Đón chờ cả chục tỉ USD tín dụng xanh sau 'cam kết xanh' của Thủ tướng

Chí Hiếu
Chí Hiếu
16/11/2021 09:35 GMT+7

Trong hơn 30 tỉ USD mà các doanh nghiệp Việt được các đối tác ngoại cam kết rót vốn nhân chuyến công du châu Âu của Thủ tướng, nhẩm tính sơ bộ có hơn một nửa trong số này là dành cho các dự án phát triển xanh.

Như Thanh Niên đã thông tin, các cam kết Việt Nam giảm phát thải ròng bằng “0” vào 2050, giảm phải khí mê tan của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26 hồi đầu tháng này không chỉ được quốc tế đánh giá cao trong nỗ lực chung chống lại biến đổi khí hậu, mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận dòng tín dụng xanh đang là xu thế của thế giới.

Phù hợp với các yêu cầu về sản xuất xanh ngày càng khắt khe

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Điện gió Toàn cầu (GWEC), bày tỏ cam kết nói trên thể hiện vị thế đi đầu tại Đông Nam Á của Việt Nam trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. “GWEC tin rằng đây là bước đi đúng đắn, và phù hợp với xu hướng hiện tại toàn cầu. Với vị thế này, tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam sẽ được tái khẳng định, đặc biệt trong bối cảnh nhiều tập đoàn quốc tế đang có xu hướng phát triển sản xuất tại Đông Nam Á và đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn về sản xuất xanh cho các đơn vị cung cấp. Những cam kết trên sẽ đưa các doanh nghiệp trên tới Việt Nam”, ông Hutchinson nói.

Trên thực tế, cũng trong chuyến làm việc tại Vương Quốc Anh, khi cùng Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered - một trong những định chết tài chính hàng đầu châu Âu, chủ trì đối thoại “Kiến tạo tương lai bền vững và thịnh vượng thông qua đầu tư tư nhân”, sau khi tiết lộ những tư tưởng chính trong phát biểu tại COP 26 về cam kết xanh, Thủ tướng cũng được người đứng đầu ngân hàng này thông báo sẽ chi khoảng 8 tỉ USD để tài trợ cho các dự án phát triển bền vững tại Việt Nam từ đây đến 2030.

T&T là Tập đoàn nhận được nhiều cam kết tín dụng cho các dự án phát triển xanh

chí hiếu

Trong số đó, Tập đoàn T&T của “Bầu” Hiển là doanh nghiệp được lợi nhất. Theo thông cáo của Tập đoàn này, những ngày tại Anh, các ghi nhớ tín dụng mà các công ty con thuộc T&T dự kiến đạt được với riêng Standard Chartered đã vào khoảng 6 tỉ USD, để đầu tư cho các dự án năng lượng sạch, xử lý rác…

Ngoài kế hoạch rót vốn cho các dự án của “Bầu” Hiển, nhà băng này cũng kể đến dự án điện gió La Gàn như là một trong những triển vọng hợp tác khác của họ, với số tiền dự kiến chi ra cũng lên đến hàng tỉ USD.

Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, ông Sean Huang, Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners - đơn vị đang tham gia phát triển Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, cho hay thực tế tổng vốn đầu tư vào dự án điện gió La Gàn dự kiến lên đến khoảng hơn 10,5 tỉ USD, chứ không chỉ dừng lại ở con số 4 tỉ USD.

“Có thể lãnh đạo Standard Chartered muốn nói đến 4,4 tỉ USD sẽ được đầu tư trực tiếp vào chuỗi cung ứng và vào nền kinh tế của Việt Nam”, ông Sean Huang lý giải.

Đón đầu cơ chế trái phiếu xanh, tài chính xanh

Đó mới chỉ là 2 trong số những dự án tiêu biểu về kinh tế xanh có nhiều triển vọng nhất nhận được những dòng vốn xanh từ các định chế tài chính hàng đầu trong chuyến công du của Thủ tướng.

Ngay sau chuyến công tác này, trả lời báo chí, “sơ kết nhanh” của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho hay, kết quả ấn tượng của các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong chuyến đi là với sự chứng kiến của Thủ tướng, gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thoả thuận, với tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỉ USD.

“Trong đó, tập trung trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế số, môi trường - là những định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam”, ông Dũng nhấn mạnh.

Như ở Pháp, Thủ tướng cũng đã bày tỏ “chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng tỉ USD đã được doanh nghiệp Việt ký kết với các công ty Pháp và châu Âu”. Và đa phần là các hợp tác liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Điển hình như Công ty Vinfast và đại diện Tập đoàn EDF trao thỏa thuận hợp tác về cung cấp, lắp đặt thiết bị sạc và cung cấp dịch vụ sạc điện công cộng cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức của VinFast.

Hay một cam kết lớn khác là HDBank và Tổ chức tài chính Phát triển Pháp (Proparco) trao thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tương tự, Quỹ đầu tư VinaCapital và đại diện Công ty EDF Renouvelables International cũng đã trao hợp tác hỗ trợ tài chính cho dự án năng lượng tái tạo.

Thủ tướng tiếp các nhà đầu tư điện gió trong chuyến công tác châu Âu vừa qua

chí hiếu

“Chỉ riêng với ngành năng lượng tái tạo, hiện đang nhận được nhiều ưu ái từ cộng đồng tài chính quốc tế thông qua các cơ chế trái phiếu xanh, tài chính xanh. Với các cơ chế phù hợp, các tổ chức tài chính hiện đã sẵn sàng đầu tư nhiều tỉ USD vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, ông Hutchinson bày tỏ.

Với tư cách là nhà đầu tư trực tiếp, ông ông Sean Huang cũng cho rằng, để giảm thiểu rủi ro và giúp các nhà đầu tư tư tin hơn với chi phí đầu tư khổng lồ của các dự án năng lượng, nhất là còn mới mẻ ở Việt Nam như với điện gió ngoài khơi, thì Chính phủ cũng nên cân nhắc áp dụng giá cố định thí điểm cho một số công suất nhất định.

"Chẳng hạn như 5 GW trước khi chuyển sang đấu thầu, thay vì cơ chế chuyển đổi theo khung thời gian định sẵn để đảm bảo đúng việc cân đối giữa sự khởi động ngành điện gió ngoài khơi và việc đảm bảo khả năng tài chính cho các dự án", ông Sean Huang khuyến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.