12 năm liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi trường chuyên Nam Định, cậu học trò Đỗ Xuân Bách còn khiến bạn bè trong lớp phải "nể" về thành tích trong môn Toán: Giải khuyến khích tỉnh Nam Định năm lớp 5; Giải nhì tỉnh năm lớp 8; Giải ba Quốc gia và Giải nhất Olympic Toán Amsterdam năm lớp 11; Giải nhì Quốc gia lớp 12.
Đặng Ngọc Thanh cũng là học sinh giỏi 12 năm, từ lớp 5 đến lớp 12, năm nào em cũng giành được giải nhất, giải nhì học sinh giỏi Toán toàn tỉnh Quảng Bình. Riêng năm lớp 12, Thanh đoạt được giải khuyến khích Quốc gia. Liên tục từ lớp 5 đến lớp 10, cậu học trò đến từ trường chuyên Hải Dương đều giành được giải nhất, nhì học sinh giỏi Toán của tỉnh. Em còn giành được giải ba Quốc gia lớp 11 và giải khuyến khích Quốc gia lớp 12. Năm lớp 10, Nguyễn Xuân Chương đoạt giải ba học sinh giỏi Toán tỉnh Vĩnh Phúc, em còn giành được Huy chương vàng Singapore mở rộng và Huy chương vàng trại hè Hùng Vương dành cho học sinh giỏi Toán. Lên lớp 11, Chương vươn lên giành giải nhì Toán của tỉnh, đoạt giải nhì quốc gia năm lớp 12. Hai cậu học sinh mới học lớp 11 là Phạm Duy Tùng và Lê Ngọc Sơn cũng tỏ ra không thua kém các "anh".
Phạm Duy Tùng là học sinh duy nhất của Hà Nội lọt vào đội tuyển. Em liên tục đoạt giải nhì giỏi Toán của thành phố các năm lớp 5, lớp 9, giải nhất Olympic Toán Amsterdam năm lớp 10 và Giải nhì Quốc gia lớp 11. Nhỏ tuổi nhất đội tuyển Việt Nam tham dự IMO 2007 lần này là Lê Ngọc Sơn, trường chuyên Bắc Giang. Em đã giành giải nhất học sinh giỏi Toán tỉnh Bắc Giang năm lớp 9, giải ba Quốc gia năm lớp 11.
Trưởng đoàn đội tuyển Việt Nam, thầy Vũ Đình Hòa tâm sự: "Lần đầu tiên đội tuyển Toán Việt Nam được "đá" trên sân nhà nhưng không được hưởng lợi một chút. Theo quy định, nước chủ nhà không được ra đề thi chính thức, mà chỉ được tham gia chọn 30 đề vòng ngoài và chấm bài đội tuyển các nước, vì vậy năm nay các cán bộ Viện Toán không thể giảng dạy các em. Về năng lực của đội tuyển, khó có thể so sánh đội tuyển năm nay so với những năm trước, kể cả chất lượng bài thi cũng khó so sánh độ khó dễ giữa các năm được, nhưng theo đánh giá của chúng tôi, thành tích đội tuyển năm nay có thể bằng hoặc cao hơn năm trước. Thi toán cũng mang những màu sắc của thể thao, tức là khó đoán trước và nó đem lại sự bất ngờ. Bản thân tôi đã 5, 6 lần đưa đội tuyển Toán của Việt Nam "mang chuông đi đấm xứ người" thấy rằng, em nào có phong cách thể thao, hay chơi thể thao thường có kết quả tốt...".
Sáng 17.7, thầy và trò kéo nhau vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám thắp hương trước ngày thầy Hòa phải chia tay đội tuyển xuống Hạ Long (các trưởng đoàn ở cách ly tại Hạ Long), nhưng trước đó mấy ngày các cậu bé đã "lén" đến Văn Miếu "xoa đầu rùa" để xin thi đạt kết quả tốt. Chỉ còn cách ngày thi chính thức (25, 26.7) gần 1 tuần nữa, các cậu bé vẫn phải duy trì thời gian luyện tập cao: sáng học 3 tiếng, chiều 3 tiếng, buổi tối tự học tại phòng. Được ngồi ăn trưa với thầy và trò của đội tuyển Việt Nam trong một quán ăn đậm phong cách người Việt sau chuyến đi chơi ở Văn Miếu về, dường như chẳng có mấy khó khăn để có thể đọc được niềm vui sắp được thử sức ở một cuộc thi tầm cỡ đang dâng đầy trong đôi mắt các em. Đỗ Xuân Bách hồ hởi cho biết, em cảm thấy tâm lý rất thoải mái vì "các bác" ở Bộ GD-ĐT và các thầy trưởng, phó đoàn không đặt ra chỉ tiêu huy chương cho đội, mà chỉ muốn tạo cơ hội cho các em được thử sức hết khả năng của mình. Còn cậu bé Phạm Duy Tùng hấp háy đôi mắt biết cười: "Em sẽ giành được huy chương"!
Thu Hồng
Bình luận (0)