Đời vận động viên: Nỗi lo tàn tật và món nợ khổng lồ

11/11/2015 08:16 GMT+7

Vũ Bích Hường, người đầu tiên mang lại tấm HCV danh giá cho điền kinh VN trên đường chạy vượt rào 100 m tại SEA Games 1995, đang phải chống chọi với bệnh tật và nguy cơ không còn mái nhà để ở.

Vũ Bích Hường, người đầu tiên mang lại tấm HCV danh giá cho điền kinh VN trên đường chạy vượt rào 100 m tại SEA Games 1995, đang phải chống chọi với bệnh tật và nguy cơ không còn mái nhà để ở.

Vũ Bích Hường - Ảnh: Lê Nam
Vũ Bích Hường - Ảnh: Lê Nam
Gặp lại Vũ Bích Hường vài tháng sau khi bài báo Đường đời đầy nước mắt của cựu nữ hoàng điền kinh đăng trên Thanh Niên Online gây xúc động cho rất nhiều độc giả, chị vẫn gầy như thế. Mắt trũng sâu, da sạm lại, chị ít khi cười vì những cơn đau có dấu hiệu nặng hơn vào thời gian này, khi Hà Nội bắt đầu chuyển rét.
“Tôi vẫn bền bỉ đi bấm huyệt tại một người quen. Ai bảo chữa gì, ở đâu tôi cũng làm theo. Cái chân vẫn tập tễnh đi được, đi đâu cũng phải mang theo nẹp cột sống, nhưng vẫn đau lắm”, Bích Hường nhăn mặt.
Đau chồng đau
Vụ tai nạn giao thông hồi trước Tết 2015 đã khiến chị bị sụp đốt sống 4, 5. Thời gian đó, Bích Hường tưởng bị liệt suốt đời khi chân trái của chị bỗng teo nhỏ lại, không còn cảm giác. Cái lưng đau điên dại, tưởng có thể lăn lộn mà chết ngất đi được. Chị di chuyển bằng cách bò lồm cồm trên sàn nhà, mỗi khi ăn phải nằm dài, chống 2 khuỷu tay xuống sàn nhà và tự xúc ăn. Những bữa cơm chan đầy nước mắt như thế kéo dài hàng tháng trời. Bích Hường không muốn các con lo lắng nên âm thầm chịu đựng những đau đớn. Cho đến khi, một bài báo rồi nhiều bài báo viết về chị. Người ta mới vỡ lẽ đời VĐV sau khi giải nghệ bi kịch đến nhường nào.
Vũ Bích Hường vất vả từ tấm bé. Lấy chồng rồi vẫn theo nghiệp VĐV. Sinh 2 con rồi vẫn phăng phăng trên đường chạy. Con trai thứ 2 của chị, sinh năm 2004, bị rối loạn tâm lý, cháu dễ bị nổi nóng, không kiểm soát được hành vi. Bao nhiêu tiền chạy chữa cho con trai út cũng không khả quan. 3 năm trước, chồng Vũ Bích Hường, người đàn ông trụ cột, chỗ dựa vật chất và tinh thần cho cả gia đình chị bỗng đột ngột qua đời vì ung thư. Gia sản trong nhà đội nón ra đi cùng chồng. Ngày chồng mất, con trai chị vẫn cởi trần, nhìn trời, cười hềnh hệch. Cứng rắn như Bích Hường cũng đã có lúc nghĩ đến buông xuôi.
Nợ chồng nợ
Căn nhà nhỏ xíu trong khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại Việt Hưng, Q.Long Biên, Hà Nội mà Vũ Bích Hường và các con đang ở là do Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội hỗ trợ mua giúp theo hình thức trả góp. Mỗi tháng, Hường phải trả 7,6 triệu đồng. Thế nhưng, bệnh tật và biến cố ập xuống liên tiếp, Hường “bó tay” với các khoản nợ. Đến bây giờ, món nợ vẫn treo trên đầu 3 mẹ con chị là 279 triệu đồng.
“Tôi không biết làm sao. Tôi được sức khỏe như thế này là nhờ anh em, bạn bè, những người hảo tâm ở khắp nơi thấy hoàn cảnh mình khó khăn đã chung tay giúp đỡ. Đó là ân tình mà không biết bao giờ tôi trả nợ xong. Còn cái nhà, nếu mẹ con, bà cháu bị đuổi ra ngoài đường thì cũng đành chịu”, Bích Hường bộc bạch.
Ngọc Quang, con trai Vũ Bích Hường, VĐV điền kinh tuyển quốc gia vẫn tiếp tục công việc của một VĐV. Còn vợ Quang thời gian này đang mang bầu đứa con thứ 2. Kinh tế gia đình Vũ Bích Hường lâm vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Điều an ủi Bích Hường là con cháu khỏe mạnh, yên ấm. Con trai út của Bích Hường thời gian này sức khỏe đã tốt hơn, cháu chịu khó đến lớp, nghe lời thầy cô.
Hằng ngày, chị đi bấm huyệt, mua thuốc men nhờ cả vào số tiền mà độc giả khắp nơi giúp đỡ. Nỗi niềm canh cánh trong chị là một tương lai lâu dài cho cả mình và cậu con trai út đang tuổi lớn. “Tôi chỉ mong bây giờ cái lưng mình khỏe lại, rồi xin đâu đó được một công việc nhẹ nhàng, phù hợp, tự kiếm được tiền nuôi bản thân mình và con trai”, Bích Hường khẽ nói. “Nhưng giờ chị đi lại còn khó khăn cơ mà”, chúng tôi hỏi và chị trả lời dứt khoát: “Tôi tin là mình kiên trì tập luyện thì sẽ khỏi. Tôi là linh dương đen không gục ngã cơ mà”.
Vũ Bích Hường sinh năm 1969 tại Hà Nội. Thành tích của chị nổi danh cả Đông Nam Á khi tại SEA Games 1995 diễn ra ở Thái Lan khi giành HCV ở môn chạy vượt rào 100 m, vượt qua huyền thoại Elma Muros người Philippines. Sau đó, chị còn 4 lần đoạt HCB SEA Games vào các năm 1997, 1999, 2001, 2003. Đến năm 2010, chị mới nghỉ thi đấu để chuyên tâm cho công việc HLV tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.