Đời xiếc rong - Kỳ 4: Đam mê và... trả giá

24/09/2011 17:43 GMT+7

Để có được những pha diễn ấn tượng, nhiều diễn viên không ngại làm những cuộc đánh đổi để rồi “diễn mà như hủy hoại mình”.

>> Kỳ 3: Dựa lộ mưu sinh

Quái kiệt Minh Long bảo rằng, những diễn viên như anh đều “diễn thật”, tức là không sử dụng tiểu xảo nào để đánh lừa thị giác của người xem, ngay cả những pha rùng rợn, “diễn mà như hủy hoại mình”.

Nghệ sĩ xiếc Minh Tân nói để dạy cho một đệ tử có cái nghề đàng hoàng là chuyện không hề đơn giản, bởi có những pha xiếc công phu đôi khi vượt quá khả năng chịu đựng của một người bình thường. Riêng với quái kiệt Minh Long thì khác, anh này có thể làm bất cứ điều gì ông bảo. Minh Long có một niềm tin lạ lùng vào người khai nghiệp cho mình. Và tinh thần đó đã dẫn dắt anh có những phản ứng can đảm, nhanh chóng lãnh thụ những pha diễn đầy thách thức. Ông Minh Tân kể, lúc Minh Long mới học việc, ông đưa chiếc bóng đèn bảo “cứ nhai, không sao đâu”, thế là không nghĩ ngợi, anh cho luôn bóng đèn vào miệng. Không lâu sau, anh chàng cá tính này biểu diễn thuần thục pha nhai bóng đèn, nuốt miểng chai…

Luyện những trò rùng rợn

Có điều chưa hẳn Minh Tân đã biết, trước khi được ông chỉ dạy, Minh Long đã từng tự mình luyện những trò rùng rợn một cách liều lĩnh. Một lần thấy nghệ sĩ Quốc Cường biểu diễn nuốt rắn, hôm sau Minh Long mua rắn về… tự nuốt. Lần đó anh đau tưởng chết vì nhét nguyên con rắn sống vào bụng. Sau lại “rút kinh nghiệm”, mỗi lần biểu diễn, anh cho con rắn xấu số vào miệng và… cắn cho nó chết trước khi nuốt (!). Hay lần thấy Minh Tân biểu diễn nuốt kiếm, Minh Long về vót một thanh kiếm tre và tự… chọc vào họng. Mỗi lần cho thanh gỗ nhọn sâu vào trong người là anh lại… ói ra máu. Được một thời gian, Minh Long mang đồ nghề đi “hành tẩu giang hồ”. Nhìn thấy anh biểu diễn nuốt kiếm tại một khu du lịch ở Sài Gòn, một cao thủ về môn này cầm cây kiếm tự chế mà lắc đầu: “Nuốt cây này chết như chơi”, rồi ông dạy cho anh chàng liều mạng kỹ thuật tránh bị tổn thương khi đưa thanh kiếm sâu vào cơ thể. Minh Long xúc động bái ông ấy làm sư phụ.

Không được qua trường lớp cơ bản, không có những hỗ trợ kỹ thuật cần thiết, nhưng nhiều nghệ sĩ xiếc rong đã nghĩ ra cách để vượt qua những hạn chế của bản năng con người, vượt qua giới hạn của sự sợ hãi, đau đớn

Con đường đến với nghệ thuật của những diễn viên xiếc rong đôi khi… chẳng nghệ thuật như thế. Khác với những diễn viên được đào tạo cơ bản ở những trường lớp chính quy, nhiều diễn viên xiếc rong đến với nghề theo cách rất riêng. Đôi khi được dạy nghề chớp nhoáng trên đường lưu diễn, vài ba hôm anh chàng làm hậu đài cũng có thể bước lên sân khấu biểu diễn. Không được qua trường lớp cơ bản, không có những hỗ trợ kỹ thuật cần thiết, nhưng nhiều người đã nghĩ ra cách để vượt qua những hạn chế của bản năng con người, vượt qua giới hạn của sự sợ hãi, đau đớn…

Đặc sản “xiếc rừng”

Nghệ sĩ Trọng Kha kể, có bận xem trên mạng thấy diễn viên xiếc nước ngoài diễn tiết mục dùng khoan sắt khoan vào mũi, anh cũng tập theo. Không biết ở nước ngoài người ta tập luyện với kỹ thuật như thế nào, nhưng khi anh dùng mũi khoan khoan vào mũi mình, lập tức máu ra xối xả, đau nhức kinh khủng, thế là phải bỏ tập giữa chừng. Thế nhưng, sau khi uống thuốc giảm đau thì “máu” lại nổi lên và anh tiếp tục luyện tập.

