Diễn viên khất thực
Một buổi sáng ở góc đường Trần Văn Hoài (Cần Thơ), nơi có những quán cà phê bình dân. Người đàn ông chân trần, đầu trọc, nét mặt khắc khổ, đi trên chiếc xe đạp cọc cạch, mang theo chiếc túi rách xuất hiện cùng những trò lạ khiến người đi đường phải dừng lại xem. Liên tiếp những pha xiếc banh, xiếc dĩa, xiếc lửa, nuốt cá, đâm xuyên da, phá vật cứng… được anh thi triển gấp gáp.
Diễn xong, người đàn ông lầm lũi với chiếc thau cũ rảo quanh các bàn nước xin tiền. Rất ít người chịu đưa tay vào túi. Anh cũng chẳng lộ vẻ thất vọng, lặng lẽ rút đi với nụ cười vô hồn. Chẳng ai quan tâm đến chuyện gì xảy ra với người xiếc rong trong một buổi sáng tạm gọi là thất thu của anh ta.
|
Trong căn nhà hẹp giữa con hẻm sâu ở Xóm Chài (Q.Cái Răng, Cần Thơ), người đàn ông khắc khổ đó, dè dặt tiếp khách lạ. Anh chính là quái kiệt Minh Long. Tôi lưu ý đến tên anh khi nghệ sĩ xiếc Minh Tân nói rằng đó là một trong những người tâm đắc trong số những học trò lưu lạc khắp nơi của ông.
Khi nghiệp diễn đang thăng tiến, Minh Long được nhiều đoàn mời đón và anh cũng đầu quân cho nhiều nơi. Thế rồi một ngày đẹp trời, anh lại thấy mình đủ tài năng để có thể làm gì đó hơn thế. Vậy là, anh đứng ra thành lập đoàn xiếc. Đoàn đi lưu diễn các tỉnh miền Tây chẳng bao lâu thì rã gánh.
Người “ đa năng” Minh Long còn được đồng nghiệp biết đến với biệt danh “quái kiệt”. Cái tên này phù hợp với cả phong cách diễn lẫn tính tình của anh. Chính với ý chí đạt được nghề có phần bất chấp đã nhanh chóng đưa anh đến thành công, sự thành công đi giữa lằn ranh của sự can đảm và liều lĩnh. Anh diễn được nhiều tiết mục từ công phu, chịu đựng, đến khéo léo, dẻo dai… Ra nghề, anh trở nên đắt sô ở các chương trình tạp kỹ, đại nhạc hội, các đoàn nghệ thuật đến gánh lô tô hội chợ. Ông bầu gánh xiếc nào cũng muốn có được một người “đa năng” như thế. |
Nỗi buồn “sân đất”
Khi có vợ, sinh con, thì những gì Minh Long quan tâm là kiếm tiền để lo cho gia đình nhỏ của mình được chu toàn. Anh nói, nếu theo đoàn xiếc là phải đương đầu với nhiều khó khăn cơm, áo, gạo, tiền, chẳng bằng một ngày xách đồ nghề ghé vài quán là anh có tiền dẫn con đi ăn, cho tiền nó đi học. Đó là lý do để anh không trở lại đoàn xiếc. Anh không muốn xa nhà sống kiếp nổi trôi. Ngay cả khi thầy anh kêu lên để giao quản lý đoàn anh cũng từ chối.
Một ngày, vì đứa con gái bé nhỏ của mình, “cho nó hiểu thêm về cha nó”, Minh Long hẹn tôi đến một quán cà phê mà anh cho là “phí tiền”. Bình thường “làm nghề này (khất thực) không bước vào quán xá sang trọng được”. Anh sợ có ai đó gặp và nhớ mặt, lần sau anh biểu diễn họ sẽ không cho tiền. “Đi kiếm ăn ở những chỗ này tôi chỉ nhìn xuống, không nhìn nghiêng liếc dọc, người ta sẽ nghĩ mình gian…”, người xiếc rong áy náy.
Tưởng đã quen với cúi mặt mưu sinh, nhưng cũng có lúc anh không giấu giếm những tâm sự chôn kín trong lòng. “Nghề tôi đâu phải là để “ra lộ” đâu nhà báo, tôi đang bán rẻ nghệ thuật để mưu sinh đó thôi”, Minh Long rưng rức. Rằng “mình học nghề xiếc, tự nhiên ra đường mãi võ hỏi có buồn không?”. Ban đầu khi quyết định kiếm tiền bằng nghề xiếc rong khất thực, anh tự nhủ một ngày hoàn cảnh sẽ khác. Mà “làm quan cũng tốt, đi cày cũng sang”, mình làm cũng đổ mồ hôi, nước mắt, đôi khi cả máu để kiếm tiền cơ mà! Rồi với thời gian, Minh Long quên dần ánh đèn sân khấu, điều mà anh một thời ước mơ cháy bỏng. Anh học nghề xiếc là vì đam mê. Thậm chí đôi khi biết mình liều lĩnh cũng vì đam mê. Còn giờ anh lại chạnh lòng nhận ra diễn trên “sân đất” dần đã đánh mất đi phong thái của người diễn viên do sân khấu mang lại, là “trở về số không”. u cũng là... “số trời”.
Quen biểu diễn gấp gáp để đi kiếm tiền quán xá, anh đã tự “hạ chuẩn nghệ thuật”. Các tiết mục bị cắt ngắn lại, tránh những pha khó, rủi ro không đáng. Và vì vậy những pha diễn của anh bên vệ đường cũng ít hấp dẫn hơn, tầm thường hơn. Càng ngày, những tiếng pháo tay cũng trở nên ít dần. Mà anh cũng quên đi điều đó. Cũng như quên đi những chuyện buồn của đời xiếc rong. “Kiếm tiền trên sân đất cũng “chua” lắm. Chỗ người ta rượu chè, mình vô bị mai mỉa là thường. Ngoài ra nguy hiểm cũng khó lường”. Trên sân khấu, dù sao diễn viên cũng được cách ly với khán giả. Còn diễn sân đất không ai bảo vệ cả. Đôi khi đang diễn thì có người tới đòi… “tỉ thí võ công”. Anh cũng lầm lũi đi chỗ khác kiếm cơm. Minh Long nói ban đầu anh cũng trổ những tuyệt kỹ để phục vụ. Trong lần biểu diễn nuốt kiếm, lúc xuyên kiếm vào cổ họng thì anh bị một người tới giật lấy đạo cụ. Sau lần xém chết đó, anh không biểu diễn nuốt kiếm nữa. Các pha diễn có nhiều rủi ro anh cũng không làm.
Dù biểu diễn khất thực là coi như anh đã hy sinh đam mê của riêng mình. Nhưng anh không tránh được nỗi buồn bởi những mặc cảm mà mình mang lại cho người thân. Anh biết vợ con anh cũng chẳng lấy làm tự hào gì với nghề mãi võ xin tiền của mình. Ông bầu Minh Long ngày nào có vẻ như không muốn nhắc lại giai đoạn “chủ cả” khi xưa. Vì những chuyện không vui của đời bầu gánh, hay điều đó sẽ gợi lại cho anh một hoàn cảnh không mong đợi hiện tại (!?).
Tiến Trình
Bình luận (0)