Tâm sự với chúng tôi, cô Trần Thị Hoa (61 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) kể lại một kỷ niệm không vui khi đóng vai quần chúng (extras) của mình: "Lần đó mọi người đi tìm mua cơm, mà khu vực quay lại không có bán. Quá trưa, ai cũng đói. Có một bạn extras xin quay trước để về sớm. Vậy là mọi người bị chửi lây luôn".
Cô Trần Thị Hoa (áo trắng) và chú Lê Ngọc Toàn (áo đỏ) tham gia một phim cổ trang |
NVCC |
"Lần khác, một bạn trẻ trong ê-kíp đoàn kêu nhóm diễn viên quần chúng vào khu vực quay nhưng lại gọi: Kêu đám quần chúng đó vô đây”, cô Hoa nhớ lại.
“Hơn 10 năm trước, có lần đi quay ở quận 2, vợ chồng cô cùng khoảng 10 bạn đóng vai quần chúng nữa, bị cậu trợ lý đạo diễn bực dọc: Bọn mày cút xéo hết đi. Quần chúng như bọn mày, tao chỉ cần gọi một tiếng là cả vạn người đến đóng. Nghe tủi thân lắm. Nhưng mình làm nghề thì dần phải chấp nhận, hoặc phải chịu những câu từ khó nghe”, cô Hoa kể thêm.
Chú Lê Ngọc Toàn (nghệ danh: Lê Toàn, chồng cô Hoa), cũng có gần 20 năm đóng vai phụ, vai quần chúng cho biết: “Nói chung nghề nào cũng vậy, có người này người kia. Có đoàn phim đàng hoàng lắm, tôn trọng extras, gọi tử tế: Mời cô chú anh chị vô đóng. Nhưng cũng có người dùng lời lẽ nặng hơn. Phải chấp nhận thôi, chứ muốn người khác sống như ý mình thì sao mà được".
Hai vợ chồng cô Hoa, chú Toàn khá quen mặt với nhiều đoàn phim, khi thì tham gia giúp cho sinh viên làm phim bài tập, phim tốt nghiệp, khi thì đóng quảng cáo, tham gia phim truyền hình, điện ảnh, diễn kịch, liveshow…
Cô Hoa và chú Toàn vào vai "ông Tơ bà Nguyệt" |
NVCC |
Cô kể phim điện ảnh mình đóng nhiều nhất là 4 phân đoạn, đó là phim Nước 2030. Phim truyền hình đóng nhiều phân đoạn nhất là Luật trời, với 25 phân đoạn. Có một chi tiết khá thú vị là khi cô Hoa phụ hoặc trợ diễn cho các thí sinh dự thi, tác phẩm thường là đoạt giải.
Đơn cử năm 2017, cô phụ diễn cho Lê Hoàng Nguyên, người đoạt giải quán quân cuộc thi Người hát tình ca (Đài truyền hình Vĩnh Long). Năm 2020, cô phụ diễn tiết mục dự thi vòng ngoài cho thí sinh Trần Ngọc Vàng, năm đó anh đoạt giải quán quân cuộc thi Gương mặt điện ảnh 2020…
“Cô chú đi phim thường không có nói giá, mà cứ báo các đoàn phim xem trả như thế nào cho phù hợp, đừng để bên nào chịu thiệt là được. Có khi cô chú quay xong còn được các đoàn phim “bồi dưỡng” thêm”, chú Lê Toàn kể.
Nói về cái duyên với nghiệp diễn, cô Hoa cho biết khoảng đầu những năm 2000 khi cô chú từ quận 4 lên huyện Củ Chi (TP.HCM) làm kinh tế thì được người bạn giới thiệu cho đi đóng phim, rồi gắn bó với nghề này đến tận bây giờ.
Cô Hoa, chú Toàn trên phim trường... |
... hạnh phúc, tình cảm ngoài đời |
NVCC |
Khi chia sẻ về chuyện nghề, chú Toàn cũng không quên kể lại câu chuyện tình hài hước của mình: “Chỉ có cây đàn mà chú quen được bả đó”. “Lúc đó, ổng với cô hay tập văn nghệ. Rồi đêm nào cũng đưa cô về, gần 5 cây số mà toàn đi bộ, mất 2 năm như vậy. Nhưng ổng nhát, không dám nói gì hết. Một hôm, cả nhóm bạn đi hội chợ, thấy có người trong nhóm muốn tiếp cận, cưa cẩm cô, rồi tự nhiên ổng chạy tới nắm tay cô, như kiểu "xí phần" vậy. Lúc đó cô như bị điện giật, tim đập thình thịch, trong bụng nghĩ thầm: rồi, tới công chuyện rồi", cô Hoa hài hước.
Theo lời cô Hoa, xưa cô có cảm tình với chú vì chú không rượu chè, không chơi bời, cứ một mình làm bạn với cây đàn. “Nhà chú có tới 12 anh em, lương của chú thì mẹ chú lãnh, nhu yếu phẩm thì em gái chú lãnh, đồ chú mặc thì chắp chỗ này, vá chỗ kia. Thấy thật thà vậy mà không thương sao được”, cô Hoa nói thêm.
Ảnh cưới được chú Toàn lưu giữ mấy mươi năm qua |
NVCC |
Nói về cát-sê những ngày đầu đi đóng phim, chú Toàn nhớ lại: “Hồi đó, quay cả ngày mỗi người được 10.000 đồng, trừ chi phí điện thoại cho kịch vụ (1.000 đồng), mình còn lại 9.000 đồng. Gạo lúc đó 3.000 đồng/kg. Hai vợ chồng mỗi ngày quay mua được 6kg gạo”.
“Trước giờ cô không nhận 2 show cùng một ngày. Vì mình sợ đoàn phim vì lý do nào đó quay trễ, không hoàn thành đúng lịch, không lẽ mình bỏ đoàn này chạy qua đoàn kia quay. Còn nếu ở lại làm cho xong, đoàn phim còn lại tới giờ quay mà không có mình, thì làm sao”, cô Hoa cho biết.
“Tiền show, cô chú trang bị phục trang, đạo cụ đi làm nghề hết, ít khi sắm sửa gì cho bản thân. Cô Hoa không dám mua đồ mới, toàn mua lại đồ cũ của mấy chỗ cho thuê phục trang, vừa rẻ, lại hợp với việc quay phim”, chú Toàn tâm sự.
Làm nghề chăm chỉ, cô chú từng dành dụm được tiền mua nhà nhưng không may bị lừa gạt nên phải chịu cảnh ở nhà thuê tới bây giờ.
Cặp đôi hạnh phúc tuổi xế chiều |
Minh Luân |
Dù diễn vai ít số phận, nhưng cô chú đầu tư rất kỹ lưỡng (phục trang, đạo cụ...), chu đáo để phục vụ vai diễn. “Trước dịch, cô chú để dành được hơn chục triệu, tính mua thêm phục trang, nhưng sau dịch hết sạch. Giờ có ai kêu đi quay là vui lắm rồi”, chú Toàn tâm sự |
Minh Luân |
Bình luận (0)