‘Phút bù giờ’ cho điện sạch

Chí Hiếu
Chí Hiếu
13/11/2021 16:32 GMT+7

Dự thảo Quy hoạch điện 8 được Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương rà soát thêm trên cơ sở cập nhật những cam kết xanh của Thủ tướng tại COP26 đã lại mở ra cơ hội cho điện gió phát triển.

Tưởng như Quy hoạch điện 8 đã được ký ban hành hồi đầu tháng này sau khi Bộ Công thương rà soát, trình lại lần 2 khá sát với yêu cầu của Chính phủ. Nhưng những cam kết xanh của Thủ tướng tại COP26 đã lại mở ra những định hướng để bản quy hoạch này cần được điều chỉnh thêm.

Quy hoạch cần “tiếp thu thông điệp tại COP26”

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc làm việc mới đây với Bộ Công thương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 (Quy hoạch điện 8).

Đáng chú ý, cuộc họp nói trên diễn ra 2 ngày sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đang ở Anh dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện 8, đồng thời khẩn trương chuẩn bị tài liệu phục vụ các hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương về Quy hoạch điện 8.

Trong đó, về nội dung quy hoạch, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển nguồn điện theo hướng bảo đảm cao nhất cân bằng cung cầu nội vùng (Bắc, Trung, Nam), kết hợp sử dụng hợp lý, kinh tế lưới điện truyền tải liên kết hiện có và đang đầu tư xây dựng, bảo đảm hiệu quả chung cao nhất.

Đặc biệt, Phó thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương cần rà soát kỹ về quy hoạch một số nguồn điện có tính khả thi không cao, hiện chưa giao chủ đầu tư hoặc đã có chủ đầu tư nhưng có đề nghị không tiếp tục triển khai, nhất là các dự án nhiệt điện than; đề xuất các phương án xử lý phù hợp trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu thông điệp của Việt Nam tại COP26.

Cùng với đó, Bộ Công thương cũng được giao nhiệm vụ khẩn trương rà soát, tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức trong và ngoài nước, các địa phương về dự thảo Quy hoạch điện 8 để lắng nghe nhiều chiều về quy hoạch nguồn và lưới điện, sử dụng điện, vấn đề giá điện… đề xuất thành phần, chuẩn bị nội dung và chương trình các hội nghị để trao đổi công khai, minh bạch, dân chủ.

Thêm cơ hội cho điện gió

Chia sẻ với Thanh Niên, đại diện Bộ Công thương cho hay, cơ quan này cũng đã giao tư vấn rà soát, đề xuất các dự án điện than chưa có tên của nhà đầu tư (chủ yếu giai đoạn sau 2030) và xem xét tăng công suất đặt cho các dự án điện gió. Dù vậy, con số cụ thể của các dự án cắt giảm điện than và tăng điện tái tạo thì ông này cho hay “chưa thể nói được vào lúc này”.

Trước ngày Thủ tướng lên đường sang Anh dự COP26, bản dự thảo Quy hoạch 8 đã được Bộ Công thương trình lại lãnh đạo Chính phủ. Khi đó, nhiều nhà đầu tư điện sạch nói họ “gần như nín thở” bởi với việc điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi đến 2030 chỉ được quy hoạch 2.000 - 3.000 MW thì chỉ đủ cho một dự án, thậm chí chỉ riêng quy mô một dự án điện gió như La Gàn hay Thăng Long cũng đã vượt con số này.

Các dự án năng lượng tái tạo sẽ rộng cửa hơn với các yêu cầu mới của Chính phủ

Ngọc Thắng

Tuy nhiên, với việc Thủ tướng cam kết “giảm phát thải ròng về 0 vào 2050” khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng “sẽ có thêm phút bù giờ cho điện gió”.

“Khi Việt Nam đang dần rút khỏi việc phát triển điện than, chúng tôi tin rằng điện gió ngoài khơi có thể đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam và giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng về “0”, cũng như chuyển đổi sang phát triển bền vững theo Nghị quyết số 55”, ông Sean Huang, Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners - đơn vị đang tham gia phát triển Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, bày tỏ khi được hỏi về cam kết của Thủ tướng.

Cùng với đó, vị này cho rằng, việc Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục rà soát Quy hoạch điện 8 theo hướng giảm điện than, tăng điện gió là “một tín hiệu khả quan khi thấy được quyết tâm của Chính phủ trong chuyển đổi sang năng lượng sạch và bền vững”.

“Chúng tôi mong rằng sẽ thấy thêm nhiều dự án điện gió ngoài khơi trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam, cùng với kế hoạch xây dựng một hệ thống lưới điện linh hoạt để đáp ứng tốt hơn việc truyền tải công suất năng lượng tái tạo ngày càng tăng trong những thập kỷ tới”, ông Sean Huang nói.

Chuyên gia Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, thì cho rằng, với việc “nới đầu bài” cho Quy hoạch 8, nhất là cập nhật các cam kết tăng trưởng xanh thì rõ ràng điện gió, điện mặt trời sẽ có thêm cơ hội.

“Chúng ta không nên trách tư vấn lập quy hoạch vì bản vừa trình tháng 10 cũng là đã tối ưu trên cơ sở đề bài đưa ra như hạn chế truyền tải, cân bằng nội vùng và chi phí giá điện. Nhưng nay, đề bài thay đổi thì tư vấn sẽ có nhiều đất hơn để tính toán, nên việc bổ sung thêm công suất đặt cho điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi lên 5.000 MW hay thậm chí hơn là hoàn toàn có thể”, ông Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.