Đón giao thừa bên 'biển' rác

19/02/2015 09:43 GMT+7

(TNO) 23 giờ 55 phút đêm 30 Tết, 5 phút nữa đến giờ bắn pháo hoa, bỗng nghe thấy tiếng chạy hớt hải của ba bốn nhân viên vệ sinh môi trường. Đến giờ tập trung chuẩn bị nhận nhiệm vụ đêm giao thừa.

(TNO) 23 giờ 55 phút đêm 30 Tết, 5 phút nữa đến giờ bắn pháo hoa, bỗng nghe thấy tiếng chạy hớt hải của ba bốn nhân viên vệ sinh môi trường. Đến giờ tập trung chuẩn bị nhận nhiệm vụ đêm giao thừa.

"Biển" người xem pháo hoa tại bờ hồ Hoàn Kiếm - Ảnh: Ngọc ThắngVà "biển" rác sau 15 phút bắn pháo hoa kết thúc - Ảnh: Cẩm Giang
"Biển" người tập trung quanh hồ Hoàn Kiếm chờ chiêm ngưỡng những màn pháo hoa lung linh sắc màu. Giấy báo, chiếu, túi nilon được trải khắp vỉa hè và lòng đường phố Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Hàng Khay. Và, khi 15 phút pháo hoa ngắn ngủi vừa kết thúc, đoàn người rời đi, xung quanh hồ Hoàn Kiếm lộ ra, như một biển rác.
“Năm nào tôi cũng đón giao thừa ngoài hồ. Năm ngoái không có nhiều giấy báo vứt bừa bãi như thế này. Toàn vỏ đồ ăn thôi”, cụ ông Trần Văn Mạnh, 75 tuổi, nhà ở phố Quán Thánh cho biết.
Giấy báo, giấy bản là cái để du khách đến xem pháo hoa trải ra làm chỗ ngồi. Trước giao thừa, chúng được người bán rong rao bán, 10.000 đồng 1 tờ nhật báo các loại, 10.000 đồng 1 tờ giấy bản to (cỡ giấy A1). Sau giao thừa, người sử dụng chúng đã xong việc, bỏ lại luôn mặt đất.
23 giờ 55 phút, đêm 30 Tết, 5 phút nữa mới đến giờ bắn pháo hoa, bỗng nghe thấy tiếng chạy hớt hải của ba bốn nhân viên vệ sinh môi trường. Đến giờ tập trung chuẩn bị nhận nhiệm vụ đêm giao thừa.
0 giờ 15 phút sáng nay, mùng 1 Tết Nguyên đán, khi chùm pháo hoa cuối cùng trên bầu trời phụt tắt, những nhân viên của đội vệ sinh môi trường quận Hoàn Kiếm đã xếp xong đội hình. Họ chia thành các nhóm nhỏ dọn vòng quanh hồ.
Một nam công nhân cầm chiếc vợt, kiên nhẫn vợt hết túi bóng, vỏ chai nước, lá cây rụng từ dưới lòng hồ Hoàn Kiếm lên bờ, để các nhân viên khác trong đội cầm xẻng, xúc lên thùng, cho lên xe tải. Anh kiên quyết không cho biết tên, vì: “Anh bận lắm cô ơi. Cô nhìn đấy, rác ngập đầu ngập cổ thế này, dọn đến 5 giờ sáng có sạch không?”
Xe hút bụi đi trước, quét hết rác rưởi sang 2 bên đường để nhân viên dễ thu gom. Rác thu đến đâu, được gom luôn lên xe lúc ấy. Lại một xe rửa đường nữa đi sau, đường được làm sạch bóng từng đoạn một.
Phục vụ Tết Ất Mùi, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội huy động thêm 3.000 công nhân tăng ca, dựng 4 lán tập trung tại 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa - tương ứng 4 điểm chỉ huy vệ sinh môi trường, duy trì đến hết đêm 30 Tết và ngày mùng 1 Tết.
“Chị làm 25 năm rồi. Có những năm phải chục xe tải đến mới hốt hết rác sau giao thừa. Vừa làm vừa buồn phát khóc vì mãi không được về với chồng với con”, chị Nguyễn Thịnh Vượng, công nhân tổ 2, đội vệ sinh môi trường quận Hoàn Kiếm, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội vừa làm vừa chia sẻ.