 
Để diễn được tiết mục khoan mũi thế này đòi hỏi người diễn phải đổ máu và đau đớn - Ảnh: Tiến Trình

“Vì đam mê quá nên mình làm, chứ làm rồi nhiều khi thấy hối hận lắm”, nhiều diễn viên mà chúng tôi gặp ở những đoàn xiếc rong tâm sự như thế. Làm nghề xiếc, việc gặp tai nạn, bị thương là chuyện thường. Một diễn viên diễn trò đi xe đạp trên dây kể, nhiều khi do không được khỏe, khi diễn giữa chừng thì bị vọp bẻ, té lộn nhào từ trên cao xuống. Một diễn viên diễn phóng dao bảo rằng nhiều lúc diễn xong, nằm mơ anh còn ám ảnh. Khi tập luyện thì chỉ tập bằng hình vẽ, phóng dao lên tấm ván. Nhưng khi diễn thì phải có người phụ diễn đứng giang tay cho diễn viên phóng dao quanh người. Nếu diễn viên đứng gần quá thì không tạo được “áp phê” cho người xem. Còn đứng xa thì dễ cho bạn diễn… dính dao. Trò phóng dao một thời tạo được nhiều phấn khích cho khán giả. Nhưng do trò này dễ gặp rủi ro, nên nay chỉ còn rất ít đoàn xiếc rong duy trì để lôi kéo người xem.

Có những tai nạn trong lúc diễn mà người diễn phải mang theo thương tật cả đời. Trọng Kha một thời diễn rất đạt môn phun lửa, ăn lửa…, nhưng một lần anh bị cháy suýt chết vì người rót dầu để biểu diễn đã rót nhầm… xăng. Cùng chung số phận với Trọng Kha, người anh em Hoàng Long cũng từng trở thành “ngọn đuốc sống” lúc diễn với lửa trên sân khấu. Hoàng Long nhớ lại, anh bị nạn nhằm mùng 6 tết, lúc đoàn đang diễn ở Đắk Lắk. Do đoàn xiếc vài ba hôm lại chuyển địa bàn biểu diễn, nên chàng diễn viên tội nghiệp cũng phải chuyển viện liên tục để chạy theo đoàn. Chỉ hơn 1 tháng, anh đã “có mặt” ở gần chục bệnh viện. Đến khi đoàn về tới Bình Phước, khán giả đông nhưng các tiết mục của đoàn trở nên đơn điệu, vậy là bệnh nhân Hoàng Long lại trốn viện ra ngoài để diễn cùng đoàn.

Phần lớn những gánh xiếc rong đều không đòi hỏi diễn viên của mình phải diễn “đỉnh”, phải có những tiết mục quá cao siêu. Miễn sao các tiết mục có phần mới lạ, tác động mạnh đến người xem là được. Nên không có gì lạ khi ở đây, người ta thấy cả những tiết mục “xiếc rừng” mà ngay cả những cao thủ trong nghề cũng phải “bó tay”.

Tận cùng khó khăn

Thường là những ngày mưa thế này là những ngày “tận cùng khó khăn” của các gánh xiếc rong. Nhiều gánh xiếc phải gửi bớt sân khấu. Những gánh khác thì chạy đôn chạy đáo vào Nam ra Bắc để tránh mưa. Nhưng cũng có gánh xiếc không còn kinh phí để vận chuyển. Hôm nay được tin một gánh xiếc đang “neo” ở An Giang kêu bán với giá 28 triệu. Hôm sau lại nghe một gánh xiếc từng “có số má” trong làng xiếc rong đang đậu ở Cà Mau kêu bán với giá 50 triệu đồng…

Và phía sau những cái giá được rao ấy, chưa tính cả những con người “mộng lên sân khấu” mà bỏ xứ ly hương để bôn ba cùng gánh xiếc.

Khi đoàn xiếc tan rã, họ cũng chẳng biết mình phải về đâu. Có người đi bán quán nhậu, người đi làm công nhân… để rồi chẳng bao lâu họ lại đi tìm đoàn xiếc để đầu quân vì “nhớ nghề”, dù biết rằng theo xiếc rong là bước vào cuộc đời sương gió bấp bênh. Có lẽ niềm tự hào duy nhất của họ là được quanh năm phục vụ khán giả. Họ không đánh đổi với cuộc sống có đồng lương ổn định nhưng quanh năm chỉ vài lần xuất hiện trước người xem. u thế cũng là một may mắn của người làm nghệ thuật, những nghệ sĩ xiếc rong. 

Có máu me, có đau đớn mới lôi cuốn

Để diễn được trò xỏ lẹm qua cổ, Hoàng Minh Tấn vốn làm hậu đài, chạy phát loa quảng cáo của đoàn Hải Long Sao Đỏ, nói anh phải thường xuyên “thực hành” xuyên vật nhọn qua cổ. Lâu ngày, vết thương ấy hình thành một “lỗ mòn” và những lần sau cứ xỏ cây qua lỗ đó mỗi khi biểu diễn. Tấn kể, những vết đâm ban đầu rất đau đớn, máu chảy rất nhiều. Nhưng những lần sau rồi cũng quen, mỗi lần biểu diễn nó chỉ ngứa như… kiến cắn vậy thôi.

Ông bầu Hoàng Long của đoàn xiếc Hải Long Sao Đỏ cho biết,  “chiêu” xỏ lẹm qua cổ này cũng có nhiều đoàn xiếc biểu diễn. Có đoàn người ta dùng cây bấm kim loại để bắn một lỗ cố định ở da cổ của người diễn. Sau đó họ thoa thuốc cho lành vết thương. Khi diễn, diễn viên “dễ dàng” xuyên vật nhọn qua lỗ đã hình thành. “Nhưng làm như thế không hay. Làm sao cho mỗi khi xỏ cây qua là khán giả thấy mình xỏ thật, có máu me, có đau đớn mới lôi cuốn…”, một bầu xiếc nói.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.