Gia đình nhà vô địch SEA Games môn điền kinh Nguyễn Thị Thanh Phúc và em trai Nguyễn Thành Ngưng gần 15 năm nay sống giữa khu nghĩa địa hơn 10.000 ngôi mộ tại thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang của TP.Đà Nẵng.
Hai chị em sống giữa khu nghĩa địa - Ảnh: N.V.C.C
|
Mấy chục năm về trước, khi nên vợ chồng, bố mẹ Phúc đã tự khai hoang vùng đất núi và xây nhà để ở. Nhưng đến năm 2000, Đà Nẵng lấy khu vực nhà Phúc đang sinh sống làm nghĩa trang thành phố. Thôn Hòa Khê được giải tỏa dần nhưng hiện vẫn còn khoảng 150 hộ, trong đó ngôi nhà cấp 4 của gia đình Phúc gần cạnh nhà thờ nên chưa thể di dời, lọt thỏm giữa khu nghĩa địa với hơn 10.000 ngôi mộ mới lẫn cũ. Từ nhà Phúc đến ngôi mộ mới nhất chưa đầy... 20 m, chưa kể còn nằm gần nhà hỏa táng An Phước Vũ.
Phúc chia sẻ với PV Thanh Niên giọng rầu rầu: “Ngày nào cũng có người qua đời nên nếu ở nhà, ngày nào chị em tôi cũng được chứng kiến cảnh chôn cất. Ban đêm, lắm khi còn không dám đi vệ sinh vì sợ. Nhà cửa bị bao trùm bởi từng đấy ngôi mộ nên tâm trạng cũng khá bất an. Nỗi lo lắng nhất là vào dịp nắng nóng hay mưa bão phải chịu cảnh ô nhiễm trầm trọng. Trước đây, gia đình tôi và hàng xóm còn dùng nước giếng nhưng hiện tại nguồn nước không thể dùng được nữa nên đang phải dùng nước bình 20 lít để sinh hoạt”.
Đà Nẵng vốn được xem là thành phố đáng sống nhất VN, nhưng cảnh một tài năng như Thanh Phúc đang phải “tạm trú” ở căn nhà có “địa thế” đặc biệt như thế, quả cũng đáng suy nghĩ. Chất lượng sống bị ảnh hưởng lớn và gia cảnh của Phúc cũng khá khó khăn. Cô và em trai của mình phải cưu mang gần như toàn bộ các thành viên trong nhà. Bố mẹ Phúc trước đây làm nông rồi có thời gian đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy, thu nhập rất bấp bênh. Giờ cả hai đã có tuổi nên sức lao động giảm sút, phải trông chờ vào các con. Phúc còn phải nuôi hai em nhỏ. Anh trai của Phúc làm thợ xây mộ, cũng chẳng dư dả mấy.
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, hai chị em Phúc vừa sang Trung Quốc tập huấn được hơn một tuần. Cô nói: “Tôi đã tốt nghiệp đại học và đang chú tâm tập luyện để chuẩn bị tốt nhất cho việc lần thứ 2 đạt chuẩn tham dự Olympic tại Brazil vào mùa hè năm sau. Tôi cảm thấy rất lo lắng mỗi khi thi đấu và tập luyện xa nhà vì sức khỏe của bố mẹ không được tốt. Uớc mơ đưa bố mẹ đến ở một nơi có không gian trong lành hơn, không phải chịu ảnh hưởng từ khu nghĩa trang đang quá xa vời. Bởi số tiền dành dụm được nhờ các thành tích trong nước và quốc tế, tôi chu cấp gần như toàn bộ cho gia đình. Căn nhà cấp 4 vì xây dựng đã lâu nên xuống cấp và có thể sập bất cứ lúc nào”.
Nhà vô địch SEA Games bày tỏ nguyện vọng: “Hiện Đà Nẵng đã có cơ chế hỗ trợ nhà ở xã hội và giải quyết việc làm cho VĐV sau giải nghệ. Nhưng tôi vẫn còn đam mê cống hiến và tự thấy mình vẫn còn đạt phong độ tốt nên chưa muốn giã từ sự nghiệp. Tôi vẫn khát khao đạt thêm nhiều thành tích hơn nữa cho đất nước, cho địa phương. Nhưng tôi lại không nằm trong diện được ưu tiên. Tôi chỉ mong ước mơ của mình sớm thành hiện thực”.
Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng, nói: “Theo chính sách chung của toàn quốc, TP.Đà Nẵng không cấp nhà, cấp đất cho VĐV nhưng có chính sách cho VĐV mua nhà chung cư (dạng nhà ở xã hội) hoặc thuê nhà. VĐV cống hiến đến đâu chúng tôi ưu đãi đến đấy nhưng không có sức để cưu mang cả nhà VĐV mà chỉ cá nhân VĐV đó thôi. Chúng tôi biết nhà Phúc ở nghĩa địa nhưng Phúc chưa có đơn đề đạt”.
Nguyễn Thị Thanh Phúc sinh năm 1990, là VĐV xuất sắc của nội dung đi bộ. Cô đã được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Năm 2012, Phúc đạt chuẩn B và tham dự Olympic London. Phúc từng giành HCB châu Á. 3 kỳ vô địch SEA Games các năm 2011, 2013, 2015. 9 năm vô địch giải trong nước và giữ nhiều kỷ lục quốc gia.
Em trai của Phúc, tuyển thủ Nguyễn Thành Ngưng, từng đoạt HCĐ nội dung đi bộ nam tại SEA Games 26 năm 2011.
|
Bình luận (0)