Vợ chồng anh Sơn, chị Xuyến đang hoàn thành tác phẩm |
Anh Sơn yêu thích và say mê điêu khắc từ thuở nhỏ. Sau khi học hết lớp 11, anh trở về quê ở Vinh Hà (H.Đông Anh, Hà Nội) học nghề chạm khắc gỗ gia truyền với người anh gần 2 năm. Sau đó, anh về Cần Thơ mở xưởng điêu khắc của riêng mình.
Điều đặc biệt là hơn 4 năm qua, mỗi tác phẩm điêu khắc của anh Sơn đều có công của chị Xuyến, vợ anh. Sau khi anh đục xong những nét tổng thể, phá dáng, công đoạn kế tiếp chị Xuyến sẽ làm rõ các nét đục, chà sạch, đánh bóng... “Trước đây, chồng tôi có nhận học viên để dạy nghề. Tuy nhiên, khi có tay nghề thì hầu hết những người này bỏ đi xứ khác làm ăn. Vì thế, anh ấy mới quyết định dạy nghề cho tôi”, chị Xuyến cho biết.
Nhờ thông minh, khéo léo, chị Xuyến nhanh chóng nắm bắt những kỹ thuật điêu khắc cơ bản và có thể tự thiết kế hình dáng tác phẩm. Khách hàng chỉ cần đem nguyên liệu lại và yêu cầu làm theo đề tài. Đối với gốc cây nhỏ, hai vợ chồng tạo thành những món quà lưu niệm như bình bông, đôi chim…Đối với gốc lớn, anh chị thường chạm khắc hình tứ mã, tứ linh, bát tiên, các điển tích như “vinh quy bái tổ”, “anh hùng tương ngộ”, nhưng phổ biến nhất là những con vật gần gũi trong cuộc sống.
Hiện anh chị đang chạm khắc tượng tứ linh cao gần 1,7 m. Bức tượng này làm trong 20 ngày, với tiền công 6,5 triệu đồng. Ngoài ra, trong xưởng của hai vợ chồng còn có trên 30 tác phẩm đã hoàn tất, giá cao nhất là 7 triệu đồng và thấp nhất là 300.000 đồng. Nhờ lấy công làm lời, mỗi tháng vợ chồng anh Sơn, chị Xuyến thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng.
Bài, ảnh: Thanh Hương
Bình luận (0)