Sau giao thừa, Hà Nội đột ngột trở gió. Giấy báo bay tứ tung, những mảnh giấy bóng trong những ống pháo du khách cho nổ lúc giao thừa cũng bay loạn xạ trong không khí, cố gắng quét mãi mà không thể nào gom lại được hết, chị Trương Mỹ Hoa, công nhân tổ 2, đội vệ sinh môi trường quận Hoàn Kiếm than thở: “Khổ lắm cô ạ. Nếu ai mà cũng có ý thức một chút thì các chị đâu phải vất vả thế này”.
Chị Hoa đã làm ở Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội 20 năm, đón 20 giao thừa bên "biển" rác Hà Nội sau mỗi lễ giao thừa. Ác mộng nhất với chị Hoa là những đêm giao thừa lạnh buốt, mưa tái tê. Rác thì còn nhiều, chồng con ở nhà thì dằn dỗi vì chị không về đón giao thừa, vừa làm vừa tủi thân phát khóc.
Niềm hân hoan của người dân Thủ đô khi được xem những màn pháo hoa đã mắt - Ảnh: Ngọc ThắngSự cực nhọc của những công nhân vệ sinh môi trường làm việc xuyên đêm giao thừa, để Hà Nội sáng mùng 1 Tết lại sạch đẹp - Ảnh: Cẩm GiangGiấy báo được kê làm chỗ ngồi rất ngay ngắn trước khi xem pháo hoa - Ảnh: Cẩm Giang
Và sau đó, nó đã thành "biển" rác như thế này - Ảnh: Cẩm Giang
Công nhân hối hả làm việc từ giao thừa đến 5 giờ sáng mùng 1 Tết - Ảnh: Cẩm GiangNgười đàn ông này làm luôn tay chân, hết vớt rác dưới hồ tới thu gom rác trên bờ - Ảnh: Cẩm GiangChị Trương Mỹ Hoa, tổ 2, đội dọn vệ sinh môi trường quận Hoàn Kiếm, 20 năm đón giao thừa bên "biển" rác của Hà Nội - Ảnh: Cẩm Giang
Để cho người dân ở Thủ đô Hà Nội đón một lễ giao thừa trọn vẹn, những công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội phải dọn vệ sinh 3 lần. 1 lần trước khi giao thừa diễn ra, 1 lần ngay khi lễ bắn pháo hoa kết thúc, 1 lần cuối cùng lúc 5 giờ sáng. Cả đội lúc 5 giờ sáng phải đi kiểm tra lại hết bãi cỏ, lùm cây, mặt nước một lần nữa để chắc chắn rằng hồ Hoàn Kiếm đã sạch bóng, như chưa từng có sự xả rác, làm ô nhiễm của con người.
“Tôi cũng sốc. Đây là lần đầu tiên tôi đi trực giao thừa ở trung tâm thành phố như đêm nay. Rác nhiều quá. Người ta còn để rác ở toàn chỗ “hiểm” như bụi cỏ, gốc cây, nóc hộp điện cao thế”, chị Tạ Thị Ánh Hồng, 35 tuổi, tổ 17, đội vệ sinh môi trường quận Hoàn Kiếm nói.
2 giờ sáng, Hà Nội đổ mưa. Mưa ngày càng dày hơn, mau hơn. Khu vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng nơi lúc tối các bạn trẻ kê ghế uống trà chanh, bây giờ những đám vỏ hạt hướng dương bết chặt xuống nền gạch, quét mãi vẫn chưa sạch. Những nhát chổi mau mắn của người lao công siết mạnh hơn, thi thoảng, họ đưa tay lên mặt, vén lại sợi tóc đã ướt sũng vì mưa lạnh.
Đón giao thừa bên "biển" rác, một điều không còn xa lạ với những công nhân vệ sinh môi trường Hà Nội. Nhưng, giá như, ý thức của người đến xem pháo hoa cũng đẹp như những bộ quần áo họ mặc trên người, và đẹp như những màn pháo hoa chiếu trên bầu trời, thì người công nhân sớm được về đoàn tụ với gia đình biết mấy?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.