanh lọc toàn diện
HLV Philippe Troussier đã công bố danh sách 33 tuyển thủ Việt Nam chuẩn bị cho 3 trận giao hữu trong tháng 10, lần lượt gặp Trung Quốc (10.10), Uzbekistan (13.10) và Hàn Quốc (17.10). Đây cũng là loạt giao hữu cuối, trước khi đội tuyển Việt Nam đá vòng loại World Cup 2026.
Trong danh sách cầu thủ mà ông Troussier lựa chọn, có thể chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 gồm các cựu binh đã quen mặt dưới thời HLV Park Hang-seo, có thể kể tới Văn Lâm, Hoàng Đức, Hùng Dũng, Quang Hải, Tuấn Anh, Văn Hậu, Duy Mạnh, Ngọc Hải, Tuấn Hải, Tiến Linh, Văn Toàn,...
Còn nhóm 2 gồm những gương mặt mới lên tuyển, phần lớn xuất phát từ đội U.23 Việt Nam mà ông Troussier mới huấn luyện từ đầu năm nay như Văn Toản, Văn Đô, Đức Phú, Thái Sơn, Đình Bắc, Văn Cường, Duy Cương, Minh Trọng, Văn Tùng, Thanh Nhàn, Vĩ Hào,...
Đây là bản danh sách thể hiện rõ quan điểm dụng binh của ông Troussier, đó là ranh giới giữa đội tuyển quốc gia và U.23 chỉ tồn tại trên lý thuyết. Trong các đợt hội quân hồi tháng 6 và tháng 9, ông từng xếp hai đội tuyển trên cùng một mặt sân tập, thực hiện chung giáo án, đánh giá chung bằng một tiêu chuẩn.
Việc thu ngắn cách biệt giữa lứa cũ và lứa mới là cầu nối mà "Phù thủy trắng" xây nên để lớp trẻ (lứa cầu thủ sinh từ năm 2000 đến 2003) phả hơi nóng cạnh tranh vào các đàn anh. Một mặt, đội tuyển Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ thử sức, đó là lực lượng sẽ đóng vai trụ cột trong tương lai gần. Mặt khác, các cầu thủ thuộc lứa cũ (sinh từ năm 1993 đến 1999) phải rất nỗ lực để giữ vị trí.
Với một HLV mới cùng triết lý mới, không còn cái tên nào được đảm bảo vị trí. Minh chứng là lực lượng trụ cột mà HLV Park Hang-seo ưa dùng trước đây đã "rơi rụng" khoảng 6 - 8 cái tên.
Sự xuất hiện của hàng loạt cầu thủ trẻ cũng báo hiệu cho cuộc chuyển giao tất yếu, tuy nhiên việc thay đổi liên tục có thể ảnh hưởng đến thành tích, trong bối cảnh vòng loại World Cup 2026 đã ở rất gần.
Việc xây dựng lộ trình điều chỉnh con người và lối chơi cho phù hợp với từng giai đoạn của HLV Troussier là yếu tố cốt lõi, định đoạt thành bại của đội tuyển Việt Nam trong 6 tháng tới.
Định hình lối chơi
Cách đây 5 năm, HLV Park Hang-seo cũng thanh lọc triệt để đội tuyển Việt Nam, khi đưa hàng loạt trụ cột tạo nên kỳ tích ở giải U.23 châu Á 2018 lên thay thế đàn anh.
Dù vậy, cuộc cách tân của ông Park đã thành công bởi hai điểm quan trọng. Thứ nhất, lứa Quang Hải, Công Phượng, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu thực tế đã "ăn cơm tuyển" từ trước đó và khẳng định năng lực ở cả giải trẻ lẫn V-League. Đó là lứa cầu thủ đã đạt độ chín về chuyên môn và kinh nghiệm, nên lập tức chứng tỏ giá trị khi thế chỗ đàn anh.
Thứ hai, ông Park có một giải đấu "vùng đệm" trước khi thay máu đội tuyển, đó là ASIAD 18. Khi ấy, ông đã triệu tập 3 cầu thủ quá tuổi gồm Ngọc Hải, Hùng Dũng và Văn Quyết đá cùng lứa U.23 để tạo thành đội Olympic Việt Nam.
Mối dây liên kết giữa lứa cũ và lứa mới đã hình thành cùng nhau ở giải đấu này, để rồi sau đó đội tuyển Việt Nam thành công mỹ mãn ở AFF Cup 2018.
Nhưng hiện tại, lứa trẻ của ông Troussier thiếu cả hai điểm nói trên. Dàn cầu thủ U.23 hầu như chưa chứng tỏ được năng lực ở cấp độ CLB lẫn giải trẻ (chỉ giành HCĐ SEA Games), rất ít cầu thủ được trọng dụng ở V-League.
Nếu ông Park có giải ASIAD 18 là bước đệm chuyển giao, đội tuyển Việt Nam chỉ còn 3 trận giao hữu, với khoảng 15 ngày tập luyện để kết hợp lứa cũ và lứa mới.
Những trận giao hữu trong tháng 6 và tháng 9 cho thấy HLV Troussier còn nhiều việc phải làm, khi giữa các cầu thủ vẫn tồn tại độ chênh nhất định về trình độ và phong cách thi đấu.
Các trận đấu trong tháng 10 sẽ đóng vai trò rất quan trọng, khi chiến lược gia người Pháp phải thử nghiệm đội hình, tìm kiếm ý tưởng chơi bóng mới và sàng lọc một lần nữa năng lực của từng cầu thủ, trước khi đúc rút nên đội hình mạnh nhất.
Một núi công việc đang chờ ông Troussier. Đội tuyển Việt Nam của "Phù thủy trắng" đã sẵn sàng chuyển giao, nhưng suôn sẻ hay không lại là câu chuyện rất khác.
Bình luận (0)