Đòn bẩy công nghệ thông tin

21/06/2013 03:13 GMT+7

Hôm qua 20.6, tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam (Viet Nam ICT Summit) 2013 được tổ chức với sự tham gia của trên 500 đại biểu từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đại biểu quốc tế.

Phát biểu trong phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ thực trạng và nguy cơ tụt hậu mà VN có thể mắc phải nếu không có được nhận thức đúng đắn và lựa chọn phương thức phát triển phù hợp dựa trên nền tảng khoa học công nghệ.

Báo cáo chính của diễn đàn do TS Nguyễn Bá Ân, Tổng thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, cho biết trong những năm qua thứ hạng năng lực cạnh tranh của VN liên tục sa sút, từ thứ 64 năm 2007 xuống 65 (2012) và 75 (2013). VN mới chỉ đáp ứng được 60% của 4 chỉ số cơ bản về năng lực cạnh tranh. Cụ thể, trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ số thể chế của VN đứng thứ 89; cơ sở hạ tầng thứ 95; môi trường kinh tế vĩ mô thứ 106; y tế và giáo dục phổ thông thứ 64. Trong khi đó, nhóm các yếu tố về tính hiệu quả chỉ đạt 35% và nhóm các yếu tố về sáng tạo và tinh vi nghiệp vụ chỉ là 5%.

Đòn bẩy công nghệ thông tin
Ứng dụng CNTT giúp nâng cao hiệu lực cải cách hành chính - Ảnh: D.Đ.Minh

Theo TS Ân, VN đang có lợi thế dùng CNTT-TT như một phương thức phát triển mới để thúc đẩy và duy trì năng lực cạnh tranh. CNTT-TT có thể giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của thể chế hành chính, kết quả nhanh chóng, minh bạch; giúp tăng hiệu suất đầu tư hạ tầng lên khoảng 30%; giáo dục phát triển theo hướng học tích cực, sáng tạo, quốc tế hóa, nhằm có nguồn nhân lực chất lượng mới. Tuy nhiên, để thành công cần có quyết tâm chính trị cao, có chiến lược và chính sách phát triển, ứng dụng CNTT một cách cụ thể, rõ ràng.

Tại diễn đàn, ông Yukio Hatoyama, Chủ tịch Viện Cộng đồng Đông Á, nguyên Thủ tướng Nhật Bản, cho biết để có được sự phát triển và thịnh vượng như ngày nay, chính phủ Nhật Bản luôn tin tưởng vào sự cần thiết, tầm quan trọng của KHCN và luôn tăng ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này cho dù điều kiện kinh tế có khó khăn. Từ kinh nghiệm của Nhật, ông khuyến nghị VN nên đi vào chiến lược xây dựng “Việt Nam điện tử”, đồng thời quan tâm đầu tư phát triển hệ thống trường trung học nghề CNTT, hợp tác với Nhật về giáo dục đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ ở VN mà cho toàn khu vực ASEAN...

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.