Dồn dập khởi công cao tốc

Mai Hà
Mai Hà
24/10/2023 10:12 GMT+7

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang được khởi công cách đây vài ngày, không chỉ thông trục cao tốc từ Hà Nội tới Hà Giang - địa đầu Tổ quốc, mà còn hình thành mạng lưới cao tốc cho khu vực miền núi phía bắc.

Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 (khởi công sáng 21.10) có chiều dài 104,5 km (địa phận tỉnh Tuyên Quang 77 km, địa phận tỉnh Hà Giang 27,5 km), tổng mức đầu tư 6.800 tỉ đồng.

Dồn dập khởi công cao tốc - Ảnh 1.

Cầu Mỹ Thuận 2 được hợp long đầu tháng 10

NAM LONG

Dự án có ý nghĩa quan trọng kết nối vùng và liên vùng, hình thành hành lang phát triển từ Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng tới các tỉnh miền núi phía bắc, theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

Vẽ mới mạng cao tốc phía bắc và miền Tây

Không chỉ vậy, bản đồ cao tốc tại các tỉnh miền núi phía bắc sẽ tiếp tục được bổ sung với nhiều dự án mới như cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) hay Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Các tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối các tỉnh Tây Bắc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cho các tỉnh Sơn La, Điện Biên và vùng Tây Bắc.

Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội giữa nhiệm kỳ vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính đọc tại phiên khai mạc Quốc hội hôm qua nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã đưa vào khai thác 659 km đường cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào sử dụng là 1.822 km. Phấn đấu đến hết năm sẽ hoàn thành thêm 78 km cao tốc mới.

Ngoài ra, dự kiến từ nay đến hết năm sẽ có thêm 5 dự án giao thông lớn được khởi công, trong đó có cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (11 km). Ngày 31.12 tới đây, hai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 là cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ chính thức hoàn thành, được đưa vào sử dụng. Khi đó, tuyến cao tốc từ TP.HCM đến thủ phủ miền Tây dài 125 km sẽ chỉ còn hơn 2 giờ chạy xe.

Cả miền núi phía bắc và ĐBSCL trước đây gần như là “vùng trắng” cao tốc, song với các dự án đã và sắp khởi công tới đây sẽ vẽ lại mạng cao tốc cho cả 2 khu vực này. 

Một trong 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng độ, hướng đến mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3.000 km đường cao tốc và tới 2030 là 5.000 km. Đây là mục tiêu rất lớn và khó khăn, song quyết tâm cũng rất lớn.

2026 thông toàn tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau

Báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong 11 dự án thành phần giai đoạn 1 (2017 - 2020) dài 654 km, đến nay đã đưa vào khai thác 8 dự án với chiều dài 519 km, đang triển khai thi công 135 km và dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2024.

Dồn dập khởi công cao tốc - Ảnh 2.

Nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

LÊ LÂM

Ngay trong khi đang triển khai giai đoạn 1, chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường đầu năm 2022. Với tổng chiều dài 729 km, dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026. Ngoại trừ cầu Cần Thơ 2 sẽ hoàn thành sau năm 2026, toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ thông tuyến vào 2026.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, để đẩy nhanh tiến độ, dự án đã được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù về lựa chọn nhà thầu, gỡ vướng về mỏ vật liệu. Việc tổ chức triển khai công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu, đền bù giải phóng mặt bằng cho đến khởi công được rút ngắn 1,5 - 2 năm so với thông thường.

Từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần chỉ khoảng gần 1 năm. Nếu tính từ khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và bố trí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng tới nay mới hơn 1 năm, nhưng đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng với 91%. Dự kiến, các phần công việc còn lại sẽ được các địa phương hoàn thành trong năm 2023.

Theo Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, giai đoạn 2015 - 2020, các địa phương có cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao như Lào Cai 14,27%/năm, Hải Phòng 13,74%/năm, Bắc Giang 13,02%/năm, Tiền Giang 12,8%/năm, Quảng Ninh 10,72%/năm..

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực của Tuyên Quang, Hà Giang cũng như khu vực miền núi phía bắc. 

Trong tương lai, đây sẽ trở thành trục giao thông kết nối nhanh, thuận lợi, giải quyết được những điểm nghẽn về giao thông liên vùng từ thủ đô Hà Nội, qua tỉnh Tuyên Quang đến Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang).

Mạng cao tốc hình thành sẽ tạo nên các tuyến đường huyết mạch để lưu thông vận chuyển hàng hóa và hành khách cho các tỉnh Tây nguyên, Đông Nam bộ hay các tỉnh phía bắc… Không chỉ vậy, có hạ tầng cao tốc, nhiều địa phương sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn, tiềm năng. Đơn cử ĐBSCL, nếu không phát triển cao tốc, chục năm nữa cũng rất khó hút được nhà đầu tư lớn cũng như hình thành các khu công nghiệp, hạ tầng logistics…

Với nguồn lực còn hạn chế hiện nay, để cụ thể hóa mục tiêu 5.000 km cao tốc, rất cần xã hội hóa để thu hút nguồn lực đầu tư, thông qua việc khởi động lại các dự án theo hình thức PPP, BOT.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, hệ thống cao tốc mới đang đánh thức tiềm năng du lịch nhiều địa phương. Dù không phải là yếu tố duy nhất quyết định, song sự thuận tiện, thời gian di chuyển được rút ngắn đang khiến du lịch nhiều nơi "cất cánh".

"Hành khách du lịch nội địa bằng đường bộ có thể nói chiếm tỷ lệ cao nhất. Trước đây, nhiều điểm du lịch rất đẹp nhưng vẫn ở dạng tiềm năng vì giao thông không thuận tiện, thì nay đều đã được khai phá nhờ hạ tầng giao thông kết nối. Đường đẹp, đi nhanh nên ngày càng nhiều hành khách chọn du lịch bằng đường bộ, dễ tham quan, khám phá", ông Thắng nói.

Theo ông, vẫn còn nhiều dư địa để các địa phương tận dụng phát triển các điểm du lịch mới dọc tuyến cao tốc hoặc các đường kết nối; không chỉ phát huy hiệu quả một điểm đến mà một mạng lưới các điểm du lịch giữa các địa phương lân cận, mang lại lợi ích cho người dân khu vực.

Việt Nam có bao nhiêu cây số đường cao tốc?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.