Theo đó, những cam kết như nỗ lực để giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, kêu gọi công lý, công bằng trong cộng đồng quốc tế để chung tay giảm phát thải khí mê tan… mà người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu lên tại các phiên họp của Hội nghị COP26 đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Mỹ ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu
Tại cuộc gặp thái tử kế vị Vương quốc Anh Charles, Thái tử Charles bày tỏ đánh giá cao và cảm ơn sự tham gia tích cực của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam tại Hội nghị COP26 nói riêng và cho nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu nói chung. Thái tử khẳng định phát triển kinh tế - xã hội cần có sự hòa hợp với thiên nhiên, đồng thời cho rằng Việt Nam và Anh cùng chia sẻ quan điểm này và bày tỏ mong muốn có thể thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Anh trong các dự án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học… để phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững và phát thải ít các bon.
Đặc biệt thái tử cho biết từ lâu đã vận động các công ty tài chính ủng hộ nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển. Thái tử cũng đề xuất thúc đẩy Liên minh toàn cầu về dịch vụ tài chính, đầu tư trực tiếp và gián tiếp cho chống biến đổi khí hậu và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam kết nối với liên minh này, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi nền kinh tế và phát triển năng lượng tái tạo.
Thủ tướng chụp ảnh cùng lãnh đạo các nước tham gia tuyên bố rừng và sử dụng đất tại COP26 |
D.Giang |
Tương tự, tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Ireland Micheal Martin cũng hoan nghênh các cam kết của Việt Nam và cho hay rất chờ đợi các kế hoạch tổng thể phát triển năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là việc ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để xúc tiến các hợp tác. Vì đó là lĩnh vực mà Ireland có nhiều kinh nghiệm và thành công.
Trong cuộc gặp với đặc phái viên của tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry, ông John Kerry đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng tại COP26 và những quyết tâm của Việt Nam đồng thời khẳng định ủng hộ Việt Nam trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu nói riêng, phát triển quan hệ Việt - Mỹ nói chung.
Thủ tướng “tranh thủ” tiếp thị nông sản Việt
Tại các cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị COP26 trong 2 ngày qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều tranh thủ đề nghị các nước xem xét mở cửa cho nông, thủy sản Việt Nam. Sáng qua, trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian để bàn về các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc hai bên mở cửa thị trường cho một số loại nông sản, hoa quả của nhau bởi tính bổ trợ của các mặt hàng này. Thủ tướng khẳng định Việt Nam hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất tại Việt Nam. Đáp lại, người đồng cấp phía Nhật mong muốn sớm thăm Việt Nam và đề nghị hai nước phối hợp duy trì các hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất khi kiểm soát được dịch bệnh.
Trước đó ít giờ, tại cuộc gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị nước này mở cửa thị trường cho thủy sản và nông sản Việt như hoa quả nhiệt đới, cà phê, hạt điều, mong muốn doanh nghiệp Canada tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, ứng phó với biến đổi khí hậu… Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Canada hỗ trợ Việt Nam cải cách, hoàn thiện thể chế, công nghệ, tài chính xanh, đào tạo nguồn nhân lực trong ứng phó biến đổi khí hậu và đổi mới sáng tạo.
Gặp Thủ tướng Ấn Độ Modi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương như giảm thiểu các rào cản thương mại và bảo hộ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước, đề nghị mở cửa cho hàng nông sản Việt Nam như nhãn, chôm chôm, sầu riêng... Thủ tướng nêu rõ Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh, Việt Nam có tiềm năng như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo…
Chí hiếu |
Ngay sau khi kết thúc các hoạt động tại Vương quốc Anh, chiều tối qua (theo giờ Việt Nam), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đáp xuống thủ đô Paris (ảnh), bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3 - 5.11, theo lời mời của Thủ tướng chủ nhà Jean Castex.
Bình luận (0)